Nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong trạng thái bình thường mới, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn hàng hóa, nông sản thực phẩm, đặc sản từ khắp các địa phương trên cả nước trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Nhâm Dần 2022, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND, Sở NN-PTNT, Sở Công thương của các tỉnh, thành phố trên cả nước đồng tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán” trong sáng 25/12.
Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 17 cũng hướng đến thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành phố trên cả nước trong dịp Xuân Nhâm Dần 2022; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, kinh doanh hàng nông đặc sản với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.
Diễn đàn sẽ được tổ chức với 25 điểm cầu tại TP. Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Và nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu mua, chế biến, phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia trên nền tảng trực tuyến Zoom.
Cũng trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm giữa các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội.
Dự kiến, Diễn đàn diễn ra Phiên toàn thể trong buổi sáng từ 8h30.
11h00
Nguồn cung nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với cùng kỳ năm ngoái
Ông Phạm Văn Duy (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) kết luận: Diễn đàn đã được nghe nhiều bài giới thiệu về các sản phẩm nông sản ở cả 3 miền, ý kiến từ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ… Diễn đàn đã đáp ứng được đúng mong muốn, nguyện vọng của các đơn vị tham gia kết nối cung cầu nông sản trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Duy cũng cung cấp thêm thông tin, nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái, cụ thể: Lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%...
Về nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm. Trên cơ sở đó, ông Duy lưu ý các địa phương, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, tạo nhiều cơ hội cho các đơn vị có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất…
Do đó, các địa phương nên có phương án chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất…
10h30
Tại Diễn đàn, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội đã thực hiện lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Cụ thể, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đã ký kết với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Công ty Cổ phần Nông nghiệp sinh thái Ecovi đã ký kết với HTX 3T nông sản Cao Phong - Hòa Bình.
10h10
Quảng Ninh: Nhiều sản phẩm OCOP thủy hải sản 5 sao sẵn sàng cung ứng
Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh, với hơn 7 năm thành lập, doanh nghiệp là một trong những đơn vị tiêu phong tại địa phương chế biến các sản phẩm thủy hải sản ăn liền như chà bông hàu, ruốc bề bề, ruốc cá, ruốc ngao 2 cùi, bánh phồng hàu… cũng như các sản phẩm chế biến sâu như tinh dầu hàu, ruột hàu.
“Các sản phẩm của chúng tôi đều đạt chứng nhận OCOP 3-5 sao, hiện đang có mặt trên các siêu thị lớn. Với lợi thế là doanh nghiệp địa phương, có nguồn thủy hải sản dồi dào, phong phú, thông qua diễn đàn, chúng tôi mong muốn được kết nối cung ứng cho các siêu thị trên toàn quốc qua số điện thoại 0971.600.688”, bà Phạm Thị Thu Hiền chia sẻ.
10h10
Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần hợp tác cung - cầu nông sản
Thông qua diễn đàn, chúng tôi nhận được thông tin của một số doanh nghiệp, hợp tác xã cần hợp tác cung - cầu nông sản. Cụ thể:
- Bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản cao phong (Hòa Bình) cho biết: Hiện HTX có 20 ha diện tích cam các loại đang cho thu hoạch, trong đó cam CS1 lòng vàng, cam đường canh, sản phẩm cam quà tặng… đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ. Do đó, HTX mong muốn được kết nối với các đơn vị phân phối trong cả nước, số điện thoại liên hệ: 036.809.3519.
- Chị Nguyễn Thị Cát Thủy, Giám đốc HTX Tây Cát, tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị chuyên sản xuất chuối, dứa, na, xoài. Bên cạnh các sản phẩm quả tươi truyền thống, HTX còn kết hợp các nông sản để làm mứt, nông sản sấy, sấy dẻo, trà. Các sản phẩm của HTX đã được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao, và đưa vào một số chuỗi siêu thị lớn. Chị Thủy mong muốn, các sản phẩm hoa quả của HTX sẽ vươn ra được nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực phía Bắc.
- HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Trường Xuân chuyên sản xuất Nhãn Hương Chi EaKar, diện tích 450ha, năng suất bình quân 9.000 tấn quả tươi (sản xuất thu hoạch quanh năm) hiện nay đến tết có khoảng 250 tấn quả tươi. Ngoài ra, HTX còn cung cấp lợn rừng lai, sản lượng cung ứng dịp tết còn khoảng 350 con (7.000 kg). Địa chỉ: 26, thôn An Bình, xã Ea Tih, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk. Điện thoại: 0919.458.100, 0969.181.947.
- Công ty TNHH Nha Mân - tọa lạc tại KCN C Sa đéc - Đồng Tháp chuyên cung cấp các mặt hàng: Ống hút gạo (đã xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Á); Nui ăn liền, mì mè đen, mì đậu nành... Nui rong nho, nui me đen, nui đậu nành… Công ty rất mong được kết nối tiêu thụ các sản phẩm trên để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như kết nối lâu dài cùng các đơn vị có nhu cầu. Điện thoại: 0785.203.333 (Nguyễn Yến).
- Công ty CP Lãnh Nam Sa Đéc, chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm sau Gạo: Hủ tiếu tươi, hủ tiếu sấy, nui rau củ, bánh phồng tôm, bột gạo; hoa và cây cảnh, đặc biệt là hoa cúc mâm xôi. Rất mong hợp tác. Liên hệ: 0944.973.173.
- Công ty San Hà bước sang lĩnh vực chuỗi cửa hàng, cung cấp hàng trăm tấn thịt gia cầm cho các tỉnh, chủ lực là TP. HCM. San Hà mong muốn tiếp nối các tỉnh và vùng đặc sản để đưa vào hệ thống. San Hà sẽ bao tiêu số lượng lớn nông sản, đưa ra phương pháp để đưa nông sản về cung cấp thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Điện thoại: 0903.611.458 / 0903.911.458.
- Công ty Cổ phần Ambroyal chuyên sản xuất thịt bò khô công nghệ Mỹ. Sản phẩm có 7 hương vị khác nhau, đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Liên hệ: 0832.005.886 (Tổng giám đốc Trương Lê Huy Hoàng).
- HTX Po Mỷ có các sản phẩm: Mật ong bạc hà, Lê, Phở sâm khoai, Hạt óc chó. HTX rất muốn kết nối với các nhà phân phối, đại lý bán lẻ trên toàn quốc. Liên hệ: 0364.336.577 (Hòa).
- Ông Ngô Trọng Phượng, Giám đốc HTX Trường Xuân, huyện Ea Kar, Đắk Lắk cho biết, hai sản phẩm chủ lực của HTX là hai loại quả đặc trưng của miền Bắc. Đó là: nhãn Hương Chi (sản lượng khoảng 9.000 tấn/năm; vải U Hồng (khoảng 1.700 tấn/năm). Cả hai loại quả này đều được rải lệch vụ, và dễ dàng tiêu thụ trên thị trường.
Ngoài hai loại nông sản trên, HTX Trường Xuân còn sản phẩm thịt lợn rừng lai, với khoảng 3.000 lợn thương phẩm hàng năm. Từ nay đến Tết Nguyên đán, HTX còn dự kiến 10 tấn thịt.
Ông Phượng mong muốn, được các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để tăng tương tác trên môi trường kinh doanh số.
10h05
Theo ông Phan Văn Lục, Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, trong những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng (12%/năm). Hiện tại tổng sản lượng đã vượt 500 triệu con, sản lượng thịt đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng gấp 3-5 lần so với năm 2010.
Trong bối cảnh dịch bệnh ngành chăn nuôi gia cầm đã phải đối mặt với nhiều cản trở trong sản xuất và kinh doanh, Hiệp hội đã xây dựng các mối liên kết đẩy mạnh sản xuất, chiếm 60% tổng sản lượng đầu con, thịt, trứng.
Hiện nay Hiệp hội đang tổ chức liên kết với hơn 222 cơ sở sản xuất, 74 doanh nghiệp, cơ sở thành viên trong Hiệp hội để đảm bảo sản xuất trứng gia cầm các loại, thịt gia cầm chế biến (Công ty San Hà, công ty CP,...), và con giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiệp hội luôn nỗ lực đưa đến các sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm.
Vào ngày 22/12 vừa qua, Hiệp hội đã tổ chức một cuộc họp quan trọng để kết nối doanh nghiệp, vượt qua khó khăn đại dịch, thích ứng môi trường trong dịp tết. Diễn đàn là một cơ hội to lớn phát huy sản phẩm các cơ sở địa phương để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nước ngoài, thông qua hình thức online để tiêu thụ nông sản hiệu quả ra các thị trường thế giới.
10h00
Miến tỏi đen được ưa chuộng
Hợp tác xã miến Việt Cường đã có sản phẩm trên thị trường từ 40 năm nay, đạt sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Hiện sản lượng mỗi năm là 500 tấn, năng suất còn có thể nâng lên gấp 5 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Ba (ảnh), Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường, tỉnh Thái Nguyên, sản phẩm của đơn vị chủ yếu là miến dong, miến khoai lang, miến tỏi đen (dong + 10% tỏi đen), miến sắn dây. Hiện tại, miến tỏi đen được ưa chuộng do khẩu vị tốt, bao bì đẹp, thích hợp làm quà biếu.
Theo giới thiệu của Hợp tác xã Việt Cường, dong làm miến là thứ dong riềng tía, ngọt mát được lựa chọn kỹ càng tận vùng đất Bắc Kạn. Dong ấy đem về làm sạch sau đó dùng dao nhỏ gọt bỏ những phần hỏng, cạo vỏ rồi cho vào mài nát.
Ông Cường cung cấp số điện thoại liên hệ: 0965.668.889. Địa chỉ website: www.mienvietcuong.com
9h55
Ông Phan Thành Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI) cho biết: Công ty có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Công ty hiện có hệ thống phân phối sản phẩm lớn như hệ thống Vinmart, Vinmart+, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị….
Với năng lực và nhu cầu hiện tại, công ty rất cần sự kết nối, hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất… để nhận được nguồn cung đang thiếu, như ở Đồng Nai sản phẩm tàu ki váng đậu luôn thiếu nguyên liệu; bánh đa Thổ Hà (Bắc Giang), nhân lạc đỏ (Nghệ An), mộc nhĩ, nấm hương… Ngoài ra, đại diện DONAVI cho biết công ty cũng đang có nhu cầu tìm nguồn cung cấp nguyên liệu gia vị và thảo mộc tự nhiên như quế, hồi, thảo quả, hạt mắc mật, hạt điều đỏ... Số điện thoại liên hệ: 0946.062.611.
9h50
HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận, Đồng Tháp phục vụ nhãn quanh năm
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận, tỉnh Đồng Tháp cho biết, cơ sở sản xuất của ông đang định hướng mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, có thêm mã số vùng trồng.
Trên cơ sở đó, ông Ba mong muốn, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, xuất khẩu trong nước tăng cường kết nối.
Theo ông Ba, nhãn của HTX An Phú Thuận sản xuất quanh năm, đặc biệt có sản phẩm nhãn sấy. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, giao thông đến HTX tương đối thuận lợi. HTX đã kết nối với nhiều vùng trồng nhãn lớn như Sơn La, Hưng Yên.
Đại diện HTX, ông Ba bày tỏ mong muốn được hợp tác lâu dài với những doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là Vina T&T.
9h40
Ecovi sẵn sàng kết nối tiêu thụ nông sản theo hướng sinh thái, hữu cơ
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sinh thái Ecovi, bà Nguyễn Thị Lê Na, cho biết hiện đơn vị chủ yếu phân phối các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với hơn 200 điểm bán trên toàn quốc.
“Mô hình của Ecovi khá linh động khi đi theo hướng tận dụng hình thức trực tuyến của các điểm bán quy mô từ nhỏ đến lớn. Đối tượng mà Ecovi hướng đến là người tiêu dùng có nhu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ”, bà Nguyễn Thị Lê Na thông tin.
Theo đó, đại diện Công ty Ecovi cho biết, doanh nghiệp đang cần tìm, kết nối với các đơn vị canh tác theo hướng sinh thái, hữu cơ hoặc các đơn vị đang mong muốn chuyển đổi sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ.
“Hiện nay chúng tôi đang tập trung cho sản phẩm trái cây tươi. Sang năm 2022, Công ty sẽ tập trung sang các sản phẩm chế biến nông sản khô. Các đơn vị có nhu cầu hợp tác có thể liên hệ với tôi theo số điện thoại 0986.612.607”, bà Nguyễn Thị Lê Na chia sẻ.
9h30
Kon Tum phát triển mạnh về nông sản nhiệt đới
Ông Huỳnh Sỹ Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết, với lợi thế hai vùng khí hậu đặc thù, Kon Tum phát triển mạnh về nông sản nhiệt đới như cà phê, sắn, lúa; các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây (Đảng sâm)...
Về sản lượng của nông sản Kom Tum, cà phê hiện có 62.000 tấn, sắn 600.000 tấn. Diện tích cây ăn quả đạt 6.500 ha gồm bưởi, cam, quýt, chuối, sầu riêng... Về dược liệu, sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.240 ha, Đảng sâm và các loại dược liệu khác đạt khoảng 2.600 ha.
Hiện nay Kon Tum có 150 sản phẩm OCOP đạt 3 - 5 sao, có một sản phẩm "Cà phê Darmark" đạt chuẩn 5 sao, trong đó một số sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh có thể làm quà tặng ngày Tết.
Ngoài ra Kon Tum còn có các sản phẩm Hồng Đảng sâm, trà sâm, mứt sâm, củ sâm; cà phê bột và cà phê hạt rang; các sản phẩm rừng, rau củ quả sấy khô;... đã có danh mục và số điện thoại liên lạc gửi đến Diễn đàn.
Ông Huỳnh Sỹ Liêm mong rằng trong thời gian tới tỉnh sẽ nhận được thêm sự quan tâm, kết nối, đồng hành tiêu thụ nông sản từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà kết nối tiêu thụ.
9h20
Cuối năm là dịp tiêu thụ tốt của thị trường nội địa
“Lắng nghe diễn đàn từ khi bắt đầu, chúng tôi rất thấu hiểu khó khăn của các sản phẩm đặc sản miền Nam. Với đặc trưng là đại diện cho các nhà bán lẻ, phân phối vào siêu thị, chúng tôi chia sẻ khó khăn với nông dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết.
Hiệp hội cam kết cùng các nhà cung cấp, Tổ Công tác 970 để triển khai chuyên đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền vào siêu thị. Ngoài ra, với cương vị là người đứng đầu chuỗi siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh thành, ông Dũng cho biết cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước.
“Mong nhận được thư chào hàng, giới thiệu của các nhà cung cấp, hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh”, ông Dũng nói.
Công ty Bán lẻ BRG (BRG Retail) đang điều hành 79 Siêu thị BRG Mart và Cửa hàng HaproFood tại 7 tỉnh/thành bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. HCM và Vũng Tàu. Các Nhà cung cấp có sản phẩm đưa vào Hệ thống siêu thị BRG Mart vui lòng liên hệ: Ông Nguyễn Thái Dũng - Chủ tịch BRG Retail: 096.533.8686. Trân trọng cảm ơn!
9h10
Đồng Tháp chuẩn bị nhiều loại hoa quả cho dịp tết
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp tết.
Cụ thể, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, 1/2022 và 2/2022 lần lượt là khoảng: 19.000 tấn, 22.000 tấn, và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm.
“Tham dự diễn đàn hôm nay là bước khởi đầu cho nông dân tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá nông sản làm bằng tâm huyết của mình tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hy vọng qua diễn đàn, chúng tôi sẽ có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường”, ông Điền nói.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT kêu gọi doanh nghiệp, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến đầu tư vào Đồng Tháp. Ông hứa, sẽ tạo mọi điều kiện để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.
9h00
Nhiều sản phẩm OCOP 3 - 4 sao của Tây Ninh sẵn sàng lên kệ dịp Tết nguyên đán
Theo ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện tỉnh đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Với nhóm sản phẩm trái cây, Tây Ninh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Với nhóm sản phẩm chế biến có thể cung ứng quanh năm, Tây Ninh có sản phẩm thịt bò (được chế biến thành thịt mát, thịt đùi bít tết, thịt ba chỉ mát…), bánh tráng, rượu mãng cầu, nước ép mãng cầu, muối tôm, các loại thực phẩm chay. Tất cả đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.
“Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cũng mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP để quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước, qua đó đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm, Tết nguyên đán Nhâm Dần”, ông Nguyễn Văn Mấy bày tỏ.
Sở NN-PTNT Tây Ninh xin gửi đến quý đại biểu/tổ chức/cá nhân số điện thoại/email/liên hệ kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm Tây Ninh: ccptnttayninh@gmail.com; 02763.822519; 0786.449.988.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng xin gửi danh sách các sản phẩm nông đặc sản có thể cung cấp kết nối dịp lễ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần như sau:
8h50
Những nông sản Vĩnh Long sẵn sàng đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vĩnh Long có đa dạng loại sản phẩm nông sản như cây có múi, khoai lang, cá tra, thủy sản lồng bè…. Diện tích sản xuất lúa hàng năm hơn 146.000 ha, sản lượng 900.000 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 74 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.
Về sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, tỉnh Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội có thể cung cấp và mong muốn kết nối tiêu thụ, cụ thể: Bưởi năm roi và bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn. Vùng chuyên canh khoai lang hàng năm khoảng 14.000 ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…
8h40
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn: Tập trung vào OCOP
“Các mặt hàng nông sản của Lạng Sơn chưa nhiều như tỉnh khác. Mẫu mã, nhãn mác cũng chưa được quy mô bằng. Hiện Lạng Sơn tập trung quảng bá sản phẩm OCOP và kinh tế số”, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Về kinh tế số, Lạng Sơn hiện có 80.000 cửa hàng số của hộ gia đình, trong đó 65.000 tài khoản đã có giao dịch trên sàn Lạng Sơn Post Mart. Một mặt hàng đang được Lạng Sơn kỳ vọng là thạch đen xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh này có 3.000ha đất trồng thạch đen, sản lượng mỗi năm 16.000 tấn. Do tình hình dịch Covid-19, hiện mới xuất khẩu được 3.000 tấn.
Một số mặt hàng khác như cây có múi, chủ lực là quýt Tràng Định, có khả năng cung cấp 1.000 tấn vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra một số nông sản khác như cải làn, cải hoa vàng, cải trắng, dự kiến năng suất ổn định.
Thông qua diễn đàn, ngành nông nghiệp Lạng Sơn nhắc lại đề nghị các tỉnh phía Nam xem xét, thông tin tới doanh nghiệp, khi có đơn hàng với bạn hàng Trung Quốc hãy đưa hàng lên Lạng Sơn.
“Thời tiết Lạng Sơn những ngày qua theo kiểu ngày nóng, đêm lạnh, khó bảo quản hoa quả. Mặt khác, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, kiểm soát ngặt nghèo, nên mỗi ngày chỉ có 100-200 xe hàng xuất được sang thị trường này. Cũng xin lưu ý, Trung Quốc chỉ ngừng nhập khẩu hàng đông lạnh 14 ngày trước Tết, còn hàng không dùng xe đông lạnh vẫn nhập”, bà Thu cho biết.