| Hotline: 0983.970.780

IMF dự báo lạm phát cả năm vượt ngưỡng 4%

Thứ Ba 01/10/2024 , 13:44 (GMT+7)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, lạm phát tại Việt Nam sẽ đạt đỉnh giai đoạn 2020-2025 vào năm nay, ở mức 4,1%, trước khi hạ trong năm kế tiếp.

Giá các loại mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng trong năm 2024. Ảnh: H.Quân.

Giá các loại mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng trong năm 2024. Ảnh: H.Quân.

Lạm phát tại Việt Nam tăng sau Covid-19, từ mức 1,8% (năm 2021) tăng lên 3,2% (năm 2022) và 3,5% (năm 2023). Xu hướng này sẽ không dừng lại và có thể đạt 4,1% trong năm 2024, theo tham vấn Điều IV của Ban Giám đốc điều hành IMF.

Nhận định của IMF tương đồng với Ngân hàng Thế giới (WB), khi tổ chức này dự báo lạm phát cả năm 2024 khoảng 4,2%.

Nguyên nhân được xác định chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng. Sự gia tăng chi phí sản xuất đã kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Mức lạm phát này nằm trong kịch bản dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, trong ngưỡng 4 - 4,5%. Để kiềm chế lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND của nhóm ngân hàng thương mại nhích dần lên. Trong ngày đầu tháng 10/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục biên độ này và được dự báo duy trì với mức dao động từ 0,1 - 0,5%.

Các chuyên gia tài chính dự báo, điều này có thể tiếp diễn đến cuối năm 2024, nhất là ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.

Dù tăng, lạm phát cơ bản vẫn duy trì tương đối thấp và ổn định (quanh ngưỡng 4%, theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ). Hiện lãi suất điều hành đã nhích lên lên 5% để kiềm chế lạm phát, nhưng điều này cũng tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay.

IMF đánh giá cao khả năng kiểm soát lạm phát hiệu quả của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và không gian chính sách còn hạn hẹp.

Quỹ cũng hoan nghênh những bước tiến về tỷ giá hối đoái theo hướng linh hoạt hơn và khuyến nghị Việt Nam duy trì, kết hợp hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ.

Lạm phát của Việt Nam được IMF dự báo sẽ là chậm lại trong năm 2025, khả năng còn 3,5%. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là mức tăng trưởng của nền kinh tế được tổ chức này giữ nguyên ở ngưỡng 6,1%, tương đương năm 2024.

Do dư địa tài khóa vẫn còn trong khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ còn tương đối ít, IMF khuyến nghị Việt Nam nên đưa chính sách tài khóa đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc do vừa ảnh hưởng bởi bão số 3. 

Đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ kịp thời những đối tượng dễ bị tổn thương là những biện pháp cần trong ngắn hạn.

Một số tồn tại của nền kinh tế cũng được IMF chỉ ra. Theo đó, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế Việt Nam - có thể yếu đi nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị tiếp tục dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng.

Những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhiều hơn với vốn vay. Theo ông, việc phát triển những công cụ tài chính mới, như tín dụng xanh và các hình thức huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, cũng cần được khuyến khích. 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...