Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Tháp cho biết: Canh Tân Hội quán là hội quán đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được thành lập năm 2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành với 105 thành viên, đây là thiết chế mở tự nguyện của cộng đồng dân cư.
Sau hơn 7 năm kể từ khi hội quán đầu tiên ra đời, đến nay số lượng hội quán ở địa phương này đã tăng lên 145, số thành viên từ 105 thành viên đến nay đã gần 8.000 thành viên, có mặt hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và hoạt động đều trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp - nông thôn và nhiều lĩnh vực khác.
Hội quán đã phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, từ chỉ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả.
Thông qua hội quán, đã từng bước xây dựng tinh thần liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh tế, liên kết giữa người sản xuất với người sản xuất, giữa người sản xuất với doanh nghiệp, thị trường. Đồng thời phát huy vai trò các mô hình kinh tế tập thể trong định hướng phát triển nông nghiệp. Từ mô hình hội quán đã phát triển 38 hợp tác xã, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Hành trình của mô hình Hội quán Đất Sen hồng hướng đến sự tự thay đổi của người dân Đồng Tháp. Từ tâm lý trông chờ ỷ lại, người dân đã biết “tự nguyện, tự quản, tự quyết định”, là người làm chủ xóm làng, làm chủ vận mệnh của mình. Từ cách nghĩ “Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” giờ người dân đã biết “cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng”.
Thông qua ngày hội, Ban Tổ chức mong muốn ban chủ nhiệm các hội quán tiếp tục khơi dậy tính năng động, sáng tạo, phát huy nguồn lực nội sinh. Hội quán phải tạo ra được giá trị mới từ các hoạt động của mình, không ỷ lại, không trông chờ. Đó mới là nguồn lực tốt nhất để hội quán tự phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai.
Thời gian tới, ông Lê Thành Công cho rằng, hội quán cần nhìn từ không gian nông thôn để kết nối với không gian đô thị, từ liên kết "3 nhà" (Nhà nông - Nhà nước - Doanh nghiệp) đến liên kết với tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, hướng mạnh đến việc tiếp cận những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị. Đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình xuất phát từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp về phát huy vai trò của người dân tham gia thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ những trăn trở của lãnh đạo tỉnh mong muốn xây dựng các mô hình phát huy tinh thần tự chủ, tự quản của người dân, thay đổi nhận thức trong sản xuất, liên kết, hợp tác, tự bàn bạc giải quyết công việc của chính địa phương mình, khắc phục tình trạng trông chờ vào Nhà nước. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã khởi xướng và thành lập mô hình hội quán.