| Hotline: 0983.970.780

Vùng khô hạn nhất Ninh Thuận sắp hết 'khát'

Thứ Tư 16/06/2021 , 11:57 (GMT+7)

Đến cuối năm 2021, toàn bộ hệ thống kênh chính Tân Mỹ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Một vùng rộng lớn đất nông nghiệp của Ninh Thuận sẽ không còn lo khô khát.

Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP đang khẩn trương thi công kênh chính Tân Mỹ để hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: MP.

Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP đang khẩn trương thi công kênh chính Tân Mỹ để hoàn thành cuối năm nay. Ảnh: MP.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng

Những ngày này, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP đang khẩn trương thi công đường ống kênh chính Tân Mỹ bằng thép cuối cùng của giai đoạn I với tổng chiều dài 29km tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Dưới cái nắng như đổ lửa, những công nhân vẫn miệt mài thi công lắp đặt những đoạn đường ống kênh cuối cùng (trên 6km) để kịp tiến độ hoàn thành vào cuối năm. Việc thi công thời gian qua diễn ra thuận lợi nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 7 (Ban 7), nhất là UBND tỉnh Ninh Thuận trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như sự đồng thuận của người dân nhường đất cho dự án.

Theo Ban 7, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là dự án đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận, một trong những vùng khô hạn nhất nước.

Để đáp ứng mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 550/QĐ-BNN-XD ngày 24/2/2020 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, với nhiệm vụ chính: Tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác (hồ Sông Cái tưới 680 ha, đập dâng Tân Mỹ tưới 6.800 ha); tiếp nước cho hệ thống thuỷ nông Nha Trinh - Lâm Cấm đảm bảo tưới tiêu cho trên 12.000 ha; tiếp nước cho nhiều khu vực các hồ Cho Mo, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Ông Kinh; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản đồng thời tham gia chống hạn cho khu vực dự án như hồ thủy lợi Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn và trạm bơm Xóm Bằng.

Theo thiết kế, hệ thống kênh chính Tân Mỹ bằng đường ống thép có tổng chiều dài hơn 29km. Điểm đầu là hệ thống đập dâng Tân Mỹ và điểm cuối ở huyện Thuận Bắc. Ông Nguyễn Viết Tuyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Thẩm định (Ban 7) cho biết, hệ thống kênh chính Tân Mỹ sẽ đảm đảo tưới cho 6.800 ha. Dự kiến trong năm 2021, toàn bộ hệ thống tuyến kênh này sẽ đưa vào sử dụng, tưới cho một vùng rộng lớn khô han trước đây.

Trước đó, từ 2018 đến 2020, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tổ chức thi công, thông nước kỹ thuật và bàn giao cho địa phương quản lý, vận hành đến km22 và đảm bảo nước tưới cho 4.754 ha, tạo nguồn cấp nước chống hạn cho 400 ha khu tưới các hồ Phước Trung, Phước Nhơn và Thành Sơn, đặc biệt là tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và đảm bảo nước tưới cho cây lâu năm các xã bị hạn nặng như Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, Phước Trung.

Để đưa công trình hoàn thành cuối năm nay, đơn vị chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công huy động tổng lực thiết bị máy móc, con người thi công liên tục 3 ca để hoàn thành trên 6km kênh chính Tân Mỹ còn lại với khối lượng đào đắp đất đá, đổ bê tông rất lớn, sản xuất và lắp đặt trên 6km ống thép.

Kênh chính bằng đường ống thép nhiều lợi ích

Được biết, để thi công kênh chính Tân Mỹ bằng ống thép, đơn vị thi công là Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam – CTCP đã áp công nghệ ống xoắn nhằm nâng cao chất lượng đường ống và đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hệ thống kênh chính Tân Mỹ bằng đường ống thép rất hiện đại. Ảnh: MP.

Hệ thống kênh chính Tân Mỹ bằng đường ống thép rất hiện đại. Ảnh: MP.

Theo các chuyên gia, với địa hình đồi núi như Ninh Thuận, giải pháp kênh bằng đường ống là giải pháp mang lại hiệu quả nhất vì giữ được đầu nước tưới được trên địa hình cao và rộng lớn như vùng tưới của Tân Mỹ.

Ngoài ra, giải pháp đường ống còn giảm tổn thất nước, đặc biệt hiệu ích mang lại lớn, nhất là chi phí khai thác sau này giúp giảm hao phí xã hội. Bên cạnh đó, kênh bằng ống kín rất phù hợp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trước đây, người dân muốn sản xuất nông nghiệp theo quy mô đại trang trại, phải tạo áp mới có thể sử dụng, còn nay có sẵn người dân cứ việc dùng. Công nghệ này khiến tổng mức đầu tư tăng, nhưng suất đầu tư trên đơn vị tưới giảm.

Trước đây, tổng mức đầu tư hệ thống kênh hở thấp hơn một ít so với kênh kín nhưng chỉ tưới được 3.700 ha, giờ bằng đường ống đã tưới được 6.800 ha, ngoài ra còn tiếp nước bổ sung cho các hồ trong khu vực vào mùa khô hạn, đưa nước tới ven biển để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, tạo nguồn cho phát triển công nghiệp, dụ lịch…

Như vậy, tổng mức đầu tư tăng không nhiều nhưng diện tích được tưới tăng lên gấp đôi, tính ra rất hiệu quả, nhất là hướng phát triển tạo nguồn tưới có thể tăng lên 10.000 ha nếu tiếp tục nối ống dài ra về phía hạ lưu.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.