| Hotline: 0983.970.780

'Tạo hành lang nông sản an toàn trên cả nước, ra nước ngoài'

Thứ Bảy 20/11/2021 , 08:19 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam kết luận và đề ra định hướng tại Diễn đàn trực tuyến 'Kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng' sáng 20/11.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP trong trạng thái bình thường mới, Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đồng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị tổ chức ngày hôm nay nhằm thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các loại rau vụ đông niên vụ 2021; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, HTX các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh thành trên cả nước.

Hội nghị diễn ra trong 1 buổi sáng thông qua hình thức trực tuyến với 06 điểm cầu chính là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cùng sự tham dự của 06 điểm cầu phụ tại các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra, còn nhiều đại biểu là các doanh nghiệp thu mua, chế biến, phân phối đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11h00

Tạo hành lang nông sản an toàn trên cả nước, ra nước ngoài

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam dành lời mở đầu để gửi lời chúc mừng, tri ân các thầy cô giáo nhân ngày 20/11. Thứ trưởng cũng gửi lời chúc đến các thầy cô đang ở tuyến đầu chống dịch, các thầy cô đang đào tạo cán bộ cho ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Nam biểu dương Ban điều hành Kết nối nông sản 970 đã tổ chức thành công phiên kết nối thứ 12 với sự tham gia nhiệt tình của các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã.

“Tôi rất mong các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tham gia. Đây không chỉ là diễn đàn kết nối nông sản mà còn là nơi trao đổi thông tin. Vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Rau củ vụ này rất ngon do hợp thổ nhưỡng”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đặt vấn đề về tiêu thụ, làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

“Cung ứng nông sản vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Tôi đề nghị chúng ta nên lưu ý kết nối doanh nghiệp cung ứng thực phẩm. Nhu cầu về nguồn thực phẩm rất lớn. Ở đây còn có các doanh nghiệp logistics, chúng ra nhiệt tình tham gia. Đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông sản nên liên hệ với các đơn vị như Co.op Mart, Big C để trao đổi thông tin”.

Với sản phẩm hữu cơ, Thứ trưởng Nam cho biết Bộ đang triển khai các chương trình liên quan. Nhu cầu về sản phẩm này sẽ tăng, Bộ đang nghiên cứu thêm các tiêu chuẩn, rất mong các doanh nghiệp tham gia. Bộ sẽ ký kết với Huế về chương trình nông nghiệp hữu cơ.

“Sắp tới, không chỉ Huế mà Bộ sẽ xây dựng chương trình với các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Chúng ta cần tạo ra hành lang nông sản an toàn trên cả nước, mở rộng ra nước ngoài”, Thứ trưởng Nam kết luận.

Thay mặt Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cảm ơn định hướng của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các đơn vị tham dự diễn đàn sáng 20/11.

Ông Thạch cho biết, phiên diễn đàn thứ 13 vào ngày 27/11 tuần tới, sẽ về chủ đề “gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm HTX trong tình hình bình thường mới”.

10h25

Hỗ trợ về cơ chế để đẩy mạnh sơ chế, bảo quản

rat van duc

Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ảnh: Ánh Ngọc/Báo Kinh tế Đô thị.

Chia sẻ về năng lực của đơn vị, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX rau an toàn Văn Đức cho biết HTX hiện nay có 250 ha chuyên canh rau, cho sản lượng hàng năm vào khoảng 35.000 - 37.000 tấn, trung bình mỗi ngày từ 70 - 80 tấn và cá biệt có những ngày thu gần 200 tấn rau.

Theo ông Minh, sản phẩm rau của HTX rau an toàn Văn Đức hiện nay đều đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP và có quy trình kiểm tra quy trình kiểm tra rất khắt khe. Mặc dù vậy, đại diện HTX rau an toàn Văn Đức cho rằng khả năng tiêu thụ hiện nay vẫn chưa đáp ứng được năng lực sản xuất, do đó mong muốn qua diễn đàn được kết nối với nhiều nhà mua hơn nữa để tăng cường khả năng tiêu thụ cho HTX.

Ngoài ra, do sản lượng nhiều, HTX rau an toàn Văn Đức đang có hệ thống sơ chế và bảo quản riêng với diện tích 2.200 m2 với dây chuyền chế biến và các kho lạnh.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng trong thời gian tới hệ thống này sẽ không đáp ứng đủ được nhu cầu của HTX nên cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách để mở rộng diện tích, đầu tư thêm hệ thống sấy hoặc đóng hộp nông sản.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Minh cũng thông tin thêm, trong số các sản phẩm rau của HTX hiện nay có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Đây là những sản phẩm tiềm năng mà HTX rau an toàn Văn Đức mong muốn sẽ được kết nối thêm để tăng hiệu quả tiêu thụ.

10h20

z2951119451301_59092ec90bca733ef2427c7df814201e

Khu nuôi trồng thuỷ sản sông trong ao của HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng tại Hà Nam.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc HTX Thuỷ sản sông trong ao Hải Đăng (Hà Nam) cho biết, hiện HTX đang nuôi trồng 10ha cá trắm và cá rô lưỡng tính Thái Lan. Sản phẩm được chế biến thành 3 dòng sản phẩm gồm cá kho tộ, ruốc cá và chả cá.

Sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao, năng lực sản xuất khoảng 500 – 700kg/ngày, cung cấp cho siêu thị Vinmart và một số thị trường khác.

Ông Hiếu mong được kết nối với các doanh nghiệp thu mua đầu ra và chuỗi siêu thị để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

10h15

Cần nâng cao chất lượng rau củ quả theo yêu cầu của thị trường quốc tế

san-giao-dich-dien-tu-postmart

Ảnh chụp màn hình sàn thương mại điện tử Postmart.

Theo đại diện của sàn thương mại điện tử Postmart (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post), hiện trung tâm logistic của đơn vị này đang tập trung tiếp cận với những chuỗi cửa hàng, siêu thị cao cấp trong nước để cung ứng những sản phẩm chất lượng cao.

Đối với thị trường quốc tế, đơn vị tập trung xúc tiến vào khu vực châu Âu và các thị trường lân cận yêu cầu cao. Theo đó, với các sản phẩm rau quả nói chung, thị trường quốc tế đang có những yêu cầu rất lớn cho cả sản phẩm tươi cũng như sản phẩm chế biến sâu do đặc thù mùa đông khắc nghiệt và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Câu chuyện chất lượng là một vấn đề rất lớn đối với sản phẩm xuất khẩu. Các thị trường quốc tế đang tăng chỉ tiêu chất lượng với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Ví dụ như Châu Âu tăng tỉ lệ kiểm tra dư lượng từ 5 - 10% trên tổng số hàng nhập khẩu với số lượng các chỉ tiêu kiểm tra là hơn 500 chất. Thị trường Trung Quốc cũng đang tăng chỉ tiêu chất lượng cũng như nâng cao tiêu chuẩn xuất chính ngạch với yêu cầu về kiểm tra chất lượng cao và mã số vùng trồng.

Để có thể chủ động đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm, đại diện sàn thương mại điện tử Postmart mong muốn được kết nối và đồng hành với các địa phương có vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn xuất khẩu và cùng nhau phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản đã qua chế biến cũng là mặt hàng chiến lược mà đơn vị đang hướng đến do dễ vận chuyển và bảo quản giá trị thương mại. Ngoài việc xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế, hiện sàn thương mại điện tử Postmart cũng đang đóng vai trò tích cực trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bằng việc cung cấp các dịch vụ logistics nội địa, vận tải đường biển và đường bay quốc tế kèm theo các dịch vụ hỗ trợ như kiểm dịch, chiếu xạ, hoàn tất đơn hàng.

10h10

Su su Vĩnh Phúc mong tìm đầu ra

Bà Kiều Thị Huệ, Giám đốc HTX rau an toàn Vĩnh Phúc cho biết, HTX có đủ khả năng cung ứng cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Vừa qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.

Hiện tỉnh có thế mạnh về nhiều loại rau vụ đông, như ngọn su su, và đang chuyển hướng canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhiều chứng chỉ an toàn như VietGAP, GlobalGAP.

Qua diễn đàn, bà Huệ bày tỏ mong muốn nhận sự quan tâm của các đơn vị tiêu thụ, đặc biệt là ngọn su su.

10h00

5 giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa

Ông Lê Văn Liêm (ảnh) – Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op, chia sẻ 5 giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, đó là: Thông tin và tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam và tham gia bình ổn thị trường.

Theo ông Liêm, hiện 90% hàng Việt được kinh doanh tại hệ thống của Saigon Co.op, với gần 1.000 điểm bán. Riêng với mặt hàng rau củ quả thì hàng Việt chiếm toàn bộ kệ hàng của Saigon Co.op. Đó cũng là cơ hội để hàng Việt thắng thế trên thị trường nội địa.

Hàng ngày hệ thống tiêu thụ gần 500 tấn hàng nông sản, xu hướng này ngày càng tăng lên. Thay vì kênh tiêu dùng từ chợ truyền thống sang siêu thị ngày càng lớn, đây là cơ hội để hàng nông sản của chúng ta tiếp cận với người tiêu dùng.

Tại các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua nông sản vụ đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các HTX lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền.

Saigon Co.op cũng có một tổng kho phân phối tại Bắc Ninh nhằm đối lưu hàng hoá giữ các vùng miền. Mỗi năm, hệ thống siêu thị cũng liên kết để tiêu thụ gần 1.000 tấn rau, củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bắp cải, rau ăn lá của các tỉnh trong vụ đông.

“Thông qua Diễn đàn, chúng tôi hy vọng hợp tác với các địa phương để đưa các sản phẩm khác vào hệ thống”, ông Liêm nói.

Hàng hóa tại siêu thị Co.opmart TP. HCM. Ảnh: Linh Đan/VnExpress.

Hàng hóa tại siêu thị Co.opmart TP. HCM. Ảnh: Linh Đan/VnExpress.

Đứng ở vai trò của nhà phân phối, ông Liêm đưa ra 4 yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản. Thứ nhất, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.

Thứ hai, sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ.

Thứ ba là áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi.

Thứ tư là có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Saigon Co.op sẽ kết nối với các địa phương để xây dựng các điểm bán lẻ, xây dựng vùng nguyên liệu.

9h50

Sẵn sàng hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp sinh thái

“Xu hướng và nhu cầu của thị trường về nông sản sinh thái đang tăng cao, không chỉ trong nước mà trên thế giới. Chúng tôi đang triển khai tiêu thụ 1.000 tấn cam, bưởi sinh thái. Hiện đơn vị đã xây dựng 500 điểm bán và kết hợp kinh doanh online. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nông dân và kết hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã khác làm nông nghiệp sinh thái”, bà Nguyễn Thị Lê Na – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp sinh thái Ecovi, cho biết.

Bà Na nhắc tới một số hộ dân trên Hòa Bình đang cùng Ecovi chuyển đổi 200 ha cam sinh thái, chuyển đổi từ VietGAP hoặc GlobalGAP sang. Tuy nhiên, bà Na cho biết việc chuyển đổi là “không hề dễ, phải làm từng bước một”. Ngay cả việc bán hàng online, hiện vẫn chủ yếu thực hiện ở Hà Nội và các thành phố lớn.

Nếu vượt qua khó khăn ban đầu, bà Na cho rằng đây là thị trường có tiềm năng. “Ví dụ khi cung cấp trái cây sinh thái cho người tiêu dùng, thì khách hàng cũng sẽ quan tâm đến cả thịt, trứng, sữa sinh thái”, bà Na nói.

Bà Na cho biết hiện Ecovi đang phối hợp với từng địa phương và sẵn sàng hỗ trợ nông dân làm mô hình nông nghiệp sinh thái. Lãnh đạo Ecovi cung cấp số điện thoại cá nhân để liên lạc là: 0986612607.

9h40

Đẩy mạnh sơ chế, đóng gói để nông sản có chỗ đứng

Chia sẻ tại diễn đàn sáng 20/11, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng (ảnh), Chủ tịch HĐQT Nutrimart nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít.

“Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn và sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng phân tích.

Theo lãnh đạo của Nutrimart, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, bà Hằng cam kết Nutrimart sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng ta phải hướng đến chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu, các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhận định và cho rằng để đưa hàng hóa lên các quầy kệ trong siêu thị hoặc xuất khẩu, thì việc tăng cường sơ chế, chế biến là không thể chậm trễ.

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Chủ tịch HĐQT Nutrimart cho biết vừa đăng ký 200m2 sàn kinh doanh ở khu vực miễn thuế tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu hàng mẫu, mua thử của các doanh nhân Trung Quốc sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng các địa phương cần ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để tiếp cận, kết nối với bà con nông dân hơn.

9h30

Mong muốn kết nối, sẵn sàng hỗ trợ nông sản xuất ngoại

thagri

Trong 2 năm gần đây, vấn đề logistics gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh minh họa).

Ông Trần Phương Minh, Giám đốc bộ phận XNK Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thagri cho biết: Hiện nay, tiềm năng của thị trường của Việt Nam còn rất lớn. Mặc dù trong 2 năm gần đây vấn đề logistics gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hơn 15% vẫn là con số rất khả quan và hứa hẹn còn nhiều cơ hội cho xuất khẩu trong thời gian tới.

Cũng theo ông Minh, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm… của các nước nhập khẩu, thậm chí là các thị trường khó tính như EU…

Vì vậy, trong thời gian tới, với lợi thế về logistics và kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản, công ty rất mong muốn sẽ kết hợp với các HTX, vùng trồng của người dân, giúp người dân thấu hiểu xu hướng thị trường, thị hiếu thị trường, hỗ trợ vận chuyển, bảo quản để đưa sản phẩm tới những thị trường có địa lý xa hơn. Trên cơ sở đó, người dân sẽ có đầy đủ thông tin để định hướng sản xuất hiệu quả hơn.

9h20

Vụ đông 2021, Nam Định dự kiến gieo trồng 11.000 ha trở lên

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, cho biết ngành nông nghiệp của địa phương có sự phát triển đồng đều cả về trồng trọt, chăn nuôi lẫn thủy sản.

Cụ thể, năm 2021, sản lượng lúa tại Nam Định ước đạt gần 900.000 tấn, thịt lợn ước đạt gần 160.000 tấn, gia cầm gần 30.000 tấn. Đặc biệt, sản lượng thủy sản của Nam Định năm 2021 ước đạt khoảng 180.000 tấn; trong đó có 500ha diện tích nuôi ngao được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

Về sản xuất rau vụ đông 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng với diện tích từ 11.000 ha trở lên với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang… rất phù hợp cho việc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đại diện tỉnh Nam Định cho biết năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn cùng kỳ năm 2020; giá bán của nhiều loại nông sản đều tương đương, cao hơn cùng kỳ năm trước. Giá trị tổng sản phẩm ước đạt 1.018,1 tỷ đồng, bình quân 86,4 triệu đồng/ha.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho hay, hiện nay sức tiêu thụ của tỉnh Nam Định là 70%, 30% số nông sản còn lại sẽ phục vụ cho các tỉnh khác. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương bị dư thừa. Đặc biệt là sản phẩm ngao, một ngành hàng chất lượng cao của tỉnh, trước đây tiêu thụ rất mạnh vào thị trường Hà Nội và Trung Quốc.

“Thông qua Diễn đàn, tỉnh Nam Định rất mong muốn kết nối để tiêu thụ sản phẩm ngao nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp khác của địa phương nói chung. Đồng thời, sắp tới, chúng tôi cũng sẽ triển khai việc kết nối tiêu thụ theo đa dạng hình thức với giá cả hợp lý, nâng cao lợi nhuận cho người dân và nâng cao giá trị cho nông sản địa phương”, bà Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ.

9h10

Hà Nam phát triển mạnh cây vụ đông

ttxvn_dua_chuot

Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, tỉnh đã chuyển từng bước sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, Hà Nam đã chuẩn bị tích tụ đất đai, tạo ra các vùng nguyên liệu lớn để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Hiện Hà Nam phát triển mạnh cây vụ đông, bởi vụ sản xuất này đem lại nguồn lợi cao cho người dân. Với năm 2021, điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Tổng diện tích cây vụ đông gần 10.000ha, trong đó rau, củ, quả là trên 4.500ha, sản lượng dự kiến 100.000 tấn. Sản phẩm chính của tỉnh là dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ… Đây đều là những sản phẩm đã được tỉnh liên kết theo chuỗi với nhiều doanh nghiệp lớn.

Về cây ăn quả, tỉnh có khoảng 6.000ha. Dự kiến đến Tết nguyên đán, sản lượng khoảng 40.000 tấn, gồm các loại chuối, bưởi… Nhằm kết nối tiêu thụ trong bối cảnh bị ảnh hưởng của Covid-19, Hà Nam tổ chức tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn của tỉnh tại Hà Nội.

Ông Ngọc bày tỏ mong muốn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng như các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo mạng lưới tiêu thụ, liên kết không chỉ sản phẩm rau vụ đông, mà còn cả các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Vấn đề lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nam băn khoăn, hiện là giá. "Chúng ta cần nghiên cứu để ngành nông nghiệp và bà con nông dân vừa duy trì tốc độ tăng trưởng, vừa đảm bảo định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”, ông Ngọc nói.

Song song với đó, Sở NN- PTNT Hà Nam đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn tại Hà Nội và các tỉnh quan tâm, kết nối thu mua nông sản thực phẩm sản xuất từ Hà Nam.

8h50

Ninh Bình đảm bảo nguồn cung rau vụ đông có truy xuất nguồn gốc

rau vu dong ninh binh

Nông dân phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình chăm sóc rau vụ đông. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

“Dự kiến giữa tháng 12/2021 đến hết tháng 2 năm sau là thời điểm thu hoạch tập trung. Tiến độ gieo trồng cây vụ đông bị gián đoạn do giai đoạn đầu vụ mưa nhiều, rau màu bị ngập úng, chết phải gieo trồng đi gieo trồng lại.

Một số sản phẩm rau vụ đông sản xuất theo hướng hàng hóa, sản xuất tập trung, có sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ như bí xanh, dưa chuột, cà chua, su hào, bắp cải, khoai tây, nấm các loại”, bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, cho biết.

Tổng diện tích gieo trồng vụ đông ở Ninh Bình là hơn 5.000ha, trong đó nhiều nhất là rau đậu các loại (hơn 3.000ha). Bà Lan Anh cho biết nông sản Ninh Bình có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Bình, các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không bị rơi vào tình trạng ùn ứ nông sản, cần hỗ trợ tiêu thụ. Về giá cả thị trường nông sản 6 tháng đầu năm nay từ giảm nhẹ đến ổn định so với năm trước do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, phải thực hiện giãn cách xã hội, nông sản đến các đầu mối tiêu thụ bị chậm hoặc bị đứt gãy. Vụ đông sớm, giá cả thị trường nông sản tăng cao đầu vụ so với cùng kỳ năm trước do mưa lớn đầu vụ, cây trồng bị ngập úng, bị chết nhiều. Dự kiến thời gian tới, điều kiện thời tiết ít mưa lớn hơn, cây trồng vụ đông phát triển ổn định hơn, sản phẩm rau vụ đông cho giá cả ổn định.

8h40

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: Diện tích đất nông nghiệp của Thành phố là 189.000 ha, chiếm 56% đất tự nhiên. Diện tích cây vụ đông 28.541 ha, trong đó, rau vụ đông 14.849 ha (222 tạ/ha), sản lượng hơn 239.661 tấn. Dự kiến tới trung tuần tháng 12, lượng cung cấp sẽ đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và tiêu thụ cho một số tỉnh.

Tuy nhiên, trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp mới đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu. Do đó, nhu cầu về lượng hàng hóa còn thiếu còn rất lớn. Vì vậy, thông qua diễn đàn Hà Nội mong muốn được kết nối với các tỉnh thành để khai thác, nhập khẩu…

8h30

Vụ đông 2021, phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất 34-35 nghìn tỷ đồng

Thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Ngọc Thạch (ảnh), Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970, đưa ra tại diễn đàn.

"Từ thực tiễn yêu cầu hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản cũng như nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đại dịch Covid, thời gian vừa qua, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã tổ chức nhiều phiên Diễn đàn kết nối với các địa phương, vùng miền trong cả nước.

Phát huy những kết quả đã đạt được, hôm nay, chúng tôi tổ chức Diễn đàn nông sản 970 Phiên thứ 12 với chủ đề 'kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng', với mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương", ông Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc diễn đàn.

Vụ đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Riêng năm 2020, các tỉnh phía Bắc đã gieo trồng gần 375 nghìn ha, tổng giá trị đạt khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó khu vực Đồng bằng Sông Hồng chiếm tới khoảng 160 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng trên 1.88 triệu tấn với tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng.

"Năm 2021 này, theo kế hoạch thì vụ đông miền Bắc sẽ thực hiện diện tích khoảng 400 nghìn ha với sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu", Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 cho biết.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm