| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Chánh Trinh những ngày chưa xa

Thứ Năm 03/12/2020 , 10:05 (GMT+7)

Gắn bó với báo Nông Nghiệp Việt Nam hơn 20 năm, tài sản quý giá của tôi chính là cơ hội làm việc cùng nhiều người bạn lớn, trong đó có nhà báo Chánh Trinh.

Nhà báo Chánh Trinh tại chi nhánh báo Nông nghiệp Việt Nam ở TP.HCM năm 2000. Ảnh: LTN.

Nhà báo Chánh Trinh tại chi nhánh báo Nông nghiệp Việt Nam ở TP.HCM năm 2000. Ảnh: LTN.

Năm 1996, cậu trai nông thôn ngơ ngác tuổi 18 là tôi rời miền Trung vào TP.HCM vừa học đại học vừa lang thang viết báo dạo để mưu sinh. Cũng may, tôi tập tễnh văn chương từ bé nên được nhiều đàn anh cầm bút dành cho nhiều ưu ái.

Năm 1997, tôi in tập thơ đầu tay “Bài ca phía mặt trời”, cũng được truyền thông giới thiệu khá tưng bừng. Gặp tôi, nhà văn Nhật Tuấn đưa một số điện thoại và bảo: “Lưu Trọng Văn, con trai của thi sĩ Lưu Trọng Lưu nhắn mày gọi cho lão ấy!”.

Đó là số điện thoại của chi nhánh báo Nông nghiệp Việt Nam. Đầu dây kia, nhà báo Lưu Trọng Văn nói như ra lệnh: “Mày đem hai tập thơ đến 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 để tặng Chánh Trinh và tao!”.

Tôi lập tức có mặt. Nhà báo Lưu Trọng Văn dắt tôi vào một căn phòng trên lầu 2, người đàn ông bên trong đang ngồi giữa ngổn ngang bản thảo và sách báo. Tôi hơi e dè, vì nhân vật trước mặt mình đích thị tên tuổi lừng lẫy Chánh Trinh - Lý Quý Chung, lúc ấy mới thay nhà báo Hoàng Lộc làm Thư ký tòa soạn cho phụ san Kiến Thức Gia Đình của báo Nông nghiệp Việt Nam.

Nhà báo Lưu Trọng Văn kết nối rất hoành tráng: “Ông Chung! Tôi tiến cử cho ông một thằng rất thú vị. Thơ nó hay lắm, còn báo thì nó viết được đủ thể loại”.

Nhà báo Chánh Trinh lịch sự bắt tay tôi, lịch sự giở vài trang tập thơ “Bài ca phía mặt trời”, rồi hỏi luôn: “Em có gì cộng tác với tụi tui không?”. Tôi thưa rằng mình mới trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký khi ông cùng tài tử Ngọc Bảo du ngoạn phương Nam, đang có ý định viết về tác giả “Bài ca hy vọng”. Nhà báo Chánh Trinh chốt hạ: “Ngày mai có bài nhé!”. Tôi vâng dạ một cách hào hứng.

Hôm sau, tôi mang bài đến đúng hẹn. Nhà báo Chánh Trinh đọc rất nhanh, rồi liếc mắt sang phần ma-ket mà ông đã trình bày cho số báo mới, và ghi lên phần trống của cái bài tôi vừa gửi: “Thay trang 7-8-9”. Nghĩa là bài của tôi được ông quyết định đưa vào tờ Kiến Thức Gia Đình ngay phút chuẩn bị đi nhà in. Tôi càng hân hoan hơn, khi chào tạm biệt nhà báo Chánh Trinh thì ông yêu cầu: “Em viết thường xuyên cho tụi tui nhé. Đến đây, nếu không có tui thì gửi ông Lưu Trọng Văn!”.

Sự trọng thị của nhà báo Chánh Trinh dành cho tôi từ buổi sơ giao, là cảm giác ấm áp mà tôi không bao giờ quên. Sau khi tôi cộng tác được khoảng 3 tháng, nhà báo Chánh Trinh hẹn tôi lên cơ quan để ra mắt hai người đàn ông khác, một ông thấp đậm có ánh mắt cương nghị và một ông cao gầy có nụ cười sảng khoái.

Nhà báo Chánh Trinh giới thiệu cho tôi biết ông Lê Nam Sơn - Tổng Biên tập và ông Phí Văn Điển - Giám đốc chi nhánh, và đề nghị với hai vị lãnh đạo: “Tui muốn em này cộng tác lâu dài với báo ta. Lưu Trọng Văn sẽ lo “Đi và viết”, còn em này lo mảng văn nghệ và đời sống giới trẻ”.

Sau những câu trao đổi vui vẻ, ông Phí Văn Điển tuyên bố chi trả phụ cấp hàng tháng cho tôi, còn ông Lê Nam Sơn dặn dò: “Cậu cứ yên tâm cộng tác với Chánh Trinh và Lưu Trọng Văn. Khi nào tốt nghiệp đại học thì về đây làm luôn!”.

Chánh Trinh tham gia biểu tình 'Ngày ký giả phải đi ăn mày' phản đối dự luật 10/10 bóp nghẹt tự do báo chí của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Chánh Trinh tham gia biểu tình "Ngày ký giả phải đi ăn mày" phản đối dự luật 10/10 bóp nghẹt tự do báo chí của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thời đôi mươi của tôi đã học hỏi được rất nhiều về nghề báo, từ nhà báo Chánh Trinh. Ông có cách làm việc và cách sinh hoạt khá đặc biệt.

Mỗi ngày, khoảng 10 giờ sáng, ông lái chiếc xe hơi cũ kỹ có tiếng máy nổ như một cơ sở xay xát gạo, tới cơ quan. Hành trang của ông là mấy tờ báo thể thao nước ngoài vừa phát hành và… một ổ bánh mì kẹp thịt.

Ông không nghỉ trưa, cứ làm việc say mê, đói thì gặm bánh mì. Đến 3 giờ chiều thì rời tòa soạn để đi uống cà phê, 5 giờ chiều thì ra sân đánh tennis. Sau bữa cơm tối thì ông đi… khiêu vũ, rồi về nhà xem bóng đá và viết bài đến nửa khuya.

Ngoài cái duyên trời ban, thì sở dĩ tôi được nhà báo Chánh Trinh quý mến vì ông cũng là người có máu văn chương.

Cái bút danh viết báo thể thao Chánh Trinh do ông ghép từ tên con trai Lý Quí Chánh và con gái Lý Quỳnh Kim Trinh, thì ai cũng biết. Thế nhưng, ít ai biết ông còn có bút danh Trung Dũng ghép từ tên hai con trai Lý Quí Trung và Lý Quí Dũng.

Bút danh Trung Dũng chủ yếu được ông dùng để dịch sách, mà tác phẩm tiêu biểu nhất là tiểu thuyết “Những con chim ẩn mình chờ chết”. Từ cuốn “The thorn birds” của nữ văn sĩ Úc - Colleen McCulough, ông đã dịch “Những con chim ẩn mình chờ chết” qua bản tiếng Pháp và in lần đầu ở Nhà xuất bản Trẻ năm 1988. 

Sau hơn 30 năm, “Những con chim ẩn mình chờ chết” của dịch giả Trung Dũng vẫn nằm trong những mục những cuốn sách bán chạy nhất của Nhà xuất bản Trẻ.

Và khi đã thân tình, nhà báo Chánh Trinh chia sẻ: “Tập thơ “Bài ca phía mặt trời” của em, hình thức không tương thích với nội dung. Lần sau in thơ, tui làm bìa cho em!”. Ông nói được và ông làm được. Khi tôi in tập thơ “Dốc gió” vào năm 1999, thì nhà báo Chánh Trinh đã chăm chút mỹ thuật cho cuốn sách của tôi rất mơ mộng và lãng mạn.

Nhà báo Chánh Trinh viết rất nhanh. Thuở ấy, vi tính chưa phổ cập lắm, ông chủ yếu viết bài trên giấy A4. Ông tự tính toán mỗi tờ A4 viết được 350 chữ, và cứ lia bút theo dung lượng cần thiết của mỗi bài báo.

Những ngày phụ ông làm Tin Nhanh Bóng Đá của báo Nông Nghiệp Việt Nam dịp World Cup 1998, tôi mới cảm nhận hết sức đọc, sức nghĩ, sức viết của ông. Trước mỗi trận đấu, ông đã tư duy trước đề tài, và phân chia chuyên mục. Mắt ông không rời màn hình truyền hình trực tiếp, và tay thì vẫn vẽ ma-ket cho từng trang.

Hết hiệp một, ông bốc điện thoại để… bình luận cho đài phát thanh hoặc đài truyền hình. Hết hiệp hai, ông cũng xong bài viết “đinh” cho số báo ngày mai và hoàn thành toàn bộ Tin Nhanh Bóng Đá để chuyển nhà in.

Làm Tin Nhanh Bóng Đá của Nông nghiệp Việt Nam, tôi và vài người khác chỉ qua một tuần đã rã rời, riêng ông vẫn hừng hực khí thế. Ông quan niệm rất rõ ràng về sự khác biệt cần thiết của sản phẩm báo chí. Mỗi ngày ông đều tư duy để Tin Nhanh Bóng Đá của Nông nghiệp Việt Nam phải khác Tin Nhanh Bóng Đá của các báo khác.

Nhà báo Chánh Trinh thuộc lòng tên tuổi và lai lịch mỗi cầu thủ, mỗi huấn luyện viên và đánh giá rất chuẩn xác ưu điểm lẫn khuyết điểm của mỗi đội bóng.

Có lần, ông và tôi đang trà thuốc chờ xem trận đấu sắp diễn ra, có một khách lạ bệ vệ mang gói quà đến tìm ông để… xin kết quả dự đoán. Hỏi mấy câu, biết gã đàn ông kia có ý định cá độ bóng đá, Chánh Trinh xua tay từ chối luôn: “Ông đừng nói thêm câu nào nữa. Tui rất ghét cờ bạc! Bóng đá không phải trò đỏ đen!”.

Chánh Trinh được cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tại nhà riêng vào năm 2003.

Chánh Trinh được cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tại nhà riêng vào năm 2003.

Nhà báo Chánh Trinh trải qua 3 cuộc hôn nhân. Năm 21 tuổi, ông kết hôn với người vợ thứ nhất Nguyễn Thị Quỳnh Nga, và sống chung được 23 năm. Người vợ thứ hai của ông là Trần Hồ Quang Ngọc Cúc, còn được biết đến với tên Cúc Phượng. Người vợ thứ ba Võ Thị Thanh Thủy nhỏ hơn ông có… 37 tuổi.

Sau khi thôi làm Thư ký tòa soạn của ấn phẩm Kiến Thức Gia Đình vào cuối năm 2001, nhà báo Chánh Trinh tập trung viết cuốn sách “Hồi ký không tên” dày 500 trang để tổng kết đời mình, được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2004. Nhà báo Chánh Trinh từ giã nhân gian ngày 3/3/2005, ở tuổi 65.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.