| Hotline: 0983.970.780

Phiên thứ 18 Diễn đàn kết nối nông sản 970

'Thay đổi tư duy, nhìn nhận tiềm năng thị trường nội địa'

Thứ Sáu 31/12/2021 , 08:10 (GMT+7)

'Tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn... Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích', Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo diễn đàn tại đầu cầu Kiên Giang.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo diễn đàn tại đầu cầu Kiên Giang.

Sáng 31/12, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 18.

Chủ đề của diễn đàn phiên thứ 18 là "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo tại điểm cầu Kiên Giang. 

Ngoài điểm cầu tại Hà Nội và TP. HCM, diễn đàn còn có sự tham gia của các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu và đang tồn đọng nông sản như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… Bên cạnh Sở NN-PTNT, Sở Công thương và Cục Hải quan của các tỉnh này cũng tham dự.

Diễn đàn còn một số điểm cầu khác, là các địa phương có nhu cầu thu mua hoặc bán nông sản thời gian tới như: Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang... 

Bên cạnh đó, diễn đàn còn có sự tham dự của nhiều đại biểu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom Meeting.

Dự kiến, Diễn đàn diễn ra Phiên toàn thể trong buổi sáng, từ 8h30, thông qua hình thức trực tuyến. Buổi chiều từ 14h00 - 17h00 sẽ diễn ra Phiên giao thương trực tuyến giữa các nhà sản xuất với các nhà tiêu thụ rau quả, nông sản.

 

Dự kiến, tình hình thương mại với Trung Quốc và những vấn đề liên quan đến Covid 19; một số định hướng phát triển thương mại trong tình hình mới sẽ được trình bày sáng 31/12. Tiếp theo là tình hình sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu nông sản tại một số địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Long An, Bình Thuận, Gia Lai, Quảng Ngãi.

Một số giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng, liên kết nông sản sẽ được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham luận.

Một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn hôm nay là bàn về tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. 

Một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn hôm nay là bàn về tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. 

Bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng khi tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao, diễn đàn sẽ tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Tất cảTổng thuật

11h00

Thay đổi tư duy, nhìn nhận tiềm năng thị trường nội địa

thu truong ket luan

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn".

“Trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, trong đó có những trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu, nhiệm vụ của diễn đàn hôm nay là làm rõ thêm vai trò của thị trường nội địa”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT bày tỏ vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới. “Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, có nhiều tin nhắn nói rằng thị trường Trung Quốc có giá tốt hơn. Tuy nhiên, qua ý kiến của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu về khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp cần tích cực thay đổi tư duy. “Đứng trước thực trạng như thế, chúng ta phải thay đổi, thích nghi. Tôi và Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã họp, thông tin rộng rãi trên báo chí về việc ngừng xuất khẩu thanh long, nhưng xe vẫn cứ ùn ùn lên cửa khẩu”.

Tổng kết ý kiến của nhiều địa phương, Thứ trưởng Nam cho biết hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, trong khi các cửa khẩu Trung Quốc gần như đóng cửa. “Các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ. Đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ NN-PTNT sẽ làm hết mình với vai trò kết nối”.

Thứ trưởng gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, tập đoàn đã đồng hành cùng 17 phiên diễn đàn, đến hôm nay là phiên thứ 18 vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Trong thông báo được nhấn mạnh hai lần, Thứ trưởng Nam thông tin thị trường Mỹ đã thông báo cho Bộ biết là 60 ngày nữa, bưởi Việt Nam sẽ chính thức được vào thị trường này. Sau đó, Mỹ sẽ xem xét hồ sơ về quả dừa của Việt Nam. Các đơn vị có liên quan cần tích cực làm việc với Cục Bảo vệ thực vật để làm hồ sơ.

10h50

Tại Hội nghị, đại diện Nền tảng nông nghiệp thông minh mở, ông Vũ Tuấn Anh đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng nghìn xe container nông sản đang ách tắc trên cửa khẩu.

Theo đó, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng các bộ ban ngành, các địa phương và doanh nghiệp nên vận chuyển những nông sản đang khó tiêu thụ để tổ chức sàn giao dịch trực tiếp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.

10h45

Tiếp nhận gia công nông sản bị ùn ứ ở Lạng Sơn

Thông qua diễn đàn, chúng tôi nhận được thông tin từ nhà máy chế biến nông sản Cánh Đồng Vàng cho biết vẫn tiếp nhận sấy gia công cho các đơn vị có xe ùn ứ tại Lạng Sơn. Địa chỉ: Thôn Khun Bao, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng tỉnh Lạng Sơn. Cách ga đường sắt Đồng Đăng 1km. Điện thoại: Mr. Toàn - 0865.992.079. Mr.Hoàn: 0565.272.868

10h45

Ông Lê Minh Tuấn (ảnh), Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần tập đoàn Transin cho biết, mạng lưới của công ty phủ cả nước, có giao thương sang cả Trung Quốc, và đa dạng các loại hình vận chuyển. Trong thời gian dịch bệnh, ông Tuấn thừa nhận, việc vận chuyển xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn.

Để tránh ùn tắc nông sản tại cửa khẩu như thời gian qua, ông Tuấn đưa ra một giải pháp vận tải bằng đường sắt. Cụ thể, Transin phối hợp Cục Đường sắt Việt Nam sẽ chuyển hàng từ điểm tập kết ở ga Yên Viên đến ga Đồng Đăng, rồi qua Bằng Tường, Nam Ninh.

Tính cả thời gian dừng, chờ tại điểm trung chuyển, tổng thời gian khoảng 24 giờ. Năng lực vận tải hiện là 4 chuyến/ngày, mỗi chuyến khoảng 20 container. “Đây là một năng lực rất đáng kể”, ông Tuấn chia sẻ. Dù vậy, hình thức vận chuyển này mới dừng ở mức container nóng, nên chỉ có thể sử dụng cho nông sản đồ khô và xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

10h40

Central Retail hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong siêu thị

thanh long dua hau

Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tết (Ảnh minh họa).

Ông Paul Lê, đại diện Central Retail cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn, và Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.

Bên cạnh đó, ông Paul Lê khẳng định có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ… vốn rất yêu thích nông sản nhiệt đới.

10h30

Chợ nông sản Thủ Đức: Dự kiến mỗi ngày hơn 7.000 tấn nông sản về chợ

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức, cho biết đơn vị này thiên về tiêu thụ trái cây, rau củ quả. Khi chưa có dịch, hàng ngày chợ nhập 3.500 tấn. Ngày rằm, âm lịch có thể đến 4.000-4.500 tấn, ngày lễ âm lịch có thể lên hơn 7.000 tấn.

Nhận xét về nông sản thời gian qua, ông Phương cho rằng nguồn hàng khi nhập về chợ chưa qua sơ chế, chủ yếu nhập theo kiểu truyền thống, còn thô sơ. Trong khi đó, tiểu thương, thương nhân vẫn buôn bán kiểu truyền thống. Bao bì, nhãn mác chưa được quan tâm. Áp lực cho chợ đầu mối là rất lớn khi chỉ còn hơn 20 ngày nữa là tết, dự kiến lượng hàng về chợ là hơn 7.000 tấn mỗi ngày.

10h20

Doveco sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ xoài, dứa, chanh leo, chuối…

Nhập chú thích ảnh

Chế biến dứa xuất khẩu tại Doveco.

Thông tin tại Diễn đàn, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), cho biết, hiện nay Công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới.

Cụ thể, mỗi ngày Công ty tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài. Thời gian qua, Công ty cũng đã kếp hợp với Đồng Tháp, Tiền Giang để có nguồn cung phục vụ chế biến nông sản.

“Hiện nay chúng tôi vẫn chế biến xoài với số lượng lớn. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, Công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, ông Đinh Cao Khuê cho biết.

10h10

Từ giờ đến tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long

Nhập chú thích ảnh

Dây chuyền chế biến, sản xuất chanh leo của Nafoods.

Bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng tập đoàn Nafoods Group cho biết, công ty có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước, với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm.

Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều… Thời gian từ giờ đến tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn.

Bà Hồng cũng nêu khó khăn, là những sản phẩm nông sản ở cửa khẩu có khả năng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, những nông sản này khó xuất theo dạng quả tươi sang Mỹ, châu Âu. “Nếu sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khả năng mở rộng thị trường cũng như tiêu thụ nội địa sẽ cao hơn”, bà Hồng chia sẻ.

Một số đề xuất của Nafoods là: (1) Có chính sách hỗ trợ làm sạch tồn dư thuốc bảo vệt thực vật trên nông sản; (2) Xây dựng hệ thống kho bảo quản sau thu hoạch; (3) Xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Qua diễn đàn sáng 31/12, bà Hồng hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng sẽ chung tay, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Ghi nhận những ý kiến của Nafoods, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT Long An liên hệ với công ty để thành lập các chuỗi liên kết tiêu thụ. Với riêng thanh long, Thứ trưởng Nam cho biết, Bộ NN-PTNT đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và sẽ trình Chính phủ sớm. Ông cam kết xây dựng các mô hình khuyến nông để bà con nông dân tham khảo, trước khi đẩy mạnh những vùng nguyên liệu lớn.

“Vấn đề vùng nguyên liệu là trăn trở của ngành nông nghiệp. Để giải quyết một cách căn cơ, Bộ NN-PTNT chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu dựa trên mô hình HTX, gắn với hoạt động của các tổ khuyến nông cơ sở”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin tới diễn đàn.

10h00

BRG Retail bán hàng phi lợi nhuận các nông sản đang gặp khó trong xuất khẩu

Là doanh nghiệp bán lẻ quy mô, ông Nguyễn Thái Dũng (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.

Bên cạnh việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở 7 tỉnh thành trải dài từ Bắc vào Nam, ông Nguyễn Thái Dũng còn thông tin BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình.

“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Nguyễn Thái Dũng nhận định thêm.

Về kiến nghị, ông Dũng cho rằng Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan cần có chính sách tuyên truyền để bà con nông dân, doanh nghiệp quan tâm hơn đến thị trường nội địa, chứ không chỉ tìm đến khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay.

“Có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, chúng ta cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững”, Tổng giám đốc BRG Retail nhấn mạnh thêm.

9h50

Xuất khẩu thanh long Long An: Nước sôi lửa bỏng!

thanh long long an

Sản phẩm thanh long Long An hiện đang gặp khó trong tiêu thụ.

“Tình hình hiện tại đối với sản phẩm thanh long của Long An đang là thời điểm nước sôi lửa bỏng”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, mở đầu phần phát biểu tại Diễn đàn.

Theo bà Khanh, người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.

Từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã biểu tình, yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đó là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát,, Long An hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn.

Theo đó, bà Đinh Thị Phương Khanh đã đưa ra những kiến nghị để gỡ khó cho thanh long Long An trong thời gian tới.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ và các bộ ban ngành trung ương tiếp tục đàm phán với bên Trung Quốc để nối lại giao thương, thông quan.

“Thứ hai, hiện nay còn tồn khoảng 200 xe thanh long của Long An trên cửa khẩu phía bắc. Đề nghị các địa phương tạo điều kiện để các xe quay đầu có thể bán xả hàng giảm lỗ xuống mức thấp nhất”, bà Khanh đề xuất.

"Thứ ba, đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo quản lạnh và hỗ trợ cho người dân. Thứ tư, cần có sự kết nối với những tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa", đại diện Sở NN-PTNT Long An đưa ra ý kiến. “Thứ năm, một giải pháp lâu dài vẫn là phải có đầy đủ thông tin cụ thể, kịp thời bên Trung Quốc yêu cầu, phương thức chống dịch của nước bạn ra làm sao, yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng được tiêu chí gì”.

Về vấn đề gỡ khó cho sản phẩm thanh long của Long An, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm, cần nắm được thông tin từ phía nước bạn. “Hiện thanh long rất khó xuất khẩu, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để sớm tháo gỡ. Một phương án có thể tính đến là kết nối với các đơn vị chế biến”, Thứ trưởng cho biết.

9h40

Bình Thuận: Trữ lượng kho lạnh chưa bằng số lẻ sản lượng thanh long

thanhlong_01

Sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận đến đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn (Ảnh minh họa).

“Sau khi rà soát, sản lượng thanh long của tỉnh đến đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn, tương đương 30% diện tích hiện có của tỉnh, tức 10.000ha. Dự kiến thanh long sẽ cho thu hoạch vào 3 đợt trong tháng 1 năm tới, bắt đầu từ ngày 5/1”, ông Phan Văn Tuấn – Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, còn đơn giản. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Thuận nhận xét nếu hiện tại đưa thanh long vào chế biến thì các doanh nghiệp “không làm được”, trong khi trữ lượng kho lạnh “chưa bằng số lẻ” của sản lượng.

“Giá hiện tại chỉ 7.000-8.000đ/kg với thanh long loại 1. Hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tỉnh còn tồn 400-500 xe thanh long, cả tháng nay. Sở đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh. Tình hình là khá cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm Tết”, ông Tuấn nói.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ ngược lại doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng...

9h25

cua khau mong cai

Xe container chở nông sản bị ùn ứ tại Cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Quang Minh/Báo Giao thông.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên.

Cụ thể, hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu trụ trở lại nội địa. Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe có thể đưa vào kho bảo quản, do đây là hàng khô. Thủy hải sản tồn 139 xe. Cửa khẩu Móng Cái đã thông báo đến doanh nghiệp, và có phương án giảm chi phí bảo quản cho chủ hàng.

Theo ông Dương, khoảng 1 triệu tấn lâm, thủy sản xuất qua cửa khẩu Móng Cái trong năm 2021, tăng 200% so với năm 2020. Giải pháp của Cửa khẩu Móng Cái, là đề nghị các đơn vị kinh doanh kho bãi tạo điều kiện, chia sẻ với khó khăn của những xe chở nông sản lên cửa khẩu, giúp giảm chi phí.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ghi nhận những đóng góp của Cửa khẩu Móng Cái trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua. Lãnh đạo ngành nông nghiệp hứa sẽ tích cực liên hệ với phía Trung Quốc để giải quyết lâu dài tình trạng ùn tắc nông sản.

9h15

Lạng Sơn có thể làm vệc 12h/ngày để thông quan nông sản

Nhập chú thích ảnh

Lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu cho biết, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi.

Theo bà Thu, tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h 29/12 - 24h 26/1/2022.

Thời gian qua, Lạng Sơn đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, lái xe đường dài đang bị ùn tắc tại cửa khẩu như giảm phí dịch vụ, điều trị miễn phí nếu tài xế mắc Covid-19. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên củng cố, tăng cường quan hệ, thông tin với các địa phương phía Trung Quốc để hỗ trợ thông quan nông sản.

Theo bà Đinh Thị Thu, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghĩ Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần đang đến gần. “Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn cho biết thêm.

Trước tình hình đó, bà Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết nguyên đán. Ngoài ra, bà Đinh Thị Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4h, 8h lên 12h mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.

Bên cạnh đó, đại diện ngành nông nghiệp Lạng Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có phương án đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ nội địa trong tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn hiện nay.

Đồng quan điểm với đại diện của tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý thông tin cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Với các đơn vị chế biến trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị kết nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

9h05

Không còn tồn đọng xe hàng nông sản ở Lào Cai

laocai-5775

Xuất khẩu khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc qua Cửa khẩu đường bộ quốc tế số 2 Kim Thành (Lào Cai) đã khôi phục trở lại sau 2 ngày phía Trung Quốc thông báo tạm dừng để phòng dịch Covid-19. Ảnh: Báo Lào Cai.

“Tỉnh không còn tồn đọng xe hàng nào tại cửa khẩu của tỉnh. Tuy nhiên ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe, các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng. Ngày 27-28/12 phía bạn tạm dừng cửa khẩu để khử khuẩn, chống dịch, sau đó các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường”, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai, cho biết.

Theo Sở Công thương Lào Cai, trước dịch Covid-19, trung bình 600-800 xe thông quan mỗi ngày qua các cửa khẩu của tỉnh, trong đó 80% là xe từ Trung Quốc sang. Hiện tại, chỉ có cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp phía Trung Quốc tận dụng chính sách cư dân biên giới để được hưởng chính sách 8.000 tệ, tiết giảm chi phí. Sở Công thương Lào Cai cho rằng nếu duy trì chính sách này thì sẽ nan giải.

“Tỷ lệ phía Trung Quốc là chủ hàng chiếm 60%, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện khai báo, do đó không bị ách tắc. Lào Cai chủ động giảm phí hạ tầng, bố trí điều kiện cho lái xe trong lúc chờ giao nhận hàng. Thời gian qua chỉ ách tắc cục bộ ngắn ngày”, ông HIền thông tin.

Theo thống kê của Sở Công thương Lào Cai, mặt hàng thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất, giá trị lớn nhất trong xuất khẩu qua tỉnh này. Số liệu cụ thể năm 2019 đạt 800 triệu USD, năm 2020 là 600, năm nay do dừng từ ngày 18/7 thì đạt 450 triệu USD.

Từ ngày 5/8, sau khi có xét nghiệm, Cục thương vụ Hà Khẩu có công hàm dừng nhập khẩu thanh long từ Lào Cai. Về ý kiến vận chuyển qua đường sắt, ông Hiền cho rằng hạn chế lớn nhất là bảo quản và trung chuyển.

Đối với nông sản, vấn đề này rất khó. Mặt khác, hệ thống đường sắt giữa Lào Cai và Trung Quốc chưa đồng bộ về khổ đường ray. Ông Hiền lưu ý các doanh nghiệp về việc đường sắt cao tốc Vân Nam – Lào sắp khánh thành, do đó hàng nông sản từ Lào, Thái Lan, Campuchia qua đây sẽ rất lớn. “Nông sản các nước ASEAN đang tràn ngập ở Côn Minh”.

Lãnh đạo Sở Công thương Lào Cai đề nghị Bộ NN-PTNT sớm đàm phán ký kết hiệp định về kiểm dịch nông, thủy, hải sản, mở rộng danh mục trái cây xuất sang Trung Quốc do phía bạn còn nhiều nhu cầu về nông sản Việt Nam.

“Chúng tôi cũng kiến nghị sớm ban hành cơ chế chính sách, hoặc gói hỗ trợ đặc biệt cho ngành chế biến sâu. Vừa qua, Lào Cai đã mời gọi được một nhà đầu tư chế biến dứa, có thời điểm không đủ hàng, phải vào tận Thanh Hóa tìm nguồn hàng”, ông Hiền nói. “Lào Cai đang rà soát, xây dựng cửa khẩu xanh, vùng đệm an toàn. Việc này, phía Trung Quốc đã làm, và sắp tới còn siết chặt hơn”.

Người đứng đầu ngành Công thương Lào Cai đề nghị các cơ quan ngoại giao trao đổi lại với các địa phương để dự báo, nhận định, tham mưu cho công tác điều hành chung. Đề nghị có thêm các chương trình xúc tiến, đối thoại...

Lào Cai cho biết được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh này sẽ xây tuyến đường sắt khổ 1,435 cm để kết nối với Vân Nam. Tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của nhiều ngành để trao đổi với phía Trung Quốc, đề nghị kéo dài thời gian thông quan.

9h00

Trung Quốc hứa ưu tiên kiểm tra sầu riêng, chanh leo

sau rieng tq

Một nhà kho chứa sầu riêng chờ xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã làm việc thường xuyên với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời thống nhất 6 tháng họp một lần. Thứ trưởng cho biết, phía bạn rất tạo điều kiện cho việc thông quan nông sản.

Hiện Trung Quốc đồng ý việc kiểm tra, kiểm dịch trực tuyến, và hứa ưu tiên kiểm tra sầu riêng, chanh leo. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép xuất nhập khẩu chính ngạch thạch đen bằng hình thức trực tuyến. Với riêng tỉnh Quảng Tây, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức các buổi gặp song phương, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông sản sang Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng, Lạng Sơn và Quảng Ninh là hai địa phương ùn tắc nông sản nhiều nhất, trong đó đặc biệt là mặt hàng thanh long. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các cửa khẩu nói chi tiết những mặt hàng thông quan tại từng cửa khẩu cụ thể, nhằm giúp doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chủ động điều tiết hàng hóa. Tình trạng ách tắc tại Lào Cai hiện ít nghiêm trọng. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành để rộng đường xuất khẩu nông sản sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Thứ trưởng cũng đồng ý với chủ trương của Lào Cai, trong việc mở các điểm trung chuyển, tập kết hàng hóa trước khi thông quan. Bộ NN-PTNT đã trình đề án lên Chính phủ và chờ phê duyệt. Chủ trương này hiện được Bộ NN-PTNT cụ thể hóa bằng việc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, trong việc xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản tại TP. Móng Cái. Ông chia sẻ, đây là một cách làm hay, và đề nghị các tỉnh biên giới khác nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

8h50

Trứng, sữa, thịt… đã sẵn sàng cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán

z3069019307696_4e6634c320ee16c8acd0f3b01b446eb1

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết các chỉ tiêu của ngành chăn nuôi đều đạt và vượt.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Diễn đàn kết nối giao thương tiêu thụ nông sản ngày hôm nay có nhiều sản phẩm chăn nuôi quan trọng như thịt, trứng, sữa… nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới.

Năm 2021 là một năm đặc biệt khi ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng vừa phải chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 vừa phải kiểm soát dịch trên động vật như Dịch tả lợn châu Phi hay Cúm gia cầm. “Tuy nhiên cho đến nay, qua các kết quả thống kê sơ bộ, các chỉ tiêu của ngành chăn nuôi đều đạt và vượt. Thịt lợn đạt 4,18 triệu tấn, vượt 20% so với kế hoạch đề ra. Gia cầm đạt gần 2 triệu tấn, tăng tới 32% so với kế hoạch”, ông Tống Xuân Chinh thông tin.

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, các sản phẩm chăn nuôi phục vụ cho dịp Tết đều tăng tuy nhiên cần phải tăng cường xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, đảm bảo lưu thông trong dịp Tết cổ truyền.

“Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động nguồn cung trong nước đối với những sản phẩm cơ bản như thịt, trứng, sữa… Qua đó có thể thấy sức sản xuất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là rất lớn”, ông Chinh nhận định.

z3069085342648_6d337e6b5a3584592c9745a902019fdc

Sản phẩm chăn nuôi sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng cần có những kế hoạch, biện pháp, lời giải cụ thể cho bài toàn cung cầu nếu trong năm 2022 nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, không có khách du lịch, các bếp ăn tập thể không hoạt động…

“Vấn đề là cần làm cho người dân yên tâm sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng và tìm được những doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi nhằm giảm tải cho nguồn cung trong nước”, ông Tống Xuân Chinh chia sẻ.

8h40

Dù thông quan khó khăn, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam

ong le thanh hoa

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, thông tin giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nhiều nông sản vào vụ, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, các chính sách giám sát Covid-19 của Trung Quốc ngày càng tăng cường, duy trì chế độ “Zero Covid”, trong khi Việt Nam lại chủ trương sống chung với dịch.

“Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần”, ông Hòa nói. Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Theo ông Hòa, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm khoảng một nửa thời gian qua.

Nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc nông sản, lãnh đạo Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình lưu thông, xuất nhập khẩu nông sản cả ở cửa khẩu, lẫn các địa phương. Dù nhiều Bộ, ban, ngành vào cuộc quyết liệt, nhiều địa phương chưa kịp điều tiết hàng hóa. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều xe chở nông sản lên biên giới đã quay đầu trở lại các đô thị lớn như Hà Nội.

“Chúng ta cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu”, ông Hòa nhấn mạnh.

Bất chấp những khó khăn về thông quan, điểm sáng của nông sản là giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này, theo ông Hòa, chứng tỏ Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, và chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Ông Hòa nhận định, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý, bên cạnh cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.

8h30

anh thach

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù có những tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến xuất nhập khẩu nông sản vẫn không nhỏ. Với chính sách Zero Covid của Trung Quốc, việc thông quan đang bị ảnh hưởng, khiến hàng ngàn xe container hàng hóa bị ùn tắc tại khu vực biên giới phía Bắc. Hiện nay, các mặt hàng nông sản đang ùn tắc nhiều là thanh long, mít ở Lạng Sơn và thủy sản ở Quảng Ninh.

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổ điều hành diễn đàn tổ chức họp trực tuyến hôm nay. Tham dự diễn đàn có nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm bán hàng vào các thị trường khó tính nhất, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp logicstic, đại biểu các địa phương.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.