Sáng 13/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Alfonso Garcia Mora cùng tham dự khai mạc diễn đàn “Vai trò của khu vực tư nhân đối với giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hệ thống thực phẩm ở Việt Nam”, sau đó 2 ông có cuộc hội đàm riêng về các vấn đề hợp tác giữa IFC và Bộ NN-PTNT trong thời gian tới.
Ưu tiên nông nghiệp xanh, phát thải thấp
Tại cuộc hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, lãnh đạo Bộ đánh giá cao những cam kết của IFC trong việc hỗ trợ Bộ NN-PTNT tăng cường đóng góp của khu vực tư nhân vào nền nông nghiệp hiện đại, mang tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.
“Nông nghiệp carbon thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ NN-PTNT nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon thuần bằng 0 vào năm 2050”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói với ông Alfonso.
Theo Thứ trưởng, điều này sẽ đòi hỏi những cải cách chính sách quản lý sử dụng tài nguyên hướng thân thiện với môi trường, nhấn mạnh vào hai ngành có lượng thải carbon lớn của Việt Nam là chăn nuôi và trồng lúa.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu ra một số vấn đề lớn đối với ngành hiện nay như giảm phát thải, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp và chú trọng vào nông hộ nhỏ.
Ông Phùng Đức Tiến lấy ví dụ về quá trình đối phó với dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam, do không có vacxin và tỉ lệ chết khi mắc bệnh là 100%, giải pháp duy nhất là buộc tiêu hủy nên đã làm giảm hơn 30% đàn lợn chăn nuôi của Việt Nam năm 2019.
Về vấn đề này, Việt Nam là một trong 3 nước được tham gia sáng kiến vùng về dịch tả lợn châu Phi của IFC, IFC đã hỗ trợ thiết lập và vận hành các cơ sở an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được quốc tế công nhận.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị IFC hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật trong giảm phát thải chăn nuôi như nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi; Hỗ trợ xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính trong chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng và triển khai các Hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát phát thải khí nhà kính ngành NN-PTNT, bao gồm cả lĩnh vực chăn nuôi.
“Liên quan tới cam kết COP26, chúng tôi đã hoàn thành đề xuất chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành chăn nuôi vì những tác dụng và hiệu quả của chương trình mang lại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch và có thể bán tín chỉ tạo nguồn thu người dân và ngân sách cho nhà nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Cam kết hỗ trợ
Ông Alfonso Garcia Mora cho rằng, những thông tin mà Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cung cấp đã giúp IFC hiểu rõ hơn được các ưu tiên của Việt Nam cũng như của Bộ NN-PTNT. “Những vấn đề này rất phù hợp với mối quan tâm của IFC”, đại diện IFC nhận định.
Cụ thể về các cam kết hỗ trợ, bà Rana Karadsheh, Giám đốc khu vực của IFC cho biết, mặc dù có nhiều nội dung nhưng 2 vấn đề lớn có thể nêu ra trong khuôn khổ hội đàm là về đối phó với dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ cho các nông hộ nhỏ của Việt Nam.
Trước đó, trong phiên khai mạc diễn đàn, ông Alfonso đã khẳng định, IFC và Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong việc triển khai chương trình mới và thực hiện các khuyến nghị của IFC, bao gồm khuyến khích việc áp dụng các kỹ thuật thân thiện với môi trường, cải cách để triển khai các giải pháp kỹ thuật số trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn, áp dụng công nghệ bền vững và tiêu chuẩn quốc tế.
“Trên thực tế, IFC tại Việt Nam với tầm nhìn của mình đã sớm thực hiện các bước quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh và carbon thấp thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tài chính”, Phó Chủ tịch IFC khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Tại phiên khai mạc này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã khẳng định, cùng với phát triển bền vững, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, ít phát thải sẽ chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu.
“Do đó để có thể tham gia vào sân chơi chung của thế giới, chúng ta cần phải có những bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phầm xanh, ít phát thải và bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.