Giải pháp rẻ
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bến Tre, địa phương có 65km bờ biển. Gần đây, do ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều từ biển Đông đã làm thay đổi dòng chảy, bờ biển Thạnh Phú bị xâm thực nghiêm trọng. Khoảng 4 năm qua, sạt lở ăn sâu vào đất liền trung bình khoảng 100m, chiều dài trên 18km. Trong đó, huyện Thạnh Phú có khoảng 7,5km bị sạt lở.
Các điểm nóng về sạt lở trên địa bàn huyện như xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải. Sạt lở đã làm mất đất của 97 hộ dân, diện tích khoảng 100ha. Sóng biển đã cuốn trôi nhiều diện tích đất rừng phòng hộ, phá vỡ nhiều vuông tôm, thiệt hại lớn trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, còn làm mất hàng chục ha rừng phòng hộ và đặc dụng dọc theo tuyến bờ biển Thạnh Phong.
Nhằm mục tiêu chống xói lở bờ biển tại các điểm nóng trên, tháng 11/2020, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bến Tre đã đưa vào sử dựng công trình kè nhằm giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực cồn Bửng (xã Thạnh Phong). Công trình gồm tuyến có chiều dài 1,1km chạy song song cách bờ biển 100m và 3 tuyến kè mỏ hàn dài 325m. Vật liệu xây dựng là túi Geotube được bơm đầy cát. Tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng, rẻ bằng 1/5 so với giải pháp “cứng”.
Chủ nhiệm công trình, tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Viện Kỹ thuật biển - Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam cho biết: “Trước khi xây dựng công trình, bồi xói xen lẫn, lạch sâu xuất hiện trong phạm vị công trình. Sau khi xây dựng công trình đưa vào sử dụng gần 2 năm đã hình thành bãi bồi thay đổi, xu hướng bồi hoàn toàn, bãi bồi tiến tới ổn định, lạch sâu bị đẩy ra phía ngoài phạm vi công trình, cây cối tự nhiên phục hồi”.
Cụ thể, xu hướng chung của công trình kè là bồi, hầu hết các mặt cắt đều cao hơn thời điểm thiết kế. Khu vực đầu công trình (phía Bắc) cao độ bãi bồi mạnh, khoảng 0,3-0,5m. Khu vực giữa và tuyến công trình (phía Nam) cao độ bãi bồi rất mạnh từ 0,5-1,2m. Phía giáp rừng phòng hộ (đường bờ biển) lạch nước trước đây bị bồi lấp và cồn cát có xu thế cao thêm 0,5m. Cồn dần dần ổn định không bị xói lở khi mùa gió chướng như trước. Thể tích cát bồi tụ trong 18 tháng qua đạt gần 160 nghìn khối.
Thành công của dự án kè chắn sóng bảo vệ bờ biển cồn Bửng, xã Thạnh Phong còn có yếu tố kỹ thuật, xác định địa chất, dòng chảy, hướng gió và vật liệu làm túi Geotube phải có độ bền cao.
Ông Phạm Văn Mẹo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, doanh nghiệp cung ứng túi nhựa Geotube cho biết: Túi này có độ bền cao, khoảng 10 năm. Túi này được chúng tôi đầu tư công nghệ hiện đại, chất liệu bền theo thời gian. Túi geotube có thể ứng dụng làm kè được sạt lở bờ sông, bờ biển.
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Bến Tre thời gian qua, đơn vị đã sử dụng giải pháp công trình khác nhau phù hợp với tình hình sạt lở thực tế đang diễn ra. Cụ thể như: kè mềm, rọ đá, đê trụ rỗng…để giảm sóng chống sạt lở. Kè mềm được xem như là một trong giải pháp trong điều kiện kinh phí của tỉnh còn khó khăn hiện nay. Bởi kè mỗi km kè cứng có kinh phí đầu tư từ 60 – 80 tỷ đồng. Kè mềm có chi phí rẻ hơn nhiều.
Kịp thời
Công trình kè mềm giảm sóng gây bồi chống xói lở tại đoạn qua cồn Bửng xã Thạnh Phong bước đầu mang lại hiệu quả cao, có thể nói ngoài kỳ vọng mục tiêu dự án ban đầu, tạo được sự phấn khởi đối với cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương.
Ông Phan Duy Triết, Phó Phòng Quản lý Tài nguyên Biển và Khí tượng thuỷ văn trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre đánh giá: “Công trình đã bồi tụ lượng cát rất lớn, để từ đó tái tạo lại hệ sinh thái ven bờ, đặc biệt, thân thiện với môi trường và đảm bảo hoạt động sinh kế của người dân”.
Nói về hiệu quả của kè giảm sóng, ông Trần Văn Vũ, một người dân sinh sống bằng nghề khai thác nhuyễn thể hai mảnh trên bãi biển cồn Bửng khoảng 4 năm nay khẳng định: “Hai năm trước lở dữ lắm, hàng dương ở ngoài mấy cái ụ (kè) kia bị lở vô tới đây. Bây giờ bồi nhiều lắm, hết lở rồi”.
Tuy nhiên, ông Phan Duy Triết cũng cho rằng: Giải pháp sử dụng kè mềm Geotube sẽ phù hợp với những điểm sạt lở ven biển có nhiều cát, để có thể bồi tụ, do đó có thể nhân rộng mô hình ở những khu vực có địa chất tương tự. Tuy nhiên, khi kết thúc công trình này, ông Triết đề nghị cần làm ngay dự án trồng cây gây rừng trên bãi cát bồi tụ để tạo sự ổn định cho công trình. Đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp tiếp theo, sau khi công trình không còn được “bảo hành”, cũng như khuyến cáo cảnh báo người dân về các hành động không được phép và chung tay bảo vệ công trình.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Tài, Phó phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú cũng cho rằng, nhược điểm của kè mềm là thời hạn sử dụng ngắn. Do đó, ông đề nghị nhà sản xuất cần có giải pháp kỹ thuật nhằm gia tăng tuổi thọ cho kè. Bên cạnh đó, ông Tài cũng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu các giải pháp để thực thi các công trình vừa hiệu quả chống xói lở bờ biển, vừa hài hoà hoạt động du lịch phát triển kinh tế cho địa phương.
Theo ông Bùi Văn Thắm, phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, về trực quan công trình rất phù hợp với điều kiện thuỷ văn. Bước tiếp theo phải hình thành hệ sinh thái mới và quản lý, vận hành sao cho hiệu quả. “Về ứng dụng kè mềm này trong thời gian tới, ngành cũng sẽ cân nhắc tùy theo điều kiện sạt lở, khả năng kinh phí nguồn vốn, điều kiện thuỷ văn cũng như tình hình thực tế sẽ có lựa chọn phù hợp, là sử dụng kè cứng hay kè mềm”, ông Thắm cho biết thêm.
Cồn Bửng (xã Thạnh Phong) có khoảng 1.000 hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, hoa màu trên đất giồng cát ven bờ. Xâm thực sâu vào đất liền đã đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, cũng như các công trình đã và đang được đầu tư xây dựng. Do đó, dự kè giảm sóng Cồn Bửng là một giải pháp rất kịp thời, đã mang màu xanh trả lại cho tự nhiên.
Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 đợt dông, lốc xoáy làm chết 1 người, bị thương 10 người và 287 căn nhà ở bị thiệt hại (trong đó sập hoàn toàn 28 căn). Về sạt lở, phát sinh 14 điểm sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng trực tiếp đến 8 căn nhà ở; hư hỏng khoảng 175m đê bao, trên 2.100 m đường giao thông và 1 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 1.900m.