| Hotline: 0983.970.780

130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020):

Kể tiếp hành trình của một vĩ nhân

Thứ Hai 18/05/2020 , 17:38 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành cuốn sách “Kể tiếp chuyện Bác Hồ” của tác giả Trần Quân Ngọc.

Cuốn sách được ấn hành nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB.

Cuốn sách được ấn hành nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB.

Vì sao gọi là “Kể tiếp chuyện Bác Hồ”? Rất đơn giản, tác giả Trần Quân Ngọc từng có nhiều cuốn sách về Bác Hồ như “Những người bạn quốc tế của Bác Hồ”, “Theo bước chân Người”, “Thư riêng Bác Hồ” hoặc “Bác Hồ với văn nghệ”.

Năm nay 82 tuổi, tác giả Trần Quân Ngọc là lứa Thiếu sinh quân đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc. Là con của một cán bộ ở ATK Thái Nguyên, tác giả Trần Quân Ngọc từ nhỏ đã có cơ hội gặp gỡ Bác Hồ, rồi từng làm phiên dịch cho Bác Hồ ở Nga... vì vậy ông có nhiều kỷ niệm và nhiều tư liệu thú vị.

Nhà thơ Thu Bồn (1935 - 2003) từng có mấy câu đúc kết đáng suy ngẫm: “Hành trang Bác chẳng có gì/ Ngoài đôi dép mỏng đã lì chông gai/ Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm”. Con đường cách mạng của Bác Hồ đã để lại nhiều câu chuyện sâu sắc, mà lần tác giả Trần Quân Ngọc “kể tiếp” này càng thấy thuyết phục hơn.

Bức tranh 'Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô' do Trần Quân Ngọc vẽ. Ảnh: NVCC.

Bức tranh "Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô" do Trần Quân Ngọc vẽ. Ảnh: NVCC.

Trong bài thơ “Người đi tìm hình của Nước”, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhắc đến chi tiết: “Có nhớ chǎng, hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa bǎng giá”.

Đây là sản phẩm chỉ mang tính thi ca chăng? Không, những ngày nhọc nhằn của Bác Hồ ở Paris có một nhân chứng khách quan là nhà văn Nhật Bản Komatsu Kiyoshi (1900 - 1962) đã miêu tả rất cụ thể: “Tôi sang Pháp và tới Paris vào mùa xuân 1921. Độ mươi ngày sau, một sự tình cờ run rủi, tôi gặp một thanh niên Việt Nam trong nơi hội họp công khai. Người thanh niên Việt Nam ấy chính là người Á Đông đầu tiên đã cùng tôi giao du trong một thời gian khá dài trên đất Pháp.

Người ấy làm một nghề ăn lương công nhật mà sống, không thể tưởng tượng được khổ cực là ngần nào. Người ấy ăn rất ít, ngủ rất ít, làm việc rất nhiều. Mỗi buổi chiều, khi đã làm xong công việc khó nhọc của một chân thợ phụ trong nhà máy, người ấy lại ngồi vào bàn viết lách và đọc sách.

Khốn nạn thay! Thân thể anh ta khi ấy đang bị tàn hại bởi một chứng bệnh ác nghiệt, mà chẳng mấy người đã mắc có thể khỏi được. Hai mắt anh ta thường sáng quắc lên bởi những cơn sốt râm rỉ bên trong. Đôi khi anh ho rũ rượi như một người sắp tắt thở.

Vậy mà cuộc sống tinh thần của anh ta vẫn dồi dào, phong phú. Sự hoạt động của anh ta vẫn ráo riết không ngừng.

Hai ba lần, tôi được dịp nghe anh ta nói trước mặt những thính giả người Pháp bằng tiếng Pháp, lời lẽ rất trôi chảy, hùng hồn. Anh ta còn làm trợ bút cho nhiều tờ nhật báo và tuần báo ở Paris”.

Đấy là chân dung Hồ Chí Minh những ngày ấy. Còn khi đã là lãnh tụ quốc gia, Bác Hồ cũng có những cách ứng xử đáng khâm phục. Trong kho lưu trữ văn hóa - lịch sử Nga có giữ một lá thư ngắn của Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp, khi người sang thăm Liên Xô vào năm 1959.

Bức thư trả lại 5.000 rúp của Bác Hồ. Ảnh: NXB.

Bức thư trả lại 5.000 rúp của Bác Hồ. Ảnh: NXB.

Bức thư viết ngày 1/8 có nội dung thể hiện sự tự trọng và sự trong sạch của một vĩ nhân:

 “Kính gửi đồng chí thủ quỹ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Đồng chí thân mến!

Trước khi rời Matxcova, Ban Chấp hành Trung ương đã tặng tôi 4.000 rúp, và đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của tôi 1.000 rúp. Tổng cộng 5.000 rúp.

Vì chúng tôi không tiêu pha gì cả trong chuyến đi của chúng tôi, tôi xin gửi lại đồng chí 5.000 rúp và mong đồng chí nhận lại số tiền nói trên.

Gửi đồng chí lời chào anh em”.  

Trong cuốn sách “Kể tiếp chuyện Bác Hồ”, tác giả Trần Quân Ngọc cũng sưu tầm được bài thơ “Tình hình Trung Đông” được Bác Hồ viết năm 1967, khi đang chữa bệnh tại Bắc Kinh: “Trung Đông bão táp vừa bùng nổ/ Bỗng chốc lôi đình lại tạm câm/ Khốn khổ vì ai cho nên nỗi/ Anh em Ả Rập phải thương tâm/ Trông người, ta lại ngẫm phần ta/ Sách lược của ta, ta đặt ra/ Đừng để cho ai xoay chuyển nó/ Cuối cùng thắng lợi ắt về ta”. Hầu hết các tuyển tập thơ Hồ Chí Minh đã xuất bản, đều chưa có tác phẩm này.

Tác giả Trần Quân Ngọc đã có nhiều cuốn sách về Bác Hồ. Ảnh: NVCC.

Tác giả Trần Quân Ngọc đã có nhiều cuốn sách về Bác Hồ. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh tư liệu được dày công tìm kiếm, ưu điểm của tác giả Trần Quân Ngọc khi “Kể tiếp chuyện Bác Hồ” vẫn là những hồi ức cá nhân.

Tác giả Trần Quân Ngọc nhớ lại mình từng đi xem một trận bóng đá trên sân Hàng Đẫy sau ngày giải phóng Thủ Đô. Trước giờ khai cuộc, loa phóng thanh vang lên: “Kính mời Cụ Chủ tịch bước ra sân vận động sút cú bóng danh dự”. Và Bác Hồ đã từ khán đài bước xuống sân cỏ để thực hiện một cú sút điệu nghệ.

Và trong thời gian ở Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, tác giả Trần Quân Ngọc được tham gia một buổi trò chuyện của Bác Hồ.

Lúc Bác Hồ cho phép các cháu giao lưu, một thiếu sinh quân đặt câu hỏi: “Thưa Bác, Bác có phải là Nguyễn Ái Quốc không ạ?”. Bác Hồ đã trả lời hóm hỉnh: “Bác là Hồ Chí Minh. Cháu muốn tìm hiểu về ông Nguyễn Ái Quốc thì cháu cứ gặp ông ấy mà hỏi!”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.