| Hotline: 0983.970.780

Phiên thứ 19 Diễn đàn Kết nối nông sản 970

'Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt'

Thứ Năm 06/01/2022 , 08:07 (GMT+7)

Kết luận Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long' sáng 6/1, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị cùng vào cuộc, phối hợp tháo gỡ khó khăn XK.

 

Sáng 6/1, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Cục Trồng trọt, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19.

Chủ đề của diễn đàn phiên thứ 19 là "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long". Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo.

Cùng dự với Thứ trưởng, còn có ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật; và một số lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh hai điểm cầu tại Hà Nội và TP. HCM, diễn đàn còn có sự tham gia của các tỉnh sản xuất thanh long lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Chi cục Trồng trọt & BVTV; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm xúc tiến thương mại; Liên minh HTX; Hội Nông dân; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất…

Nhiều đại biểu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước  cũng tham gia trên nền tảng Zoom Meeting.

Điểm cầu tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điểm cầu tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Dự kiến, Diễn đàn diễn ra Phiên toàn thể trong buổi sáng, từ 8h30, thông qua hình thức trực tuyến. Buổi chiều từ 14h00 - 17h00 sẽ diễn ra Phiên giao thương trực tuyến giữa các nhà sản xuất với các nhà tiêu thụ, chế biến.

Một số nội dung chính được tham luận tại diễn đàn sáng 6/1 gồm: tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng; tình hình sản xuất thanh long trong nước; tình hình quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long; thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển.

Diễn đàn cũng được nghe ý kiến của một số Tham tán thương mại của Việt Nam tại Nhật Bản, Ấn Độ; và đại diện Công ty VIEC - một nhà xuất nhập khẩu nông sản cho thị trường Hà Lan.

Những giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, chế biến thanh long sẽ được trao đổi. Diễn đàn sẽ là dịp đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng trước diễn biến dịch bệnh phức tạp; kết nối người sản xuất, kinh doanh mặt hàng thanh long với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tất cảTổng thuật

12h00

Không đổ thừa trách nhiệm, tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt

thu truong Nam

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu kết luận diễn đàn.

Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhắc lại, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.

Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

“Sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần phải tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề, hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. “Vì vậy, các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức Diễn đàn kết nối với các tham tán thương mại tại châu Âu để cung cấp thông tin 2 chiều tới các doanh nghiệp và người sản xuất.

Cùng với đó, ngay sau đây, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT và các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái tháo gỡ vấn đề thiếu container để xuất khẩu nông sản qua đường biển.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 thay mặt Tổ điều hành diễn đàn tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Theo ông Thạch, thông qua diễn đàn, một vấn đề lớn đặt ra mà các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất… phải lưu ý là chủ động thay đổi tư duy về thị trường. Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, cần mở rộng thêm những thị trường xuất khẩu mới, tập trung mở rộng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, qua thời điểm khó khăn như hiện nay, các đơn vị cần nhận thức rõ hơn về công tác chế biến, bảo quản, điều kiện để đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu… Trên cơ sở đó, ngày 13/1, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 sẽ tổ chức Diễn đàn kết nối thúc đẩy sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp…

11h10

Thúc đẩy tiêu thụ thanh long trên toàn hệ thống siêu thị MM Mega Market

image001-1453114

Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market, khi nhận thông tin hàng hóa dồn ứ trên cửa khẩu rất nhiều ngay giữa tháng 12, MM Market đã chủ động liên lạc với Bộ Công thương với ý định tổ chức chương trình chung tay hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Đầu tháng 1/2022, MM đã tổ chức chương trình "Mùa này thức đấy“, dành riêng một khu vực để trưng bày các sản phẩm, bố trí nông sản tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ.

Về thanh long, bắt đầu từ ngày 7/1 đến Tết Nguyên đán, MM Megar Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm của MM trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận.

Thanh long sẽ được dành riêng một khu vực để trưng bày và được bố trí tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ, bên cạnh đó triển khai chương trình "truck-sell“, bán hàng trên xe tải ngay trong khuôn viên MM để khách hàng dễ dàng tiếp cận.

Bà Trần Kim Nga thấy rằng giữa sản xuất và tiêu thụ còn bị động, cung vượt cầu. Lượng tiêu thụ của thị trường nội địa thực chất rất lớn. Bà mong rằng các đơn vị sản xuất chú trọng khách hàng trong nước, nên quan tâm đến nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng ngày nay rất chú trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm.

11h00

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ - công ty có 15 năm xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Úc..., nêu 2 vấn đề và giải pháp:

Đó là mối nguy sinh học Covid-19 (điều kiện cần) và Mối nguy về thiếu container rỗng cũng như chi phí vận chuyển (điều kiện đủ).

1. Vấn đề kiểm soát mối nguy sinh học, cụ thể ở đây là Covid-19. Giải pháp: Cần sớm kích hoạt gấp thực hiện “Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng". Theo ông Thìn, đây là hành động khẩn thể hiện thiện chí và cách kiểm soát nghiêm túc của nông dân, nhà đóng gói, vận tải và chính quyền.

2. Mời gọi đội tàu charter lạnh/đông lạnh/(C.A). Giống như những kho lạnh di động. Mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết. "Mong các Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng UBND các tỉnh quan tâm đến 'tàu riêng lạnh/đông lạnh/lạnh có kiểm soát không khí' phục vụ phát triển bềnh vững cho nông sản Việt Nam đi thị trường tất cả các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng", ông Mai Xuân Thìn đưa ra ý kiến tại diễn đàn.

10h45

Thanh long dần trở thành 'siêu thực phẩm' tại Hà Lan

z3086992770208_042d874a762de6a4458be89b78553a95

Ông Như Nguyễn (ảnh), Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.

Theo ông Nguyễn, mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Sở dĩ giá thanh long cao như vậy, là bởi chi phí vận chuyển, logistics từ các vùng trồng.

Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.

Một số đề nghị của ông Nguyễn, là cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, đại diện VIEC gợi ý một số cách chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.

Tại Hà Lan, các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. VIEC cam kết có thể hoàn thành những thủ tục như vậy. Ngoài thanh long, công ty hứa xúc tiến đưa nhiều trái cây khác vào thị trường Hà Lan thời gian tới.

“Chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua có càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận”, ông Nguyễn nhấn mạnh.

10h30

Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết: Hiện nay, ngoài xuất khẩu các sản phẩm chế biến, công ty đang đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm tươi như dứa, xoài, chanh leo… Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc xuất khẩu hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn, những sản phẩm chế biến công tác xuất khẩu vẫn diễn ra tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay mà công ty đang gặp phải là việc giá cước vận tải tăng cao, việc tìm những vỏ công đông lạnh đưa hàng hóa đi các thị trường xa đang khan hiếm…

Về năng lực tiêu thụ, theo ông Thành, hiện tại một ngày công ty đang nhập 3-5 container xoài quay đầu từ các cửa khẩu do không xuất được sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, công suất hoạt động của các nhà máy thuộc công ty vẫn còn có thể tiếp tục nhập xoài, chanh leo, dứa... để chế biến. Do đó, những đơn vị có mặt hàng này có thể liên hệ trực tiếp với công ty để được hỗ trợ tiêu thụ.

Đối với thanh long, công ty đang chào hàng thanh long với các đối tác, trong thời gian tới, nếu đàm phán thuận lợi công ty sẽ tăng năng lực thu mua nguyên liệu, khi có thông tin sẽ gửi tới các đơn vị để tiến hành hợp tác.

10h15

Kiến nghị xuất khẩu thanh long bằng đường biển

z3085560827700_1479cceba86ba2803901dbb66775a8a6

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty Hoàng Phát Fruit.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay do Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”.

Theo đó, ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.

Ngoài ra, hiện nay việc xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc có quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa có những quy định này nhưng Việt Nam cần lưu ý, để đến lúc Trung Quốc đưa ra yêu cầu vẫn sẵn sàng đáp ứng được.

“Trung Quốc là đất nước có kinh tế phát triển top đầu và dân số lớn nhất thế giới. Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc với số lượng vô cùng lớn. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu phía bạn đặt ra chứ mình không thể yêu cầu ngược lại phía bạn”, ông Nguyễn Khắc Huy phân tích. Do đó, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho rằng Bộ NN-PTNT và các địa phương cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thêm thông tin về thị trường Trung Quốc.

Đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Khắc Huy, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để có kiến nghị chung về việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa qua đường biển.

10h00

Kiến nghị xúc tiến thị trường thanh long trong nước, cân nhắc thị trường mới

thanh long sieu thi

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, kiến nghị xúc tiến thị trường thanh long trong nước thông qua các hệ thống siêu thị.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết tỉnh đang chuẩn bị thu hoạch thanh long từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, ước lượng 26.000 tấn, giá thành khoảng 15.000 đồng/kg. Chủ yếu thanh long được bán cho thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn.

Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đưa ra một số kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.

Thứ hai, kiến nghị Bộ NN-PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc kí kết Nghị định thư về việc giảm tỉ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường; bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, đề nghị các lãnh đạo xã, ngành phối hợp, tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới. Về lâu dài các tỉnh cần xây dựng kho chuyên dụng bảo quản nông sản, mở trung tâm giao dịch gần cửa khẩu.

Thứ tư, doanh nghiệp muốn biết đường biển liệu có đảm bảo việc các mặt hàng như thanh long được vào Trung Quốc.

Thứ năm, các bộ ngành liên quan kiểm soát chặt giá công vận chuyển và vật tư đầu vào.

Thứ sáu, khuyến cáo người trồng thanh long theo hướng sạch, Nhà nước cần có chính sách để người dân mạnh dạn chuyển đổi.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh kiến nghị xúc tiến mạnh hơn ở các thị trường khác như Ấn Độ đồng thời xúc tiến thị trường trong nước thông qua các hệ thống siêu thị. Hiện nay, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An phân ra 3 loại hàng thanh long: loại xuất khẩu giá 15.000 đồng/kg; loại nội địa giá 10.000 đồng/kg; loại dùng cho chế biến giá 5.000 đồng/kg.

9h45

Ấn Độ có nhu cầu về thanh long hàng năm rất lớn

z3085459565753_2bb1b121c07795fe59632dafc2e30ba7

Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam - tại Ấn Độ. Ảnh: KL.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, trong đó có mặt hàng thanh long.

Theo ông Thướng, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời vừa qua từ mức 5,1 tỷ USD (năm 20216) lên 11,2 tỷ USD (năm 2021), dự kiến năm 2022 vượt 13 tỷ USD…

Tham tán Bùi Trung Thướng cũng thông tin, Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn. Xuất khẩu hoa quả, hạt tươi của Ấn Độ năm tài chính 2020-2021 là 1,350 tỷ USD, nhập khẩu 3,159 tỷ USD.

Đối với thanh long, tại Ấn Độ, nhu cầu về thanh long rất lớn, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…. Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19. Đáng chú ý, tháng 6 vừa qua, Ấn Độ lần đầu tiên xuất khẩu thanh long sang thị trường UAE, đây sẽ là một thách thức lớn đối với trái thanh long của Việt Nam trong thời gian tới...

Trên cơ sở đó, vị Tham tán cũng đưa ra khuyến nghị: Đối với Chính phủ, Bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với Bộ, ngành của nước đối tác; tổ chức các kỳ họp, tiểu ban, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây…

Đối với Hiệp hội, cơ quan xúc tiến thương mại, cần phối hợp với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Quốc tế.

Với cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…

9h35

Bình Thuận cần tiêu thụ hơn 100.000 tấn thanh long trong Quý I/2022

thanh long binh thuan

Nông dân Bình Thuận bán thanh long vừa thu hoạch ngay tại vườn cho thương lái, ngày 21/9/2021. Ảnh: Việt Quốc/VnExpress.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, giai đoạn 3 tháng đầu năm luôn là lúc tỉnh tập trung nhân lực, nguồn lực để sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển, chế biến thanh long. Dự kiến, trong Quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đ/kg.

Ông Tấn kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, và các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận. Trước mắt, Sở NN-PTNT tỉnh định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh.

“Chúng tôi xác định phải tăng cường kết nối với các đơn vị, trong nội tỉnh là Sở Công thương. Ngoài ra là các tỉnh lân cận”, ông Tấn chia sẻ.

Lắng nghe ý kiến của ông Tấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Bình Thuận 3 việc. Một, là chủ động kết nối nông sản với doanh nghiệp ngay tại địa phương. Hai, là có kế hoạch cụ thể việc cấp sớm mã số vùng trồng. Ba, là tiếp tục bám sát địa bàn, để lên quy hoạch sản phẩm một cách bài bản.

9h25

Quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để thúc đẩy xuất khẩu thanh long

Nhập chú thích ảnh

Cần quản lý chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để thúc đẩy xuất khẩu thanh long. Ảnh minh họa: KS.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật.

Yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng (MSVT) bao gồm: diện tích vùng trồng tối thiểu đạt 10 ha trong khu vực gần nhau; thống nhất quy trình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV theo quy định của các nước nhập khẩu; có nhật ký canh tác rõ ràng từng khâu tác động lên cây trồng; và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...)

Cho đến nay 3.636 MSVT đã được cấp, tương ứng 196.472 ha tại 50/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó MSVT cho thị trường Trung Quốc đạt 1.991, chiếm 55,4%. Các địa phương đã thu hồi 49 mã số do vi phạm hoặc không sản xuất và hoạt động kinh doanh.

Riêng về MSVT thanh long, tổng số MSVT đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp. Thị trường Hoa Kỳ có 147 mã số, chiếm 23,3%.

Về việc quản lý MSVT và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, các thị trường khó tính có chuyên gia tại Việt Nam nên mọi vi phạm đều được xử lý triệt để, kịp thời. Tuy nhiên, việc xuất hàng phục vụ thị trường Trung Quốc có rất nhiều vi phạm, chủ yếu về dịch hại và kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hồ sơ kèm theo lô hàng, nên Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo.

Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý MSVT và nhà đóng gói, xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).

Trong năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP.HCM đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%. Ông Lê Văn Thiệt đề nghị các đơn vị kiểm dịch thực vật tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa các thủ tục cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường biển.

9h10

Nhật Bản: Thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam

z3085341825994_713ea2c31e3cfa7b131bb81e83f16f07

Năm 2017, thanh long ruột đỏ Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính chất bổ trợ, không cạnh tranh nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao những sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam.

Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến. Từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo đó, ông Tạ Đức Minh đưa ra khuyến cáo Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời, ông Minh cũng lưu ý việc Nhật Bản có hệ thống phân phối tại thị trường nội địa phức tạp, trong khi những sản phẩm nông sản của Việt Nam có thời gian bảo quản ngắn.

“Để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ.

Đồng tình với những thông tin ông Tạ Đức Minh chia sẻ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, nhu cầu về trái cây Việt Nam của thị trường Nhật Bản lớn nhưng cũng có những yêu cầu cao về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thế nên các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần tìm hiểu kĩ lưỡng những thông tin mà thị trường Nhật Bản đưa ra.

Thứ trưởng cũng tán thành việc phối hợp giữa Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản với các đơn vị của Bộ NN-PTNT Việt Nam. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục kết nối quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Việt Nam tại Nhật Bản.

“Thời gian tới, mỗi quý, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản có thể phối hợp với Tổ điều hành Diễn đàn 970 là Báo Nông nghiệp Việt Nam để tổ chức diễn đàn xuất nhập khẩu đối với riêng thị trường Nhật Bản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đưa ra ý kiến.

8h55

Sản lượng thanh long của Việt Nam đạt 1,4 triệu tấn/năm nhưng phân bố không đều

thanh long

Trang trại Gia Thành (xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: VOV.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, 17 loại quả có diện tích lớn nhất (trên 20 nghìn ha/loại) hiện chiếm hơn 90% tổng diện tích và 94% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước.

Trong đó, chuối có diện tích lớn nhất (151,8 nghìn ha), xoài (111,8 nghìn ha), bưởi (105,8 nghìn ha), cam, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, mít (trên 50 - dưới 100 nghìn ha mỗi loại), dứa, chanh, chôm chôm, na/mãng cầu, quýt, ổi, bơ (trên 20 - dưới 50 nghìn ha mỗi loại).

Với riêng thanh long, sản lượng của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều. Cụ thể, Quý I khoảng 300.000 tấn, Quý II khoảng 150.000 tấn, Quý III khoảng 400.000 tấn, và Quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.

Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước.

“Cần một diễn đàn riêng cho thanh long, để tìm đường hướng giải quyết căn cơ cho thanh long Việt Nam”, ông Tùng nói. Ngoài thanh long, ông Tùng thông tin thêm, rằng các loại cây ăn quả khác đều cần thị trường và kết nối tiêu thụ như chuối ở Đồng Nai, Sóc Trăng; xoài tại Đồng Tháp, Trà Vinh; hay mít của Vĩnh Long…

“Ngoài tập trung cho thanh long, còn cần chủ động những mặt hàng cây ăn quả khác cho các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tùng nhấn mạnh. Qua diễn đàn, đại diện Cục Trồng trọt cam kết quản lý chặt chẽ vùng trồng, nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng yêu cầu của các nước xuất khẩu.

8h45

Thanh long vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc

Nhập chú thích ảnh

Sơ chế, đóng gói thanh long trước khi xuất khẩu. Ảnh: Báo Long An.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn, năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 3,52 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật và dịch bệnh trên người (Covid-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron) đang đặt ra yêu cầu, thách thức rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng.

Hiện nay, đối với thị trường Trung Quốc, các loại nông sản đang nhập khẩu với số lượng lớn là xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt. Trong thời gian tới, thị trường này tiếp tục mở cửa nhập khẩu sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím…

Thị trường Hàn Quốc, cũng có nhu cầu với một số loại trái cây như dừa, dứa, chuối, xoài và thanh long ruột trắng, rau salad các loại, rau ôn đới, tỏi ớt. Thị trường Nhật Bản, thanh long đỏ và trắng, xoài và vải; Rau gia vị, tía tô, rau cải bó xôi tươi và đông lạnh…

Trên cơ sở đó ông Hòa khuyến nghị các doanh nghiệp, nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường; Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất;

Thiết lập cơ chế hợp tác giữa Cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung và sản phẩmđạt chất lượng an toàn thực phẩm…; Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm tại thị trường trong nước và nước ngoài như Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị.

Áp dụng các quy trình sản xuất như VietGAP, GlobalGAP..., hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường; Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho ăn tươi và chế biến (tương tự như HACCP); Đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ…

Riêng đối với thanh long, vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

8h30

300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch và chưa có hướng đầu ra cụ thể

z3085068538715_7e01a15601b21a4c9115e371aa962915

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, phát biểu khai mạc diễn đàn.

Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản thời gian qua.

Theo đó, các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc. Hiện hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.

Đáng chú ý, ngay trong ngày 5/1, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu. Trong khi đó, một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch.

Tại diễn đàn kì trước (phiên thứ 18), bên cạnh thông tin, khuyến cáo về thị trường cũng như đề xuất các giải pháp cung – cầu; kết nối sản xuất, tiêu thụ, các địa phương cũng đã đưa ra những số liệu hết sức lo ngại về lượng rau quả nông sản, đặc biệt là trái cây thanh long đang vào vụ thu hoạch. Theo thống kê ước tính của các tỉnh, hiện có đến 300.000 tấn đang vào vụ và chưa có hướng cụ thể về đầu ra.

“Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Ban phát triển Thị trường Nông sản Bộ NN-PTNT, hôm nay, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 triển khai tổ chức riêng một diễn đàn về loại trái cây đặc thù này”, ông Nguyễn Ngọc Thạch nêu lý do tổ chức diễn đàn.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.