Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, với các hồ chứa hiện có ở phía Nam tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nước phục vụ sản xuất, những năm xảy ra khô hạn thì huyện Thuận Nam và một phần huyện Ninh Phước thường là “tâm điểm”. Thực tế tại khu vực phía Nam tỉnh cũng đã có một số hồ chứa nhưng cũng chủ yếu là hồ chứa nhỏ, lưu vực tưới lớn. Mặt khác các hồ chứa có nguồn nước về hồ cũng khác nhau, có hồ ít, có hồ nhiều nên việc tích nước cũng khác nhau.
Ví như hồ chứa Tân Giang, Sông Biêu và Suối Lớn có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho trên 4.000ha sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hồ dồi dào nguồn nước thì có dung tích nhỏ, hồ có dung tích lớn lại thường xuyên không tích đủ nước. Do vậy lưu vực tưới của các hồ này thường xuyên bị thiếu nước nhất là trong vụ hè thu. Chính vì vậy, việc đầu tư kết nối liên thông giữa các hồ chứa Tân Giang đưa nước về hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn để điều tiết nước tưới là việc làm cấp bách.
Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Chuyên ngành, Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, việc đầu tư liên thông kết nối các công trình thuỷ lợi này rất thuận lợi đó là khoảng cách giữa các hồ gần nhau. Cùng với đó là cao trình mực nước của hồ thấp dần đều. Theo đó, hồ Tân Giang có độ cao 118,2m, hồ Sông Biêu là 101,25m, hồ Suối Lớn là 49,5m. Như vậy điều kiện địa hình này đảm bảo điều kiện dẫn nước tự chảy từ lưu vực Tân Giang về lưu vực Sông Biêu và từ lưu vực Sông Biêu về lưu vực hồ Suối Lớn.
Đặc biệt điều kiện thủy văn rất phù hợp để kết nối liên thông các hồ chứa này. Qua điều tra, khảo sát đánh giá nhiều năm cho thấy, lượng dòng chảy trung bình đến hồ Tân Giang là 48,2 triệu m³, trong khi đó dung tích hồ chỉ có 13,39 triệu m³, do vậy hàng năm nguồn nước của hồ Tân Giang phải xả đi rất lớn. Trong khi đó hồ chứa Sông Biêu có dung tích 23,78 triệu m³, nhưng lượng dòng chảy đến hồ chỉ đạt 22,05 triệu m³. Do vậy hầu như hồ này hàng năm không tích đủ lượng nước cần thiết. Ngoài ra hồ Suối Lớn có dung tích 1,18 triệu m³ nhưng lượng dòng chảy đến là 2,56 triệu m³, trong khi đó hồ này lại có diện tích tưới lớn nên không đảm bảo.
“Để việc chuyển nước từ lưu vực hồ Tân Giang sang lưu vực Sông Biêu được thuận lợi, giảm chiều dài kênh chuyển nước đồng thời tạo thêm dung tích để điều phối nguồn nước, tỉnh đã quy hoạch xây dựng thêm hồ chứa nước Phước Hà. Hồ chứa này nằm giữa hồ Tân Giang và hồ Sông Biêu. Đối với hệ thống kênh chuyển nước lưu vực các hồ chứa bao gồm, kênh chuyển nước từ Hồ Tân Giang sang hồ Phước Hà; Kênh chuyển nước từ hồ Phước Hà sang hồ Sông Biêu và kênh chuyển nước từ hồ Sông Biêu về hồ Suối Lớn với tổng chiều dài tuyến kênh trên 11km”, ông Nguyễn Văn Bính chia sẻ và cho biết, khi hệ thống liên thông hồ chứa này hoàn thành sẽ giải bài toán khô hạn cho toàn lưu vực.
Cùng với việc quy hoạch xây dựng liên thông hồ chứa Tân Giang, tỉnh Ninh Thuận đồng thời quy hoạch xây dựng hệ thống kết nối hệ thống hồ Sông Than để giải bài toán khô hạn căn cơ cho toàn vùng phía Nam tỉnh. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNt Ninh Thuận cho biết, hiện nay hồ Sông Than đã được đầu tư xây dựng công trình đầu mối, dự kiến đến năm 2022 này sẽ hoàn thành, hồ có dung tích thiết kế 85 triệu m3 nước.
“Hồ sông Than có dung tích lớn, nguồn nước dồi dào, nhiệm vụ của hồ này cũng đa mục tiêu như hồ Sông Cái. Đó là ngoài tưới trực tiếp cho khu tưới theo thiết kế nó còn bổ sung nước cho một loạt các hồ chứa nhỏ nằm phía dưới hạ lưu bằng đường ống kênh thép”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt phương án kết nối liên thông hồ Sông Than về các hồ chứa Lanh Ra, hồ Tà Ranh và hồ Bầu Zôn và tiếp nước cho hồ CK7 và hồ Suối Lớn bằng đường ống kết hợp tưới.
“Để đưa nước từ hồ sông Than về các hồ chứa khác, chúng tôi đã tính toán rất kỹ điều kiện địa hình. Theo đó cao trình mực nước chết của hồ Sông Than là 116,5m, còn các hồ khác có trình thấp như hồ Lanh Ra 40,5m; hồ Tà Ranh 26,4m; hồ Bầu Zôn 29m; hồ CK7 68.2m và hồ Suối Lớn 49.2m.
Bên cạnh đó, khoảng cách dẫn nước từ hồ Sông Than về hồ xa nhất là hồ Suối Lớn với chiều dài 31km, hồ gần nhất là hồ Lanh Ra có 15km. Như vậy điều kiện địa hình cho đảm bảo điều kiện dẫn nước tự chảy từ hồ Sông Than về hồ Lanh Ra”, ông Đặng Kim Cương nói và cho cho biết, hồ Sông Than có dung tích 85 triệu m3 nhưng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm đến hồ đạt 155 triệu m³ nên có lượng nước dư để điều phối cho các hồ chứa khác. Dự kiến đến 2025 - 2026, sau khi các hệ thống liên thông được đầu tư hoàn chỉnh thì khu vực phía Nam căn cơ đáp ứng được tình hình khô hạn, thiếu nước.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận: “Tỉnh Ninh Thuận có địa hình phía Tây là miền núi, vùng này lượng mưa gấp đôi, gấp 3 lần so với vùng ven biển, với lượng mưa trung bình khoảng 2.000 mm/năm, vùng ven biển trung bình chỉ 600 - 700mm. Do vậy, nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi là chuyển nước từ vùng mưa nhiều xuống vùng mưa ít. Hiện vùng phía Tây tỉnh Ninh Thuận có các hồ chứa lớn như: Sông Cái (219 triệu m3), hồ Sông Sắt (69 triệu m3), hồ Sông Than (85 triệu m3), hồ Trà Co (10 triệu m3) lúc nào cùng dồi dào nước để chuyển về vùng khô hạn”.