| Hotline: 0983.970.780

Khai thác 'mỏ vàng' từ chất thải chăn nuôi: Ô nhiễm chăn nuôi - những con số biết nói

Thứ Tư 08/05/2019 , 08:54 (GMT+7)

Chăn nuôi lợn đã tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam, nhưng đây cũng là “thủ phạm” biến những làng quê trở nên ngột ngạt vì ô nhiễm.

Khoảng 20% hộ chăn nuôi có công trình xử lý môi trường

Theo TS Nguyễn Thế Hinh, GĐ Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương (LCASP), hơn 50% sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn đến từ các hộ chăn nuôi cá thể hoặc các trang trại chăn nuôi nhỏ. Hội nhập kinh tế toàn cầu đã đặt ngành chăn nuôi nước ta nói chung và chăn nuôi nông hộ nói riêng trước nhiều rủi ro, thách thức do giá thành sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ cao, khó cạnh tranh với các nước trên thế giới.

09-59-42_nuoi-heo_1
Nhiều trang trại lợn đau đầu với bài toán xử lý chất thải chăn nuôi

Hầu hết các hộ chăn nuôi không có biện pháp xử lý môi trường, trong số khoảng 2,4 triệu hộ chăn nuôi trên toàn quốc hiện nay thì chỉ có khoảng 0,5 triệu hộ có hầm biogas để xử lý môi trường.

Hầu hết các trang trại đều áp dụng các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi, trong đó công nghệ khí sinh học được coi là biện pháp chính để xử lý môi trường. Nhiều trang trại xây dựng các hầm biogas phủ bạt HDPE có dung tích lên đến vài ngàn m3 và hệ thống các hồ lắng, hồ lọc, hồ sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.

Công nghệ khí sinh học trong giai đoạn đầu của trang trại chăn nuôi thường phát huy tác dụng xử lý môi trường rất tốt. Tuy nhiên, theo thời gian, các công trình khí sinh học thường bị quá tải do chất thải thừa ứ và hạn chế đầu tư của chủ trang trại cho vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa.

Điều tra của dự án LCASP đã chỉ ra những hạn chế cơ bản trong việc áp dụng công nghệ khí sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi của các trang trại

Thứ nhất, các trang trại quy mô nhỏ khoảng 1.000 đầu lợn thường xây lắp hầm biogas quy mô nhỏ và vừa để xử lý chất thải chăn nuôi. Đa số hầm biogas của các trang trại đều bị quá tải do số lượng lợn lớn hơn nhiều so với dung tích xử lý của các hầm bioga do trang trại xây dựng.
 

Biogas có thể trở thành mối hiểm hoạ cho môi trường

Theo lý thuyết thì sẽ cần 1 m3 hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi của 1 con lợn có trọng lượng 100 kg. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của dự án LCASP cho thấy nhiều trang trại ở Bình Định, Hà Tĩnh… có vài trăm con lợn nhưng chỉ có một vài hầm biogas có dung tích chưa đến 100 m3 để xử lý chất thải. Do bị quá tải nên chất thải chăn nuôi chưa kịp phân hủy đã bị trào ra ngoài môi trường gây ô nhiễm.

Các trang trại quy mô lớn trên 2.000 đầu lợn thường đầu tư các hệ thống hầm biogas phủ bạt HDPE có dung tích lớn lên đến hàng ngàn m3 và các hồ lắng, hồ sinh học đủ để xử lý chất thải chăn nuôi trong giai đoạn đầu của trang trại.

Do nhiệt độ tối ưu để lợn sinh trưởng tốt vào khoảng 25 – 26 độ C nên vào những ngày nóng, người dân thường phun rất nhiều nước vào chuồng để vừa làm vệ sinh và vừa làm mát cho lợn.

Hầu hết các trang trại này đều không thể sử dụng hết khí gas sinh ra cho mục đích đun nấu hoặc phát điện. Khảo sát của dự án LCASP cho thấy nhu cầu sử dụng khí gas cho đun nấu rất thấp: trung bình một trang trại có từ 10 – 20 công nhân chỉ cần tối đa 6 m3 khí gas/ngày. Do vậy, chỉ cần khoảng 18 m3 dung tích hầm biogas là đủ cung cấp nhiên liệu đun nấu hằng ngày cho trang trại.

Chưa hình thành thị trường khí biogas cho phát điện

Đa số các trang trại sử dụng cám công nghiệp nên không có nhu cầu sử dụng gas đun nấu cám lợn. Việc chạy máy phát điện bằng khí biogas tại các trang trại còn rất hạn chế do công nghệ chưa thực sự thuận tiện cho chủ trang trại, máy phát điện hay hỏng vặt và điện sinh ra không thể nối mạng điện lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bởi vậy chưa hình thành thị trường đầu ra của khí biogas cho phát điện.

Đồng Thái

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.