| Hotline: 0983.970.780

Khai khẩn đất đồi trồng dó bầu tạo trầm

Thứ Bảy 02/01/2021 , 16:20 (GMT+7)

Sớm trồng nhiều diện tích cây dó bầu và cấy tạo trầm thành công, trầm sau khai thác được anh chế biến thành nhiều sản phẩm và hiện đang được xuất khẩu rất mạnh.

Người duy nhất thành công với cây dó bầu ở Bình Định

Huyện Hoài Ân từng được mệnh danh là “xứ trầm hương” của tỉnh Bình Định với hàng trăm héc ta dó dầu. Thế nhưng người thành công trong việc cấy tạo trầm chẳng có là mấy, thế nên cây dó bầu dần được nông dân ở đây thay thế bằng cây trồng lâu năm khác. Duy nhất chỉ có anh Nguyễn Hữu Toàn (62 tuổi) ở xã Ân Mỹ là trụ vững với cây dó bầu nhờ thành công trong việc cấy tạo trầm. Không dừng lại ở đó, trầm sau khai thác được anh sản xuất thành nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao.

Hiện anh Toàn đang sở hữu 2ha dó bầu đã được 26 năm tuổi, 5,5ha đã 17 năm tuổi và 6ha được 13 năm tuổi. “Khi thấy tôi bỏ công sức khai khẩn đất đồi, đầu tư trồng dó bầu, bà con hàng xóm cứ bảo tôi điên. Bởi họ nghĩ, cây dó mấy chục năm sau mới cho trầm, mà chưa chắc đã cấy tạo thành công thì kể như tiền quăng lên núi”, anh Toàn nhớ lại.

Anh Nguyễn Hữu Toàn bên cây dó thâm niên đã được cấy chế phẩm tạo trầm nhưng chưa khai thác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Hữu Toàn bên cây dó thâm niên đã được cấy chế phẩm tạo trầm nhưng chưa khai thác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau khi trồng xong hàng chục héc ta dó bầu, anh cất công đi khắp các các xứ trầm hương trên đất nước học kỹ thuật cấy tạo trầm. Theo anh Toàn, cây dó hàng trăm năm tuổi mà nếu không có tác động ngoại cảnh như bị bão làm gãy, bị bom đạn trong chiến tranh găm vào gây vết thương; hoặc không bị lậy ăn, kiến đục thì sẽ không cho trầm.

“Do đó, đối với cây dó mình trồng, phải khoan lỗ trên thân cây để tạo vết thương, sau đó cấy chế phẩm vào để tạo trầm. Trước đây, người ta thường tạo trầm bằng hóa chất, bây giờ thì được thay bằng chế phẩm sinh học. Cấy hóa chất thì cây dó tạo trầm nhanh hơn, nhưng trầm có chất lượng thấp. Còn trầm được cấy tạo bằng chế phẩm sinh học có chất lượng chẳng kém mấy so với trầm khai thác từ tự nhiên”, anh Toàn chia sẻ.

Vườn dó trên đất đồi rộng 2ha đã được 26 năm tuổi của anh Nguyễn Hữu Toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn dó trên đất đồi rộng 2ha đã được 26 năm tuổi của anh Nguyễn Hữu Toàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi đã cấy tạo trầm thành công, nhận thấy với 13,5ha cây dó mình trồng chưa thể đáp ứng quy mô làm ăn, anh Toàn rong ruổi khắp các vùng miền trên cả nước mua đứng cây dó để cấy tạo trầm. Theo anh Toàn, chỉ những cây dó có 10 năm tuổi trở lên mới có thể cấy trầm. Tính đến nay, anh đã mua được mấy chục ngàn cây dó trồng trong vườn nhà trên khắp cả nước.

“Cây dó mua mình khoan lỗ, cho chế phẩm sinh học vào cấy tạo trầm, khai thác xong mình trả lại gốc cho chủ vườn. Khi còn cấy bằng hóa chất thì nhanh thu hoạch trầm, thế nhưng sản phẩm có chất lượng không cao, mình tiếp xúc với hóa chất nhiều cũng không tốt. Nay cấy trầm bằng chế phẩm sinh học dù lâu thu hoạch hơn, nhưng chất lượng trầm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, có giá trị cao. Ai có tiềm lực kinh tế, sau khi cấy chế phẩm, để 30 năm sau mới thu hoạch thì khi ấy thân cây dó không còn gỗ, mà đã hóa trầm đen mun. Lúc đó thì giá trị của trầm tăng gấp cả trăm lần so với trầm thu hoạch sớm”, anh Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ.

Vườn dó bầu thâm niên của anh Toàn đang được nuôi để thu hoạch trầm có chất lượng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn dó bầu thâm niên của anh Toàn đang được nuôi để thu hoạch trầm có chất lượng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước đây, sản phẩm trầm của anh Toàn được bán thô cho những cơ sở thu mua ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Từ khi kế thừa sự nghiệp trầm hương của gia đình, anh Nguyễn Hữu Trí (39 tuổi), con trai anh Toàn, nhận thấy việc tiêu thụ sản phẩm sau khai thác của cha mình cho hiệu quả không cao, anh quyết định chuyển hướng tiêu thụ của sản phẩm trầm hương sang ngã khác, và anh đã thành công.

Xuất khẩu nhiều sản phẩm làm từ trầm hương

Từ khi nối nghiệp cha, anh Nguyễn Hữu Trí đã cất công tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trầm hương cả trong và ngoài nước. Nhờ vốn tiếng Anh kha khá, Trí tiếp xúc được với nhiều khách hàng nước ngoài, nên nắm được nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới. Sau khi nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, Trí đầu tư mua máy móc về sản xuất nhiều sản phẩm từ trầm.

“Hiện nay, cơ sở của gia đình tôi xuất trầm sang các nước Ả Rập Xê út, Kuwait, Quatar, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hàng xuất khẩu ngoài trầm miếng, tinh dầu trầm, bột trầm, nhang trầm; còn nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác được làm từ trầm như: Cây cảnh, quạt cầm tay, các loại vòng hạt đeo tay, đeo cổ cùng những vật dụng lưu niệm khác”, Trí cho hay.

Anh Nguyễn Hữu Trí bên những sản phẩm mỹ nghệ từ trầm do anh sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Hữu Trí bên những sản phẩm mỹ nghệ từ trầm do anh sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Trí, trầm miếng có nhiều công dụng, khách hàng nước ngoài mua trầm miếng số lượng lớn là để chiết xuất tinh dầu, sau đó tận dụng chất bột còn lại làm nhang cao cấp. Trong các sản phẩm từ trầm thì tinh dầu là có giá trị cao nhất. Bởi, trong sản xuất nước hoa cao cấp, tinh dầu trầm là thành phần quan trọng, nó có vai trò định hương trong nước hoa. Nước hoa có thành phần tinh dầu trầm sẽ thơm rất lâu.

Trầm miếng được tạo ra từ chế phẩm sinh học còn được nhiều người ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe hoặc đốt trực tiếp để xông hương trong phòng làm việc, nơi tiếp khách, tại các lễ hội để vừa thay cho mùi hương nước hoa, vừa tạo không khí trang trọng và để khách thoải mái tinh thần.

“Đặc biệt, trong các quán karaoke ở thành phố Dubai, 1 trong 7 vương quốc trong các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, quán nào cũng được xông hương trầm thường xuyên. Bởi, hương trầm có thể đẩy lùi được mùi bia rượu trong phòng, khách thoải mái kéo dài cuộc chơi”, Trí lý giải.

Anh Nguyễn Thành Tánh (59 tuổi), thợ xỉa trầm chuyên nghiệp trong cơ sở trầm hương của anh Nguyễn Hữu Trí. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Thành Tánh (59 tuổi), thợ xỉa trầm chuyên nghiệp trong cơ sở trầm hương của anh Nguyễn Hữu Trí. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm cây cảnh do anh Nguyễn Hữu Trí làm ra từ cây dó bầu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm cây cảnh do anh Nguyễn Hữu Trí làm ra từ cây dó bầu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Trí, trầm xuất sang thị trường nước ngoài có nhiều giá, tùy theo độ non già của tuổi trầm. Trầm càng già tuổi có giá càng cao. Hiện mặt hàng trầm miếng nhân tạo dạng thuộc loại non tuổi có giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu/kg, hàng cao cấp có giá từ 250 - 2.000 USD/kg.

Theo nhận định của anh Trí, thị trường tiêu thụ mặt hàng trầm hương trên thế giới rất sáng sủa, người sử dụng trầm trong đời sống ngày càng nhiều. Cụ thể là thói quen sử dụng trầm hương từ các nước châu Á, Trung Đông đã lan sang đến châu Âu. Ngay cả trong thời gian đại dịch Covid–19 hoành hành mà anh Trí vẫn nhận được nhiều đơn hàng.  

“Sau khi tự xây chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm trầm, năm nào gia đình tôi có mức doanh thu ít nhất cũng 500 triệu đồng, năm nào nhiều được 1,5 tỷ. Đầu năm 2020, khi thế giới chưa bùng phát dịch Covid–19, tôi xuất được 1 lô hàng sang Đài Loan giá trị 400 triệu đồng. Mặt hàng nhang trầm do chúng tôi sản xuất vừa được xếp hạng là sản phẩm OCOP hạng 4 sao”, anh Nguyễn Hữu Trí bộc bạch.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm