| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản Cà Mau không chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu

Thứ Bảy 18/09/2021 , 07:31 (GMT+7)

Về tiêu thụ sản phẩm đông lạnh, Cà Mau sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến hợp tác với các nhà mua trong nước chứ không chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tại đầu cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tại đầu cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội).

Sáng 18/9, Diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau" được diễn ra trang trọng, sôi nổi bao gồm các điểm cầu:

Điểm cầu Bộ NN-PTNT: Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Tổ Công tác 970 - Bộ NN-PTNT; đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản và các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Điểm cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Sở NN-PTNT, Sở Công Thương. Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tinh.

Điểm cầu các huyện, thành phố Cà Mau Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau.

Ngoài ra, còn có đại diện các hiệp hội, nhà mua, siêu thị, doanh nghiệp phân phối, xuất nhập khẩu, logistic trong và ngoài nước, doanh nghiệp thương mại điện tử và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông, thủy sản trong tỉnh.

Diễn đàn 'Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau' diễn ra trực tuyến sáng 18/9 (Ảnh minh họa).

Diễn đàn "Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau" diễn ra trực tuyến sáng 18/9 (Ảnh minh họa).

Tất cảTổng thuật

11h30

Xây dựng những chuỗi giá trị để đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn

thu truong nam 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận diễn đàn.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chúc mừng Cà Mau chủ trì thành công buổi Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” sáng 18/9. Mong muốn của Bộ NN-PTNT là xây dựng những chuỗi giá trị, đưa các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu về gần vùng nguyên liệu, cũng như lãnh đạo địa phương để đồng hành, tháo gỡ khó khăn với nhau.

"Chúng tôi vui mừng khi qua diễn đàn, Cà Mau đã sớm ký kết được hợp đồng với các công ty, tập đoàn bán lẻ lớn tại Việt Nam. Hy vọng các bên sẽ phát huy kết quả, tiếp tục kết nối với diễn đàn", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói. "Thay mặt Bộ NN-PTNT, Tổ công tác 970, tôi gửi lời cảm ơn tới Cà Mau đã hỗ trợ kết nối với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Khoảng 1.500 đầu mối đã được kết nối, trong đó có nhiều HTX từ Cà Mau, qua hình thức gói combo nông sản. Tất cả đều được ủng hộ và đánh giá cao, góp phần giải quyết vấn đề nguồn cung lương thực, thực phẩm cục bộ tại một số quận, huyện".

"Ban đầu, khi nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổ công tác 970 có đôi chút lo lắng. Nhưng khi kết nối được địa phương, lúc cao điểm chúng tôi có thể cung cấp khoảng 1.000 tấn nông sản/ngày. Những món quà này là tình cảm của người dân ĐBSCL tới TP.HCM, và các khu vực giãn cách. Mong Cà Mau kế thừa thành quả trong thời gian tới, kể cả sau khi hết Chỉ thị 16, để duy trì kết nối với Diễn đàn 'kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản', qua đầu mối là Báo Nông nghiệp Việt Nam", Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.

Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, "chúng tôi trân trọng, cầu thị và lắng nghe ý kiến từ các công ty, tập đoàn bán lẻ, để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, lưu thông, phân phối nông, thủy sản sau dịch. Sắp tới, 2 điểm tập kết nông sản vào TP. HCM tại Bình Điền và Thủ Đức, sẽ hoạt động trở lại. Bộ NN-PTNT sẽ xin cơ chế, để lập một văn phòng giới thiệu các nông, thủy sản ĐBSCL, trước mắt là cho đội ngũ y tế tại chỗ".

Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, bởi "họ đã trực tiếp xuống cơ sở sản xuất, nắm chắc tình hình từ giống, phân bón, quy trình canh tác… nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho sản phẩm cuối cùng".

Cũng theo lời Thứ trưởng, Diễn đàn “kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” không chỉ kết nối doanh nghiệp, mà còn lắng nghe về nhiều vấn đề khác, cả về lưu thông, phân phối, tiêu thụ. Đây là một diễn đàn mở, với tất cả các bên, mang tới thông tin tổng quan, đa chiều về thị trường.

11h20

Cà Mau không chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thay mặt lãnh đạo và bà con nông dân tỉnh Cà Mau, cảm ơn Tổ công tác 970 và cá nhân Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã giúp đỡ tỉnh tổ chức được diễn đàn ý nghĩa và nhiều kỳ vọng hôm nay. Từ những ý kiến hôm nay, tỉnh sẽ chú ý đưa vào các chương trình, kế hoạch chỉ đạo phòng chống dịch để vừa ngăn chặn Covid-19 vừa phát triển kinh tế của Cà Mau.

“Tôi hy vọng diễn đàn này trở thành sự kiện định kỳ, trở thành sân chơi cho các địa phương”, ông Lê Văn Sử nói.

Theo ông, diễn đàn kết nối sẽ là nơi để các doanh nhân, doanh nghiệp, HTX làm ăn, để các cơ quan, các cấp, các ngành có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách bài bản, hiệu quả hơn.

Đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, là địa phương có khả năng phát sinh dịch bệnh ít hơn nhưng quán triệt "đi trên 1 cấp, đi trước 1 bước" nên mới khống chế dịch hiệu quả như hiện nay nhưng cũng tạo ra khó khăn nhất định cho quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Sử khẳng định, sau diễn đàn sẽ tiếp thu các ý kiến để báo cáo với ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, lắng nghe, cân nhắc và có sự điều chỉnh kịp thời, để vừa giữ được thành tích chống dịch vừa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh.

Sau diễn đàn, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức hỗ trợ kết nối của tỉnh, song hành với Tổ công tác 970 gồm các sở, ngành hướng dẫn bà con nông dân xác định danh mục sản phẩm có thể tham gia kết nối, từ đó chọn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, tổ chức thành hệ thống từ sản xuất đến thu mua. Về tiêu thụ sản phẩm đông lạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói tỉnh có lợi thế nên sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến hợp tác với các nhà mua trong nước chứ không chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị hợp tác phát triển sản xuất hữu cơ lúa tôm giữa Cà Mau và Lộc Trời, Minh Phú, có thể tổ chức trực tuyến nếu điều kiện trực tiếp không cho phép. “Mặc dù chưa tổ chức được nhưng đã xúc tiến một số giai đoạn ban đầu”, ông Lê Văn Sử cho biết thêm.

11h00

Định hình bản đồ cung cấp nông sản

anh thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định báo sẽ xây dựng chuỗi giá trị từ du lịch đến nông sản.

Tổ điều hành kết nối nông sản đã hình thành, trong đó Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng ra kết nối với các đơn vị thuộc Bộ. Các đơn vị sẽ phối hợp với nhau để tổ chức hoạt động, trong đó nhiệm vụ chính là tổ chức các diễn đàn hàng tuần.

"Tuần sau, chúng tôi sẽ làm diễn đàn về kết nối tiêu thụ nông sản cho Tây Nguyên, tuần sau nữa là du lịch nông nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ tạo ra các kênh thông tin kết nối cung cầu, tập huấn nâng cao chất lượng sản xuất, tiêu thụ nông sản. Dự kiến, các diễn đàn trực tuyến sẽ diễn ra vào thứ Bảy", ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thông tin.

"Báo Nông nghiệp Việt Nam đã và đang vận hành các kênh thông tin kết nối. Theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phát triển thị trường của Bộ, chúng tôi đang làm Bản tin truyền hình nông sản, phát hàng tuần. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng các chuyên trang như Nông sản Việt, Kết nối nông sản, đưa thông tin về mặt hàng, giá cả, điểm mua, điểm bán. Điểm cung sẽ có số điện thoại, địa chỉ để điểm cầu chỉ cần click vào sẽ hiện ra đầy đủ thông tin cần thiết. Sắp tới, báo cũng sẽ xây dựng kênh du lịch nông nghiệp", ông Nguyễn Ngọc Thạch nói.

"Đề nghị các địa phương xây dựng mã vùng trồng, quản lý vùng trồng để chúng tôi update lên các chuyên trang, từ đó định hình bản đồ cung cấp nông sản. Ví dụ như cua Cà Mau sản lượng thế nào, tại đâu, hay các mặt hàng nông sản khác như rau, củ, quả... Xây dựng bản đồ thông tin để nhà bán, nhà mua tiếp cận dễ hơn", ông Nguyễn Ngọc Thạch đưa ra đề xuất.

Nhập chú thích ảnh

Đầu cầu tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền (Hà Nội).

Cũng theo lời Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, báo đang tạo lập sàn giao dịch ảo, trong đó có triển lãm nông sản, triển lãm du lịch.

"Chúng tôi sẽ đưa công nghệ vào, sao cho người xem chỉ cần click chuột là sẽ ra được đường đi đến Năm Căn, ngoài giới thiệu về du lịch, còn có nông sản. Từ đó, sẽ tạo ra chuỗi giá trị từ du lịch đến nông sản. Đối với triển lãm ảo, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ số, tạo lập không gian 3D cho từng sản phẩm: trỏ chuột vào sẽ ra thông tin về sản lượng, giá cả", ông Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu.

10h25

Camimex food mong muốn kết nối với người tiêu dùng trong nước

Ông Huỳnh Hữu Nhân, đại diện Camimex food cho biết công ty là đơn vị chuyên chế biến các sản phẩm tôm đông lạnh, tôm chế biến sâu và sản phẩm chế biến cá tuyết nhập khẩu từ châu Âu, Nga và Mỹ. Ngoài ra, Camimex cũng có hệ thống nuôi tôm sinh thái với tổng diện tích lên đến 6.000 ha được chứng nhận từ giai đoạn giống cho đến sản phẩm chế biến cuối cùng.

Thông qua diễn đàn hôm nay, ông Nhân cho biết mong muốn lớn nhất là được kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ để phát triển thị trường trong nước, đưa các sản phẩm của Camimex food đến với người tiêu dùng.

10h15

Chú trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, khuyến cáo Cà Mau cùng nhiều tỉnh, thành phố khác, rằng cần đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm thông qua các tổ, nhóm sản xuất, để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm ngay từ vùng nuôi.

Theo ông Hòa, các tỉnh, thành phố nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, hiện vẫn giữ thói quen phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống thương lái, nhằm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất liên kết bị đứt gãy, buộc nhiều ngành sản xuất nông nghiệp quay lại thị trường trong nước.

“Nhiều tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm ở Việt Nam còn cao hơn xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp cần tính kỹ đến vấn đề này, hướng đến chiến lược phát triển dài hơi, bền vững”, ông Hòa nói.

Trên cơ sở đó, ông Hòa đề nghị Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL, giám sát chất lượng, sản lượng định kỳ, đồng thời chia rõ số lượng xuất khẩu, số lượng dành cho thị trường nội địa, tránh hiện tượng được mùa mất giá, hoặc một số doanh nghiệp thu mua thủy sản từ những hộ nhỏ lẻ nhằm đón đầu khi giá tăng.

Một lưu ý nữa, lãnh đạo ngành chế biến nông sản nhắc ĐBSCL là về dư lượng các hóa chất. Theo ông Hòa, từ ngày 1/7/2021, Glyphosate – một chất diệt cỏ - bị cấm sử dụng, trong khi các tỉnh trong khu vực thường để chất này tồn dư trên các sản phẩm tôm.

“Việc cấp mã số vùng nuôi, không thể chỉ làm đối phó, hoặc chờ tới khi nước xuất khẩu yêu cầu. Chúng ta cần chú trọng để phục vụ trước mắt cho người tiêu dùng trong nước. Cà Mau cần quan tâm đến những diện tích thâm canh truyền thống để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm”, ông Hòa nhấn mạnh.

10h05

Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú: Tôm Cà Mau sang đến Đài Loan vẫn tươi sống

tom_ca_mau

Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTXVN.

"Chúng tôi hiện có các hệ thống sản xuất tôm rừng, thu mua, giám sát chất lượng từ ao nuôi tôm đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi cũng có chuỗi cung ứng thực phẩm cho cả nước. Ngoài vấn đề cung cấp tôm đông lạnh, còn có thể cung cấp tôm ướp đá và tôm đất sống", ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho biết.

"Minh Phú từng cung cấp tôm đất sống từ Việt Nam sang tới Đài Loan. Công nghệ của chúng tôi đảm bảo tôm sống được 24 tiếng, không phải dạng sục oxy như thông thường", Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú chia sẻ thông tin.

"Chúng tôi hướng dẫn, kiểm soát người nuôi không dùng hóa chất. Trước khi mua, chúng tôi cũng kiểm định kỹ càng. Thị trường như Mỹ, Châu Âu rất khó tính, họ không chấp nhận một chút kháng sinh nào", ông Lê Văn Quang phát biểu tại diễn đàn và bổ sung "Bắt tôm từ ao lên, cho vào đá lạnh ngay. Chất lượng đảm bảo không thua gì tôm sống, thậm chí dinh dưỡng còn tốt hơn tôm sống".

"Qua diễn đàn hôm nay, chúng tôi mong muốn cung cấp ngoài tôm còn có cá và sản phẩm khác của Cà Mau tới tay người tiêu dùng. Tôi rất kỳ vọng vào diễn đàn hôm nay bởi chuỗi cung ứng của chúng tôi trải khắp ĐBSCL", ông Quang bày tỏ.

9h55

Giảm chi phí trung gian, đảm bảo chất lượng sản phẩm chế biến

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ cho biết, với tinh thần làm cầu nối sản xuất và tiêu dùng, thời gian qua các nhà bán lẻ đã rất nỗ lực để hoạt động mặc dù gặp nhiều khó khăn do quy định chống dịch của các địa phương. Với Cà Mau, bà Hậu cho rằng các sản phẩm đặc sản của tỉnh được người tiêu dùng của cả nước biết đến nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP.HCM hay Hà Nội.

“Do đó, chúng ta cần phải làm thể nào để đường đi của sản phẩm đến điểm bán thuận tiện hơn, giảm chi phí trung gian. Để làm được điều đó, chúng tôi cần địa phương thành lập những chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ một cách tốt nhất. Khi đó, nhà bán lẻ sẽ mua được từ gốc với các sản phẩm chất lượng, chi phí trung gian thấp”, bà Vũ Thị Hậu phân tích và nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc duy trì các đội thu mua tin cẩn, đảm bảo được từ đầu vào cho đến đầu ra, không gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.

Theo đại diện Hiệp hội bán lẻ, sản phẩm đặc sản của Cà Mau chủ yếu được tiêu thụ trong kênh nhà hàng nên sau khi tình hình dịch được kiểm soát thì sẽ lưu thông tốt trở lại. Trong giai đoạn hiện nay, bà Hậu cho rằng Tổ công tác 970 và tỉnh đã kêu gọi được các nhà chế biến để tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ.

“Điều quan trọng là đảm bảo được chất lượng của sản phẩm chế biến so với sản phẩm tươi sống”, bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm của nhà bán lẻ, bà Hậu cũng gợi ý tỉnh Cà Mau cần đầu tư thêm vào tem nhãn của sản phẩm để thu hút được người mua, bên cạnh đó, nếu có giá bán lẻ tốt thì sản phẩm sẽ nhanh chóng tiếp cận và tạo thói quen cho người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, sau khi dịch được kiểm soát, bà Vũ Thị Hậu nói các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ sẽ kết hợp với nhau để tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm và tạo đầu ra bền vững cho các nhà sản xuất thông qua các hợp đồng.

9h40

Sàn thương mại điện tử Tiki: Nhu cầu thực phẩm tươi sống đang rất lớn

“Kế hoạch là tháng 9, tháng 10 mới triển khai hàng tươi sống, nông - thủy - hải sản. Tuy nhiên, vào tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi đã hưởng ứng lời kêu gọi của UBND TP.HCM, triển khai sớm mặt hàng này. Mong muốn của chúng tôi là đưa hàng tươi ngon đến với người dân TP.HCM”, ông Dương Hoàng Long, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki phát biểu tại diễn đàn.

"Nhu cầu về thực phẩm tươi sống đang rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng kho đông lạnh bên cạnh kho mát. Do đó, đặc sản Cà Mau lên tới TP.HCM sẽ được hỗ trợ tốt. Chúng tôi rất mong phổ cập được kiến thức về bán hàng trên nền tảng chợ ảo sẽ diễn ra mau chóng. Người bán chủ động hơn trong khâu cung ứng", ông Long bổ sung.

"Hiện tại, Tiki hoạt động với 2 hình thức hỗ trợ nông dân. Một là mua đứt, giống như bên chợ Bình Điền. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng mở gian hàng trên Tiki. Chúng tôi đã tinh giản một số chứng từ để thuận lợi cho doanh nghiệp", đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin.

9h30

Đưa tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ

ong tran dinh luan

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cà Mau là vùng đất có nhiều đặc sản, trong đó có tôm - lúa (lúa thơm, tôm sạch). Hiện Cà Mau và Kiên Giang là hai tỉnh nuôi trồng lớn, chiếm sản lượng 80-90% của ĐBSCL.

“Tổng cục hy vọng, Cà Mau sẽ phát triển tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ. Mong tỉnh đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa tôm - lúa đến siêu thị ngày một nhiều”, ông Luân chia sẻ.

Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, Cà Mau cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc theo hình thức điện tử. Đây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài tôm - lúa, ông Luân còn chú trọng đến đặc sản tôm rừng tại Cà Mau.

Theo người đứng đầu ngành thủy sản, đây là sản phẩm chưa được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Do đó, Cà Mau cần kết hợp cả xuất khẩu, lẫn giới thiệu để nhiều người tiêu dùng hình thành nhu cầu.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân cũng kể trải nghiệm thực tế về cua Cà Mau ở Hà Nội. Ông cho biết, cách đóng gói nhiều sản phẩm thủy sản Cà Mau hiện bắt mắt, gây thiện cảm cho người mua.

“Thủy sản Cà Mau đã tốt rồi, nhưng tôi hy vọng, tỉnh sẽ làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Trước mắt, là nâng cao giá trị gia tăng, bằng cách kể những câu chuyện về sản phẩm, như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú trọng tới kết nối cung cầu thị trường và đồng hành cùng bà con nông dân”, ông Luân nói tiếp.

Vấn đề cuối cùng, ông Trần Đình Luân đề nghị Cà Mau chú trọng là nuôi biển. Bên cạnh năng suất, sản lượng, các vùng nguyên liệu cần gắn với hệ thống tiêu thụ ở Hà Nội, TP. HCM, đồng thời tính phương án xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng nuôi, để người mua tin tưởng sản phẩm.

Để đảm bảo quá trình lưu thông, phân phối thông suốt, ông Luân đề nghị các HTX liên kết chặt chẽ với siêu thị. Ông cũng gợi mở ý tưởng cho các đơn vị đẩy mạnh truyền thông, có thể bằng cách phát tờ rơi, giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.

9h20

Tôm, cua, cá rừng sinh thái cần tìm khách hàng

Trong khuôn khổ diễn đàn, HTX Tài Thịnh Phát Farm mong muốn tìm được người mua. Theo đó, HTX Tài Thịnh Phát Farm có vùng nguyên liệu thủy sản tôm cua cá rừng sinh thái. HTX hiện có 11 sản phẩm như: Tôm sú, Tôm đất, Tôm bạc, Chả cá, Chả tôm, Tôm khô, Chà bông, Cá khô, Thịt cua, Thịt ghẹ, Tôm nõn.

Sản phẩm sản xuất theo qui trình khép kín, quy cách chuẩn, bao bì đúng quy định.

Thông tin liên hệ: HTX Tài Thịnh Phát Farm, Địa chỉ: Ấp Lung Đước, Xã Tam Giang, Huyện Năm Căn, Tỉnh Cà Mau. SĐT: 0985997219, 0916907749.

9h15

"Tránh dư thừa ở vùng nuôi nhưng lại thiếu hụt ở siêu thị"

mega hai san

Khu vực cung cấp hải sản trong một siêu thị của Mega Market.

Giám đốc đối ngoại của Mega Market Trần Kim Nga cho biết, hiện nay hệ thống siêu thị có 29 nhà cung cấp hải sản nhưng phải tạm ngưng hoạt động do tình hình dịch Covid-19.

Với Cà Mau, bà Trần Kim Nga cho biết Mega Market đã có nhiều hợp đồng với doanh nghiệp của tỉnh và hợp tác rất ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, do Covid-19, hàng hóa và các sản phẩm của Cà Mau đang gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp cho Mega Market, cụ thể sản lượng sản phẩm đông lạnh chỉ đạt 15-20%, gây khó khăn cho cả bán lẻ và xuất khẩu.

Với các mặt hàng tươi sống, đại diện Mega Market cho biết nhiều quy định phòng chống dịch của các địa phương ở ĐBSCL đang gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, ví dụ như chỉ tới được Cần Thơ chứ không lên được TP.HCM.

“Lượng khách hàng của Mega Market rất lớn, cung ứng cho toàn thị trường từ Bắcvaf Nam nên khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị nhu cầu mua sắm của khách hàng”, bà Trần Kim Nga nhấn mạnh.

Theo đó, đại diện Mega Market mong muốn Cà Mau chia sẻ thêm với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, từ đó có thêm các giải pháp để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản.

“Chúng ta phải tránh được tình trạng dư thừa ở vùng nuôi nhưng lại thiếu hụt ở siêu thị”, Giám đốc đối ngoại Mega Market nói và cho biết các sản phẩm tươi sống như tôm sú, tôm thẻ hay cua Cà Mau hoàn toàn không thể đến được với khách hàng của Mega Market.

9h05

Tập đoàn Lộc Trời cam kết thu mua nông, thủy sản bằng hình thức bao lợi nhuận

Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH DVNN Lộc Trời - Ngành DVNN - Tập đoàn Lộc Trời cho biết, công ty đã kết hợp nhiều đơn vị như Công ty Minh Phú để đẩy mạnh trồng lúa trên đất nuôi tôm và cả đất lúa 2 vụ. Hiện Lộc Trời có 2 sản phẩm OCOP, và đều được đưa vào thử nghiệm gieo trồng.

Về liên kết, Lộc Trời hiện cung cấp toàn bộ vật tư nông nghiệp, dịch vụ cho bà con nông dân. Về quy trình canh tác, Lộc Trời đã chuẩn hóa các quy trình cho người dân.

Đáng chú ý, là Lộc Trời cam kết thu mua nông, thủy sản cho nông dân Cà Mau ngay từ đầu vụ, bằng hình thức bao lợi nhuận. Ví dụ, vụ hè thu, công ty bao năng suất 5 tấn/ha trên đất lúa 2 vụ, đồng thời cử chuyên gia xuống tận đồng ruộng, hướng dẫn cụ thể người dân.

“Trong vụ lúa hè thu, giá biến động nhưng bà con nông dân liên kết với Lộc Trời được bao lợi nhuận tối thiểu trên một diện tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục mô hình này ở vụ đông xuân sắp tới”, ông Hiền nói.

Khó khăn hiện tại của Lộc Trời, là chưa có nhà máy sấy lúa tại Cà Mau. Công ty hầu như phải di chuyển lúa bằng ghe, xuồng về Bạc Liêu hết khoảng 17 tiếng. Trong thời gian các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16, thời gian tăng lên thành 24-32 tiếng, khiến chất lượng suy giảm.

Qua diễn đàn “kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”, ông Hiền kiến nghị Cà Mau sớm có chủ trương cho công ty xây dựng nhà máy sấy lúa trên địa bàn.

8h50

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cà Mau cần có chuỗi cung ứng nông sản

Nếu nói về thế mạnh của Cà Mau thì ngoài tôm thẻ chân trắng, cua thì còn con tôm đất, cá kèo. Vị đắng của con cá kèo rất đậm đà. Cà Mau cũng đang triển khai mô hình tôm hữu cơ, đây cũng là thế mạnh cần phát huy.

"Tôi cho rằng Cà Mau cần xây dựng các điểm cung ứng cho các nhà mua như Sài Gòn Co-op Mart hay Big C. Từ bao bì đóng gói đến các yếu tố liên quan đều phải đáp ứng yêu cầu của siêu thị. Chúng ta cần có chuỗi nhà cung ứng, hợp tác xã liên quan để đưa hàng vào siêu thị. Điều này, căn cứ vào yêu cầu của người mua. Cần có chiến lược lâu dài vì bán trong nước khác với đông lạnh rồi xuất khẩu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương rất đồng tình với gợi ý của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhất là khâu xây dựng chuỗi cung ứng để hợp tác với nhà phân phối.

“Giới thiệu sản phẩm thì nhiều, nhưng khi người ta mua thì lại không có đủ mà cung cấp”, ông Sử nói đồng thời khẳng định tỉnh “không có tham vọng làm hết”, mà lựa chọn sản phẩm để cung cấp.

“Tôm đất sống của Cà Mau nếu có chuỗi cung ứng, phân phối thì không chỉ ở TP.HCM được ăn mà tôi chắc chắn Hà Nội cũng có thể. Hy vọng các nhà mua có đăng ký cụ thể, để chúng tôi có các bước thực hiện”, ông Sử bày tỏ.

8h40

2 kiến nghị về ngắn hạn để thúc đẩy tiêu thụ nông, thủy sản Cà Mau

Ông Đỗ Quốc Huy Phó Chủ tịch HĐQT của Saigon Co-op đưa ra 2 kiến nghị về ngắn hạn.

Đầu tiên, Saigon Co-op muốn nhận được sự hỗ trợ về thông thương. Theo ông Huy, hiện nay, giá các mặt hàng nông sản đang xuống thấp nhưng người dân ở các địa phương giãn cách phải mua giá cao, nhất là những kênh bên ngoài do điều kiện thông thương bị hạn chế.

“Đây là bất lợi cho cả người mua lẫn người bán vì người nuôi khó bán, người dùng lại phải mua giá cao. Do đó, Saigon Co-op muốn vấn đề thông thương được giải quyết để bán nông sản với giá tốt nhất cho người mua”, ông Đỗ Quốc Huy nói.

Kiến nghị thứ 2, theo ông Huy, là các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. “Ví dụ trước đây có địa phương muốn tiêu thụ cá ba sa nhưng Saigon Co-op không thể mua cá tươi mà phải có doanh nghiệp sơ chế biến, phi lê, bảo quản rồi mới chuyển đến siêu thị được”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Về lâu dài, ông Huy cho rằng cần tập trung vào vấn đề bảo chứng sản phẩm nông sản và sau đó là đầu tư thêm vào đóng gói, nhãn mác để mở rộng thị trường. Ông Huy lấy ví dụ, cua Cà Mau là thương hiệu mạnh của tỉnh tuy nhiên hiện nay tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây để ăn một con cua Cà Mau ngon và chính hiệu là khó.

“Do đó, cần đến sự quảng bá, bảo chứng của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, như trước đây Saigon Co-op thực hiện xúc tiến thương mại cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang hay nhãn lồng Hưng Yên. Khi đó, người dân ở TP.HCM, ĐBSCL có thể ăn trái cây miền Bắc chính hiệu”, Phó Chủ tịch HĐQT Saigon Co-op gợi ý và cho biết đơn vị hiện tại không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà vẫn thường xuyên thực hiện xúc tiến thương mại ở thị trường quốc tế như Singapore.

8h30

Central Retail cam kết đồng hành cùng Cà Mau xuất khẩu nông sản

bigc

Nông sản được bày bán trong siêu thị Big C (Ảnh minh họa).

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng nông, thủy sản Cà Mau. Ông kể những trải nghiệm của chính bản thân với mặt hàng tôm, và kết luận rằng hiếm thấy một sản phẩm nào “ngon, giá hợp lý” như của Cà Mau.

“Chúng tôi cảm ơn Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan đã tạo cơ hội cho Central Retail tiếp cận, kết nối được với thủy sản Cà Mau”, ông Paul Lê nói.

Dựa trên chất lượng sản phẩm hiện có, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail khuyên Cà Mau tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Trong lộ trình ấy, Central Retail cam kết đồng hành cùng tỉnh, để đưa không chỉ tôm, mà các sản phẩm OCOP truyền thống ra nước ngoài.

“Central Retail có kinh nghiệm về thị trường quốc tế. Ngoài chất lượng, họ còn chú trọng thương hiệu, tem mác, cách đóng gói bao bì. Chúng ta phải phát triển đồng bộ”, ông Paul Lê nhấn mạnh.

Bên cạnh xuất khẩu, ông Paul Lê đề nghị Cà Mau quan tâm đến thị trường trong nước. Là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị lớn, từ Bắc vào Nam, Central Retail muốn hàng trăm nghìn khách hàng của tập đoàn đều có cơ hội thưởng thức đặc sản Cà Mau.

8h15

Cà Mau mong muốn kết nối với nhà mua, nhà cung cấp

“Tổ công tác của tỉnh đã phối hợp với Tổ công tác 970 của bộ, tiêu thụ được hơn 20.000 tấn nông sản các loại, hiện còn hơn 1.000 tấn đợi kết nối tiêu thụ. Một số hàng hóa của tỉnh gặp khó khăn trong lưu thông tiêu thụ tới TP.HCM và các tỉnh thành khác, trong bối cảnh chợ đầu mối chưa mở cửa lại hoàn toàn. Hy vọng nhà mua, nhà phân phối gặp gỡ được nhà cung cấp tại Cà Mau”, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết.

Dẫn ra nhiều số liệu về nông nghiệp tỉnh Cà Mau, ông Bằng cho rằng tỉnh quan tâm đến môi trường nuôi tôm, quyết tâm để có vùng nuôi, công nghệ tốt nhất trong thời gian tới. Tỉnh mong các doanh nghiệp hỗ trợ để phát triển ngành tôm đúng với định hướng.

Cà Mau là tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm, có 300.000 ha nuôi tôm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm là hàng tỷ USD. Quy hoạch vùng nuôi tôm, các hệ thống, quy trình nuôi được định hướng phát triển trong thời gian tới. Mục tiêu 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD. Cà Mau có 38 nhà máy chế biến tôm, công suất hàng năm 2.000.000 tấn, kim gạch xuất khẩu chiếm 1/3 cả nước. Cà Mau cũng chú trọng kêu gọi đầu tư.

Ngoài giá trị xuất khẩu tôm, thế mạnh của tỉnh là tôm sinh thái giá trị cao. Cà Mau phấn đấu để sản phẩm có thương hiệu, có chứng nhận quốc tế, gắn với công nghệ số. Tỉnh xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc, đã tiến hành khoảng 6 tháng.

8h05

Tổ công tác 970 mở ra cho nông dân, các chuỗi sản xuất cơ hội mới

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND Cà Mau, các hoạt động của Tổ công tác 970 và cá nhân Thứ trưởng Trần Thanh Nam không chỉ giúp tỉnh tháo gỡ vướng mắc, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh phức tạp mà còn mở ra cho bà con nông dân, các chuỗi sản xuất cơ hội mới trong sản xuất.

Cà Mau là tỉnh có nhiều lợi thế trong ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm với sản lượng 200.000 tấn/năm với hệ thống chế biến rộng, xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính và kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 1 tỷ USD.

tom ca mau 1

Thu hoạch tôm ở Cà Mau.

Bên cạnh mặt hàng tôm là thế mạnh, tỉnh cũng có nhiều thủy đặc sản được công nhận và ưa chuộng trong nước và các nước trong khu vực như cua Cà Mau.

“Riêng sản phẩm cua, chúng tôi nuôi xen canh với hệ thống rừng ngập mặn, đạt sản lượng 20.000 tấn/năm”, ông Lê Văn Sử cho biết. Ngoài ra, lúa Cà Mau không có diện tích và sản lượng lớn nhưng tập trung vào chất lượng.

Cụ thể, tỉnh có tổng 95.000 ha trồng lúa nhưng chỉ 30.000 ha chuyên canh, còn lại là xen canh lúa - tôm. Từ đặc điểm đó, chất lượng lúa của Cà Mau được đánh giá cao, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo rất ưa chuộng.

Trong vụ hè thu vừa qua, mặc dù khó khăn do dịch bệnh nhưng lúa Cà Mau vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên, vụ hè thu đạt gần như 100% kế hoạch mặc dù trong điều kiện dịch bệnh, chưa kể giá rất tốt so với những năm trước đây.

Bên cạnh các mặt hàng trên, Cà Mau cũng có nhiều đặc sản nên các sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng chú ý. Hiện nay tỉnh có khoảng 33 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm 4 sao nhưng sản phẩm tiềm năng của tỉnh còn rất nhiều. Thực tế, khi tham gia các gian hàng trưng bày thì các sản phẩm OCOP tiềm năng cũng được người tiêu dùng quan tâm.

Theo ông Sử, nông sản Cà Mau có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên quá trình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản của tỉnh cũng gặp khó khăn nhất định.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau hy vọng chương trình giao thương trực tuyến hôm nay sẽ thu hoạch được kết nối tích cực trong thời kỳ dịch bệnh, cũng là cơ hội mở ra cách làm mới trong xúc tiến thương mại cho nông, thủy sản Cà Mau, không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh và còn phát triển trong thời gian tới.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Thủy lợi

Tối 15/11, nhà trường tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật và tổ chức chương trình ca nhạc chào mừng 65 năm thành lập và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.