Cung đang lớn hơn cầu
Theo UBND TP Hải Phòng, hiện tại, nguồn cung 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó một số lĩnh vực nguồn cung đang vượt nhu cầu sử dụng.
Trong đó, về gạo, theo thống kê mới nhất, nhu cầu tiêu dùng tại Hải Phòng khoảng 21.562 tấn/tháng, sản lượng sản xuất của thành phố khoảng 21.667 tấn/tháng, với nguồn cung gạo hiện tại, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, mặt hàng gạo còn được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc và nhập khẩu các loại gạo đặc sản từ Thái Lan, Nhật Bản... thông qua hệ thống phân phối nên việc thiếu gạo chắc chắn khó xảy ra.
Về thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn khoảng 2.722 tấn/tháng, sản lượng thịt lợn của Hải Phòng khoảng 2.163 tấn/tháng, dù nguồn cung này chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn nhưng trên thực tế, thịt lợn còn được khai thác thêm từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc hoặc nhập khẩu từ nước ngoài thông qua hệ thống phân phối, nên việc vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Đối với thịt gà, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm tại Hải Phòng khoảng 3.080 tấn/tháng, trong khi sản lượng thịt gia cầm của Hải Phòng khoảng 5.736 tấn/tháng, thêm vào đó, nguồn cung thịt gia cầm cung cấp cho thị trường thành phố còn được khai thác thêm từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lào Cai hoặc nhập khẩu từ nước ngoài nên nguồn cung đang thừa.
Với trứng gia cầm, nhu cầu tiêu dùng trứng gia cầm khoảng 30,8 triệu quả/tháng, sản lượng sản xuất của thành phố khoảng 32 triệu quả/tháng, nguồn cung trứng gia cầm của thành phố đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, với các mặt hàng thiết yếu khác như gia vị, dầu ăn,… nhu cầu sử dụng của người dân dịp Tết cũng rất lớn, tuy nhiên qua thống kê hầu hết được cung cấp từ các tỉnh, thành phố khác và nhập khẩu từ nước ngoài thông qua hệ thống phân phối và hoàn toàn đáp ứng đủ yêu cầu cầu người dân.
Về thủy sản, nhu cầu tiêu dùng thủy, hải sản tại Hải Phòng chỉ khoảng 4.436 tấn/tháng, trong khi đó, sản lượng khai thác và nuôi thủy, hải sản của thành phố khoảng 15.433 tấn/tháng, do đó, nguồn cung thủy hải sản của thành phố đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Còn về rau, củ, nhu cầu tiêu dùng rau củ khoảng 20.535 tấn/tháng, sản lượng sản xuất của thành phố khoảng 24.939 tấn/tháng, bên cạnh đó, nguồn cung rau củ cung cấp cho thị trường thành phố còn được khai thác thêm từ các tỉnh khác như Sơn La, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng,... Do vậy, nguồn cung rau củ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn thành phố hiện có trên 42 cơ sở cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật và 80 cơ sở kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Hải Phòng, chưa có chợ đầu mối kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật nhưng có trên 270 chợ kinh doanh thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân.
Đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản
Hải Phòng hiện có 5 siêu thị lớn và hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini trên địa bàn thành phố có kinh doanh các mặt hàng nông sản trong đó có các sản phẩm như thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, trứng... tuy nhiên số lượng tiêu thụ còn hạn chế.
Còn với các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc động vật chủ yếu quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị còn thiếu, sản phẩm sản xuất chưa nhiều, công tác bảo quản còn hạn chế nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao.
Để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Mới đây, UBND TP Hải Phòng đã ban hành “Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng nói trên trong dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chương trình thực hiện bình ổn thị trường đối với 8 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, gia vị, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, đủ cân đối cung - cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho khoảng 2.053.493 người trên địa bàn Hải Phòng.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tham gia chương trình được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi đăng ký tham gia Chương trình và các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Đồng thời được tạo điều kiện tham gia các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu trên địa bàn thành phố và với các tỉnh, thành phố khác; được hỗ trợ cung cấp thông tin về các điều kiện đưa sản phẩm của cơ sở sản xuất vào các kênh phân phối.
Tuy nhiên, để tham gia được chương trình các cơ sở sãn xuất kinh doanh cần đáp ứng được một số yêu cầu như: phải có ngành nghề sản xuất - kinh doanh phù hợp, có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh, có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng ổn định.
Bên cạnh đó, các cơ sở phân phối phải có điểm bán hàng cố định, các cơ sở sản xuất phải đưa hàng vào các điểm bán lẻ hoạt động ổn định trên địa bàn, đồng thời cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng theo giá thông báo của doanh nghiệp.
UBND TP Hải Phòng giao cho Sở Công Thương làm chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, chức năng, các quận, huyện và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường và tình hình cung - cầu hàng hóa, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân dịp Tết.
Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, các tỉnh, thành phố tổ chức hoặc tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm kết nối các chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết, đặc biệt các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành, chức năng, các quận, huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường, công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu.
Cũng như tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn Hải Phòng.
Với Sở NN-PTNT Hải Phòng, được giao giới thiệu, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện tham gia và định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh tham gia. Mặt khác, đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường.
“UBND thành phố giao Sở Công Thương thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường và tình hình cung-cầu hàng hóa, tình hình diễn biến của dịch Covid-19 triển khai các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt phục vụ nhân dân vùng ngoại thành, hải đảo, các KCN, cụm công nghiệp… Mặt khác, tổ chức kết nối chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết, đặc biệt các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Văn bản của UBND TP Hải Phòng nêu.
Theo UBND TP Hải Phòng, chương trình này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối, đa dạng hóa mô hình mạng lưới điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt tại các huyện ngoại thành, hải đảo, khu - cụm công nghiệp, chợ truyền thống, khu lưu trú công nhân trên địa bàn.
Mặt khác, sẽ kết nối các cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, nhằm giải quyết đầu ra cho các cơ sở sản xuất và cung ứng hàng hóa ngày càng dồi dào cho thị trường, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực ở mức “Nguy cơ rất cao” khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn.