| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 24/06/2024 , 06:52 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:52 - 24/06/2024

Kê khai tài sản cán bộ và tội phạm công nghệ cao

Kê khai tài sản cán bộ và tội phạm công nghệ cao bỗng trở thành nỗi lo kép, khi công chúng chứng kiến kết cục buồn của một nữ chủ tịch huyện.

Kê khai tài sản cán bộ đã thực hiện thường xuyên suốt nhiều năm qua, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Ví dụ mới nhất là bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa bị cách chức ngày 23/6, vì “kê khai tài sản không trung thực”.

Cách đây không lâu, dư luận cũng ngỡ ngàng về trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Trước khi bị khởi tố và bắt giam vào ngày 14/12/2023 với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, ông Lê Đức Thọ cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật do khuyết điểm “trong việc kê khai tài sản, minh bạch thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định”.

Thế nhưng, từ ông Lê Đức Thọ đến bà Nguyễn Thị Giang Hương có sự khác biệt không nhỏ. Bà Nguyễn Thị Giang Hương lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng, sau khi trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao.

Cụ thể, theo cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Giang Hương bị một nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật yêu cầu mở tài khoản để chuyển tiền vào. Sau đó, nhóm lừa đảo xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền của bà Nguyễn Thị Giang Hương, tổng cộng hơn 171 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra, nếu bà Nguyễn Thị Giang Hương “ngậm bồ hòn làm ngọt” không trình báo sự việc, thì có thể phát hiện dễ dàng một cán bộ thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản không? Chắc chắn không, bởi lẽ chính Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhận ra bà Nguyễn Thị Giang Hương đã có hành vi quanh co, đối phó khi làm việc với tổ xác minh tài sản, thu nhập. Cuối cùng bà Nguyễn Thị Giang Hương đã bị cách chức Phó Bí thư huyện ủy Nhơn Trạch và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, kết cục buồn của bà Nguyễn Thị Giang Hương buộc cộng đồng phải nghĩ đến những giải pháp tốt hơn cho chủ trương kê khai tài sản cán bộ và ý thức ngăn chặn tội phạm công nghệ cao. Hiện nay, ngoài phương pháp bốc thăm để chọn cán bộ vào danh sách phải tái xác minh sau khi kê khai tài sản định kỳ, cần tăng cường tai mắt của quần chúng tham gia giám sát. Việc đề xuất mua tin phòng chống tham nhũng với số tiền lên đến 50 triệu đồng, cũng là một gợi ý đáng ủng hộ. Bởi lẽ, lối sống giản dị hay xa hoa của mỗi cán bộ đều không thể qua mặt cư dân xung quanh luôn khao khát công bằng và tiến bộ.

Ở góc độ khác, xã hội cũng không thể mong loại tội phạm công nghệ cao tiếp tục tác oai tác quái, để cán bộ tha hóa bại lộ tài sản bất minh hàng trăm tỷ đồng, như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Giang Hương.

Bởi lẽ, mấy năm qua, các chiêu trò lừa đảo trên mạng đã làm điêu đứng nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, lực lượng chức năng cần có chiến dịch truy quét ráo riết để tiêu diệt những kẻ táo tợn lợi dụng công nghệ cao để trấn lột những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người lao động nhẹ dạ.

Bình luận mới nhất