| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo

Thứ Bảy 19/11/2022 , 08:15 (GMT+7)

Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp, ông Lê Thanh Hòa cho biết.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970) ngày 19/11 với chủ đề kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970) ngày 19/11 với chủ đề kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL đến các tỉnh, thành trong cả nước cũng như xuất khẩu, ngày 19/11, Tổ điều hành Diễn đàn 970 của Bộ NN-PTNT chủ trì tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Diễn đàn 970 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom với 2 điểm cầu chính tại TP. Hà Nội, TP. HCM và các đầu cầu ở Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cùng một số hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân canh tác lúa gạo,...

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (Số 14, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (Số 14, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.

Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới. 

Thời điểm này, những đồng lúa đông xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào vụ thu hoạch, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 tới 7 triệu tấn.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 00 phút

Kiến nghị Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo

Nhập chú thích ảnh

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 43 đến 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 đến 23 triệu tấn gạo, với trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, 15% sản lượng gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước hàng năm. Là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước), trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.

Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp, nông dân tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ. Qua đó, hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, chú trọng phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.

Về thị trường, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,… Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.

Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này. Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn.

Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn, nhưng nay, số lượng sẽ giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản khẳng định, bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,…của thị trường nhập khẩu.

9 giờ 55 phút

Tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu

lua gao

Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản. Ảnh minh họa: TTXVN.

Liên quan đến vấn đề kiểm dịch, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết, yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc ngày càng khắt khe và liên tục bổ sung.

Ông Phi khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,…từ Hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Liên quan đến phân khúc sản phẩm xuất khẩu, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho rằng, tuy các sản phẩm cao cấp đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng sản phẩm lúa gạo phổ thông vẫn chiếm nhu cầu chính trong thị phần tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường Trung Quốc.

9 giờ 45 phút

Đồng ruộng không dấu chân là phong trào không thể đảo ngược

ong Kha

“Phân bón hữu cơ vi sinh đang có nhu cầu cao ở ĐBSCL. Sử dụng phân hữu cơ làm giảm tỷ lệ mắc sâu bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nông dân Nam bộ rất thích”, Tiến sỹ Lê Quý Kha (ảnh), đại diện Công ty cổ phần Đại Thành, cho biết.

Ông Kha khẳng định thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính, nếu không lồng ghép các giải pháp sinh học đồng bộ, sẽ khó có cửa vào thị trường này. Về phong trào “đồng ruộng không dấu chân”, ông Kha giới thiệu nhiều sản phẩm như máy bay không người lái (Drone), máy sạ cụm...

Drone của Công ty cổ phần Đại Thành được quân đội quản lý. “Bất cứ chuyến bay nào cũng được thu thập dữ liệu. Kể cả con số chi tiết về lượng phân bón đã dùng. Dữ liệu này được các tổ chức quốc tế tin tưởng trong giảm phát thải khí Carbon”, ông Kha nói.

Tiến sỹ Kha cho biết hàng triệu ha lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang áp dụng mô hình của Đại Thành. “Đó là phong trào không thể đảo ngược. Thực tế, đầu tư máy móc mang lại lợi nhuận cao hơn hàng chục lần so với làm thủ công truyền thống”, ông Kha khẳng định.

9 giờ 35 phút

Triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không dư lượng giúp giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận

ong Tuan

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ảnh) – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Green Stars - cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ và các sản phẩm sinh học, xây dựng quy trình cho từng nhóm cây trồng.

"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cùng với cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp một số tỉnh, thành triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không dư lượng. Qua thời gian thực hiện tại các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau thì chi phí đầu tư của bà con nông dân bình quân giảm 10-15% tùy vào từng vùng canh tác, từng vụ; và bình quân lợi nhuận của bà con tăng 8-10%", ông Anh Tuấn phấn khởi cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Green Stars, trong quá trình thực hiện có những khó khăn tương đối giống nhau qua các vùng canh tác như: thói quen canh tác truyền thống khó thay đổi để chuyển từ sử dụng các sản phẩm hóa chất sang các chế phẩm sinh học để bảo vệ sức khoẻ và môi trường.

Thứ 2 là việc thu mua sản phẩm đầu ra cho bà con còn khá là khó khăn, chưa ổn định do chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra bao tiêu hoặc diện tích canh tác nhỏ lẻ dẫn đến phải bán ra bên ngoài cho thương lái.

"Mong muốn của công ty được gắn kết với các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu lúa gạo để tạo niềm tin và ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất tạo vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao cho thị trường và xuất khẩu", ông Tuấn đề xuất.

9 giờ 25 phút

Giảm sản lượng, tăng thu nhập, cần có đề án nghiên cứu sâu

ong Viet Anh

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Việt Anh (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông. Theo ông Việt Anh, để phát triển ngành hàng lúa gạo, cần sự liên kết, vào cuộc của nhiều nhà, như nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà quản lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông chỉ nói về vấn đề thị trường. Cụ thể, những năm gần đây, việc sản xuất lúa gạo của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, đó là áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo, chất lượng giống, quy trình, nhằm mục tiêu quan trọng là nâng cao giá trị xuất khẩu.

"Về ý kiến giảm sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân, cái này tôi hơi nghi ngờ, vì thực tế chúng ta chưa có đề án nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này", ông Việt Anh quan ngại. "Từ hơn 1 tháng nay, chúng ta không đủ gạo để xuất khẩu. Gạo chúng ta hiện giờ có giá cao nhất thế giới, vậy thì tại sao phải giảm sản lượng?".

"Năm ngoái chúng ta nhập hơn 1 triệu tấn gạo để sử dụng cho các ngành, hoặc nhập khẩu lúa Campuchia. Đây là quy luật thị trường", ông Việt Anh dẫn chứng. "Tôi tham gia ngành hàng gạo từ năm 1995, tôi thấy không phải dễ, cả doanh nước ngoài cũng vậy chứ không phải chỉ doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp ngành hàng gạo nước ngoài cũng phá sản, rút khỏi ngành gạo".

9 giờ 15 phút

Đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương công bố giá lúa định kỳ

gia lua gao

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

Nhân dịp này, đại diện Sở NN-PTNT Cần Thơ cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác, sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp khi đây là lĩnh vực mà Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL còn nhiều dư địa phát triển.

9 giờ 5 phút

Câu chuyện liên kết là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay

thuong lai

Thương lái thu mua lúa gạo tại ĐBSCL.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho rằng, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL.

Về kỹ thuật canh tác và giống lúa chúng ta đang đi đầu, có sự tiến bộ rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Hiện nay, riêng diện tích của Lộc Trời đã tăng lên trên 40.000 ha và dự kiến sẽ tăng lên hơn 100.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh.

Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời cac bên liên quan ngồi lại vơi nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia cần thực hiện đúng những gì đã cam kết. Ngoài ra, cũng cần tận dụng tốt các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tăng thêm thu nhập, gia tăng chuỗi giá trị bền vững.

Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro…

8 giờ 50 phút

Lúa gạo Việt Nam còn thiếu thương hiệu mạnh

thu hoach

Sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế (Ảnh minh họa).

“Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao”, ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế. Đầu tiên là sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài, chưa an toàn với né rầy, hạn, mặn và mưa lũ; Vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; Liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Kho bãi thiếu thốn.

8 giờ 40 phút

Diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL giảm nhưng giá trị lại tăng

Tham luận tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Đoan (đang đứng phát biểu), Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại TP.HCM cho biết, vùng ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, bình quân hàng năm khoảng 4 triệu ha, có nhiều năm cao điểm lên tới 4,3 triệu ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa gạo cả nước.

Hiện nay, bà con vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao. Sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm. Gạo phục vụ xuất khẩu từ 6-8 triệu tấn/năm, trị giá 3,7 tỷ USD.

So với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại ĐBSCL từ 4,3 triệu ha nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu ha, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thuỷ sản. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL đạt hơn 6 triệu tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo năm 2022 đạt trị giá khoảng 2,9 tỷ USD.

canh dong lua

Mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lại tăng, nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, nhiều giống lúa chất lượng như ST24, ST25. Tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%.

Năm 2023, theo kế hoạch, ĐBSCL vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn, thời vụ tuỳ thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiêu xuống giống nhanh, kịp thời vụ. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha.

Về cơ cấu giống: Ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã.

Thêm vào đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha; tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng.

8 giờ 30 phút

Thương hiệu gạo Quốc gia bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp

Nhập chú thích ảnh

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều bước chuyển mình thay đổi để hướng tới sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chuyên nghiệp. Trong đó, ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã chủ động kiểm soát được các loại dịch bệnh trên cây lúa; nghiên cứu, chọn tạo được nhiều loại gạo ngon và được thị trường quốc tế công nhận như ST25; chuyển vụ sớm để thích ứng với hạn mặn...

Tuy đã có nhiều bước chuyển mình lớn, nhưng ngành sản xuất lúa gạo vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để hoạt động canh tác, sản xuất lúa gạo hiệu quả hơn.

Ông Trần Văn Cao nêu thực trạng sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn sử dụng lượng giống rất lớn khiến chi phí đầu vào bị đội lên nhiều lần, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học,… Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu mạnh để tạo nên thương hiệu gạo quốc gia.

Ông Cao cho rằng, các doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn gắn với nông dân và xây dựng thương hiệu gạo nổi tiếng cần dẫn dắt, trở thành hình mẫu cho ngành sản xuất lúa nước nhà. Qua đó, tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.