Kêu gọi các bên chung tay phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nhiều hoạt động trong ngày hội Hội quán đất sen hồng. Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi và hải đảo.
Kêu gọi các bên chung tay phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp
Phạm Huy – Bảo thắng
Hưởng ứng tuần lễ Kháng kháng sinh, chiều 18/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan chủ trì chính Khung đối tác “Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người” tổ chức Lễ mít ting kêu gọi các Bên chung tay hợp tácKháng kháng sinh trong nông nghiệp.
Chủ đề chính lựa chọn năm 2023 là: “Huy động hợp tác Công - Tư trong phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi”. Lễ Mít ting có khoảng 100 đại biểu, từ các đơn vị của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ y tế, Bộ tài nguyên và môi trường tham dự.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều bất cập trong quy định về việc cung cấp thuốc kháng sinh trong y tế và nông nghiệp. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành thành phần kinh tế tại Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống kháng kháng sinh.
CHIA SẺ KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG ỨNG PHÓ BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Minh Sáng
Phát biểu tại “Tọa đàm thực trạng ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam và Trung Quốc, các kinh nghiệm ứng phó bệnh Dịch tả lợn châu Phi”, do Cục Thú y phối hợp Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2016 đến nay, các ổ dịch tả lợn châu Phi bùng phát thế giới, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn tại các châu lục, gây sụt giảm đàn lợn giống cụ kỵ, ông, bà, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, môi trường và các hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Do đó, tọa đàm là cơ hội quý báu để nhà quản lý, nhà khoa học và người chăn nuôi hai nước học hỏi và trao đổi về các giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo tiếp tục phối hợp các nhà khoa học trong nước và thế giới để tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng của vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi và mở rộng thêm các đối tượng vật nuôi khác.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀY HỘI HỘI QUÁN ĐẤT SEN HỒNG
Minh Đảm - Lê Hoàng Vũ
Sáng nay, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã diễn ra Lễ Khai mạc ngày hội “Hội quán Đất sen hồng”.
Diễn ra trong 2 ngày 18 và 19 tháng 11, sự kiện có nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tọa đàm; Hội thảo phát huy giá trị cộng đồng của hội quán; Triển lãm thành tựu của hội quán; Hội thi ẩm thực.
Trong đó, Nổi bật là cuộc thi thủ lĩnh Hội quán Đất sen hồng nhằm lựa chọn, đào tạo đội ngũ kế thừa, có am hiểu, chuyên môn dẫn dắt hội quán đi đúng hướng trong tương lai của tỉnh Đồng Tháp.
Theo Ban tổ chức, từ hội quán đầu tiên được thành lập năm 2016, đến nay địa phương có 144 hội quán với trên 7.500 hội viên; trong đó có 38 hợp tác xã được thành lập trên mô hình hội quán.
Lĩnh vực hoạt động chính của các hội quán gồm: chăn nuôi, sản xuất khô mắm, sản xuất sản phẩm từ tre gỗ, kinh doanh hoa kiểng, sản xuất bột, trồng cây ăn trái, du lịch…
KẾT NỐI SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM MIỀN NÚI VÀ HẢI ĐẢO
Đinh Mười
Nhằm chia sẻ thực tiễn và giải quyết những vấn đề đặt ra khi triển khai chương trình “phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025”, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” tại Hải Phòng.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương nhận định, hội nghị là cơ hội để các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm.
Qua đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo.
VIỆT NAM CHI HƠN 1 TỶ USD NHẬP KHẨU ĐẬU TƯƠNG
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023 Việt Nam nhập khẩu trên 1,61 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 1,02 tỷ USD, giá trung bình 632,6 USD/tấn.
Trong đó, Việt Nam nhập khẩu đậu tương từ thị trường Brazil nhiều nhất, đạt trên 895.000 tấn, tương đương 531 triệu USD.
Trong khi đó, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ 2 trong 10 tháng đạt trên 552.000 tấn, tương đương gần 376 triệu USD.
Ngoài đậu tương, tính đến hết tháng 10 năm nay, nước ta cũng chi ra 2,36 tỷ USD để nhập khẩu 7,75 triệu tấn ngô, tăng 2,3% về lượng, song giảm 11,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.