Xu hướng du lịch nông nghiệp
Ngày nay, rất nhiều du khách mong muốn được trải nghiệm lại những ký ức tuổi thơ như mò cua, bắt ốc, câu cá, hái rau, ăn, uống ngay tại sân vườn. Nắm bắt được nhu cầu này, cũng với mảnh vườn, luống rau, ao cá và vẫn là những công cụ đồng áng từ bao đời nay, nhưng đã được người nông dân tại huyện Củ Chi (TP.HCM) tận dụng, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để phục vụ du khách. Điều này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho mảng du lịch miệt vườn, mà còn mang đến ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 30 km, nhắc đến du lịch miệt vườn Củ Chi, người ta có thể nghĩ ngay tới xã Trung An. Nơi đây không chỉ được hệ thống sông Sài Gòn bao bọc, hệ thống kênh rạch chằng chịt, mà còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ, đất đai phù sa màu mỡ tạo nên những vườn trái cây trĩu quả, ngọt thơm với những hương vị khác biệt tạo thành điểm đến vô cùng hấp dẫn và lý tưởng cho mọi du khách.
Khác xa với những ồn ào, náo nhiệt, xô bồ chốn Sài thành, đến đây, du khách sẽ được thả mình vào trong không gian yên tĩnh của các khu vườn, tận hưởng các loại trái cây ngon do chính tay mình hái, thưởng thức các món ăn đặc sản tại địa phương do chính tay mình tự chế biến như khoai mì quết, cá lòng tong cuốn bánh tráng ăn kèm rau mớp muối chua, lẩu gà lá giang tiềm ớt hiểm…
Du khách còn được dầm mình dưới dòng nước trong mát của các con kênh, lội đìa bắt cá, được nghe đội đàn ca tài tử địa phương phục vụ các bài hát ca ngợi quê hương đất nước… Đặc biệt, đối với các người yêu thích nông nghiệp, tại đây họ còn được chính những người nông dân địa phương cung cấp những thông tin, kỹ thuật canh tác, được trải nghiệm thực tế các công việc đồng áng của người nông dân thực thụ, giúp họ hiểu hơn về nét đẹp lao động, nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An Đặng Văn Kên, mỗi năm, vào mùa thu hoạch (từ tháng 4 đến tháng 9), Trung An đón khoảng trên 50.000 lượt khách. Đa số khách đến từ các các quận huyện trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Hiện nay, hầu hết các nhà vườn tại địa phương đều canh tác theo hướng hữu cơ, tuy sản lượng có giảm so với sử dụng phân bón hóa học, bù lại thông qua việc bán sản phẩm từ vườn đến tận tay người tiêu dùng nên giá thành rất ổn định.
Mặt khác, với các dịch vụ đi kèm như ăn uống, vui chơi giải trí, nhà nông đã tăng thêm 70% lợi nhuận so với trước đây. “ Nhờ cách làm nông nghiệp kiểu mới này, mặc dù trung bình mỗi nhà vườn tại địa phương chỉ có hơn 1 ha đất nhưng mỗi năm thu nhập từ vài trăm đến vài tỷ đồng”, ông Kên tiết lộ.
Khi “ba nhà” chung tay làm du lịch
Không giống như các địa phương khác là người nông dân tự bơi để làm du lịch, điểm đáng chú ý tại Trung An là với phương châm “lấy nhà nông làm trung tâm”. Ngoài sự kết nối giữa nhà nông với nhà nông, ở đó còn có sự hiện diện của nhà nước với vai trò hà hơi tiếp sức, sự đồng hành của doanh nghiệp góp phần tuyên truyền quảng bá đưa ngành du lịch tại địa phương bay xa.
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2015, tổ cây ăn trái và du lịch sinh thái xã Trung An ra đời, đây là sự kiện đánh dấu sự liên kết giữa nhà nước, nhà nông và nhà doanh nghiệp bắt tay làm du lịch. Từ khởi đầu có 12 tổ viên, với diện tích canh tác chưa đến 10 ha, đến nay, tổ ngày càng lớn mạnh, số tổ viên đã tăng lên gần 30 thành viên với diện tích canh tác trên 30 ha.
Là một trong những thành viên đầu tiên gia nhập tổ cây ăn trái và du lịch sinh thái, nông dân Nguyễn Văn Tới cho biết, gia đình ông có 1,4 ha đất, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng lúa, thấy người dân địa phương trồng cây ăn trái kết hợp du lịch hiệu quả. Từ năm 2009, gia đình ông bắt đầu chuyển đổi để làm theo, tuy thu nhập có cải thiện nhưng do thiếu kinh nghiệm nên nhiều khách du lịch vẫn chưa biết đến địa điểm làm du lịch của gia đình ông. “Khi tham gia tổ cây ăn trái và du lịch sinh thái vườn, bên cạnh được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tôi còn được tổ cho vay vốn để xây dựng thêm các công trình phụ như nhà vệ sinh, đường đi… Từ đó, khách du lịch đến vườn ngày một đông, đặc biệt là vào tháng ba đến tháng bảy âm lịch hang năm, đến nay kinh tế đã vững, tôi giúp lại các tổ viên mới gia nhập để họ vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Tới phấn khởi nói.
Tổ trưởng cây ăn trái và du lịch sinh thái Huỳnh Văn Huệ cho biết thêm, khi vào tổ, thành viên trong tổ dễ dàng tiếp cận những chuyển giao và tiến bộ khoa học - kỹ thuật do các cấp các ngành tổ chức để ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm, dâu xanh,… bà con còn canh tác thêm các loại rau màu như lá giang, rau móp, chăn nuôi vịt gà để phục vụ bữa ăn “cây nhà lá vườn” cho thực khách. “Cùng với đó, tổ còn hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật trẻ hóa vườn cây già cỗi; xử lý các loại cây ăn quả ra hoa trái vụ nhằm phục vụ khách du lịch quanh năm thay vì chỉ vào mùa thu hoạch như trước đây”, ông Huệ Nhấn mạnh.
Đặc biệt, từ năm 2013, TP.HCM đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy kết nối giữa trung tâm Thành phố với huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi. Đây là một trong những sản phẩm trọng tâm của du lịch sông nước đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành và nhà đầu tư. Gần đây, việc đưa vào hoạt động tàu buýt sông Sài Gòn tăng thêm sản phẩm du lịch đường sông đã thu hút khách du lịch. Xã Trung An trở thành trung tâm kết nối giữa các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc theo sông Sài Gòn, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, các nhà doanh nghiệp đã không ngần ngại đầu tư, quảng bá hình ảnh du dịch miệt vườn tại địa phương, biến nơi đây thành điểm dừng chân lý tưởng trong các tour du lịch hành trình, tham quan khám phá của du khách.
Là một trong những đơn vị liên kết với tổ cây ăn trái và du lịch sinh thái Trung An, Giám đốc khu sinh thái giáo dục Về Quê, ông Huỳnh Đăng Nhựt Tâm cho biết, là đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch ngoại khóa dành cho các em học sinh. Bên cạnh các địa điểm của công ty xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi, nhằm giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với bên ngoài, tiến xa khỏi không gian giới hạn của lớp học, trải nghiệm thực tế, tìm hiểu thiên nhiên, kết hợp với vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao thể chất, các khu vườn tại Trung An chính là địa điểm lý tưởng mà đơn vị tin tưởng và thường xuyên đặt hàng.
Bên cạnh đó, để hà hơi tiếp sức cho phát triển du lịch, trong quá trình xây dựng NTM, xã Trung An đã linh hoạt triển khai hệ thống các tuyến đường giao thông nông thôn nối liền với các địa điểm du lịch, đồng thời tuyên truyền vận động người dân trồng hoa, cây cảnh ven đường tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ông Lê Trí Dũng Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết nhằm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, những năm qua xã đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị. Trong đó có chính sách hỗ trợ trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn, hỗ trợ nhà vườn mất mùa, hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật, tham quan,… để hướng tới xây dựng mô hình vườn cây ăn trái đạt chuẩn gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản như: Phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình vay vốn phát triển du lịch sinh thái vườn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân thành lập hình thức tổ chức sản xuất mới, trong đó có các HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.