Trưa 22/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão Prapiroon (bão số 2), thành phố Hải Phòng đã có thông báo cấm biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn do bão số 2.
Theo đó, từ 12h ngày 22/7/2024, sẽ đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long và hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo ở Hải Phòng.
Các đơn vị, sở, ngành và địa phương khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn. Kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền thủy sản, phương tiện đường thủy nội địa hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.
Ghi nhận tại đảo Cát Bà, từ lúc 8h sáng, sau khi nghe thông báo cấm biển được phát trên hệ thống loa truyền thanh, hàng nghìn du khách đã thay đổi kế hoạch, làm thủ tục trả phòng để kịp thời trở về đất liền tránh bão số 2.
Tại phà Cái Viềng, anh Nguyễn Quốc Hùng, một du khách đến từ Hà Nội cho biết, gia đình anh có 6 người dự kiến đi Cát Bà đến thứ 3 mới về nhưng khi nghe được thông tin sẽ đình chỉ các hoạt động trên biển để tránh bão, cả nhà đã thống nhất hủy kế hoạch để trở về cho an toàn.
“Tôi vừa ra đến Cát Bà chiều chủ nhật và dự định ở đây đến thứ 3 nhưng tiếc là kế hoạch phải thay đổi vì bão số 2. Giờ mà không về, lỡ thời tiết xấu cấm biển đến mấy ngày thì mệt lắm”, anh Hùng chia sẻ.
Cũng tương tự như gia đình anh Hùng, hàng trăm đoàn khách du lịch khác cũng tay xách nách mang hành lý thấp thỏm chờ phà. Nhiều người lo sợ không kịp về đất liền trước giờ cấm biển thậm chí đã bỏ lại tài xế đi sau cùng xe ô tô để lên phà trước, có những chiếc phà chỉ chở được 2 đến 3 chiếc ô tô, còn lại đã không còn chỗ trống vì đã đặc kín người và xe máy.
“Chồng tôi lái xe đang xếp hàng tít đằng sau kia, tôi cùng các cháu và mọi người trong đoàn xách va li ra đây đợi phà, khi nào có sẽ lên luôn. Nếu đến giờ cấm biển mà xe ô tô của đoàn chưa kịp qua thì chúng tôi sẽ về trước để còn công việc, chồng tôi sẽ ở lại xử lí sau”, chị Trần Thu Hà – một khách du lịch đến từ Thái Nguyên cho hay.
Theo phòng Văn hoá - Thông tin - Du lịch huyện Cát Hải, do đang là cao điểm du lịch nên lượng khách du lịch đến Cát Bà ngày nào cũng rất đông, kể cả đầu tuần và cuối tuần. Tính đến sáng 22/7, trên đảo Cát Bà đang có hàng vạn du khách đang lưu trú, sau khi nghe thông tin về cấm biển nhiều người đã nhanh chóng rời đảo nhưng hiện tại vẫn còn hàng nghìn người chưa kịp về đất liền do phà đã được lệnh dừng hoạt động tránh bão.
Để hỗ trợ du khách, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện xây dựng phương án đảm bảo an toàn, hỗ trợ cho khách du lịch đang lưu trú tại cơ sở mình trong thời gian có bão.
Đồng thời đề nghị hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.
UBND huyện Cát Hải cũng đã yêu cầu tạm dừng tổ chức hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, tắm biển trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và tại các bãi tắm trên địa bàn. Đây là nội dung chỉ đạo thường xuyên của chính quyền địa phương, được đánh giá hành động thể hiện vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn trong việc đồng hành với du khách khi xảy ra thiên tai, bão lụt. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp về du lịch Cát Bà thân thiện, mến khách.
Tại quận Đồ Sơn, việc ứng phó với bão số 2 cũng đã được chính quyền địa phương khẩn trương chuẩn bị, UBND các phường, cơ quan đơn vị đã tổ chức rà soát, có phương án và sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện, vật tư phòng chống bão số 2 với hơn 1.200 người, 70 ô tô, 12 chiếc xuồng và 9 xe máy xúc, xe thang, xe cầu ủi.
“Chúng tôi đã thông báo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn cho người và tài sản, đề phòng nước biển dâng và mưa lớn khi bão đổ bộ. Cùng với đó đã thông báo cho các đơn vị, trường học trên địa bàn chủ động xây dựng phương án đối phó với bão”, ông Ngô Việt Đông - Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho hay.
Theo dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, vượt qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ. Đến 7h sáng 23/7, tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Từ 24-48 giờ tiếp theo, bão số 2 đi theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển rất chậm trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, mỗi giờ đi được khoảng 5km, quần thảo ở vùng biển này, gây gió to sóng lớn cho vịnh Bắc Bộ và khu vực ven biển nước ta, đồng thời gây mưa rất lớn trên đất liền.