| Hotline: 0983.970.780

Khan hiếm nước trở thành mối đe dọa nghiêm trọng của Trung Quốc

Thứ Ba 29/03/2016 , 13:35 (GMT+7)

Nước ngọt là nguồn tài nguyên thường xuyên bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực. Hiện nay trên thế giới có 1,1 tỷ người thiếu nước sạch và con số này có thể tăng lên mức 2,3 tỷ người vào năm 2015, theo dự báo của Viện nghiên cứu Arlington (Mỹ).

71% diện tích trái đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt. 70% nước ngọt lại “mắc kẹt” ở dạng các khối băng nằm tại Bắc và Nam cực hoặc nằm trong lòng đất, chỉ còn 1% tổng lượng nước ngọt toàn cầu nằm trong các hồ chứa và sông ngòi.

Nhưng dù khan hiếm, nước ngọt là nguồn tài nguyên thường xuyên bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực. Hiện nay trên thế giới có 1,1 tỷ người thiếu nước sạch và con số này có thể tăng lên mức 2,3 tỷ người vào năm 2015, theo dự báo của Viện nghiên cứu Arlington (Mỹ).

Trung Quốc có chưa đến 7% diện tích canh tác của thế giới nhưng phải nuôi sống 1,3 tỷ dân. Áp lực về nguồn nước ngày càng tăng và đến từ nhiều yếu tố: Việc phân bổ nước trong tự nhiên và các vùng canh tác rất không đồng đều giữa miền Bắc và miền Nam, đô thị hóa, tăng dân số, suy thoái môi trường và nhu cầu năng lượng, thủy lợi và nước sinh hoạt tăng lên rất nhanh

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Arlington cho rằng có nhiều vấn đề đối với cả Trung Quốc và thế giới, nếu Trung Quốc không quản lý nguồn nước với các cách thức bền vững. Muốn hiểu tình hình như thế nào, cần nhìn vào nguồn nước hiện có, thực trạng sử dụng cũng như những chính sách hiện tại và tương lai của Trung Quốc.

Nguồn nước hiện hữu

Nguồn nước của Trung Quốc đến từ các sông băng, nước mặt và nước ngầm. Tuy nhiên, vấn đề không phải là thiếu nước mà sự phân bổ không đều đã khiến cuộc khủng hoảng nước ở Trung Quốc thêm trầm trọng. Nước ở phía Bắc cực kỳ khan hiếm trong khi lại rất dư thừa ở phía Nam.

Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng (cao nguyên Thanh - Tạng), nằm ở phía Tây của Trung Quốc, có hơn 35.000 sông băng với diện tích khoảng 50.000km2. Sự tan chảy theo mùa của các dòng sông băng giúp sông ngòi Trung Quốc có nước.

Hoạt động theo mùa này, không may lại bị làm gián đoạn do khí hậu trái đất nóng lên. Cao nguyên Thanh - Tạng là khởi nguồn của hai con sông thuộc dạng quan trọng nhất Trung Quốc, sông Dương Tử và sông Hoàng. Một số con sông bắt nguồn từ đây chảy sang các nước láng giềng như sông Mekong (người Trung Quốc gọi là Lan Thương), sông Indus, Salween và sông Tarim.

Tổng lưu lượng nước trên các sông của Trung Quốc năm 2005 là 2,7 nghìn tỷ m3, xếp thứ 6 thế giới về lưu lượng. Nguồn nước mặt ở Trung Quốc được các dòng sông băng tan chảy theo mùa và các cơn mưa bổ sung. Tính theo năm 2006, hệ thống sông, hồ ở Trung Quốc được bổ sung lượng mưa 620mm.

Dương Tử là con sông dài nhất Trung Quốc và có lưu lượng nước lớn hơn bất cứ con sông nào ở nước này, chiếm 52% tổng lưu lượng.

Sông Hoàng, được coi là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, là con sông lớn thứ hai nhưng chỉ chiếm 2% tổng lưu lượng. Sông Dương Tử, sông Hoàng, Hắc Long Giang, Châu Giang, Hải Hà, Liêu Hà, Hoài Giang… chảy về phía đông, đổ ra biển Thái Bình Dương.

Các nhánh ở hạ lưu sông Hoàng là Hoài Giang và Hải Hà cung cấp nước cho vùng đồng bằng Hoa Bắc, là nơi tập trung các thành phố lớn nhất Trung Quốc, tập trung nhiều cơ sở công nghiệp và các vùng nông nghiệp cần nhiều nước nhất. Hai thành phố tiêu biểu của vùng này là thủ đô Bắc Kinh và thành phố cảng Thiên Tân. Đồng bằng Hoa Bắc có 65% diện tích đất nông nghiệp của đất nước và do đó cần tới hệ thống thủy lợi rộng lớn, tận dụng hệ thống nước ngầm để phục vụ tưới tiêu.

Ngoài hệ thống sông ngòi, Trung Quốc có khoảng 2.800 hồ với diện tích 80.000km2. Các hồ nước ngọt lớn như Thái Hồ (thông với Đại Vận Hà, còn sông nhân tạo cổ đại, có từ thế kỷ 5 trước Công nguyên), Sào Hồ và Điền Trì là quê hương của nhiều loài động thực vật thủy sinh, không chỉ là nguồn nước quan trọng mà còn là nguồn thực phẩm đáng giá. Trung Quốc từng có 4.077 hồ nhưng một nửa đã biến mất trong vài thập kỷ gần đây do nhu cầu nước gia tăng, trái đất nóng lên và việc chuyển đổi hồ thành ruộng lúa.

Khi các dòng sông chảy qua đồng bằng, nước thẩm thấu sâu vào lòng đất để thành nước ngầm. Nước ngầm cung cấp nước uống cho gần 70% dân số, cung cấp nước tưới cho khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp. Các mỏ nước ngầm đặc biệt quan trọng đối với vùng phía Bắc khô cằn. Gần một nửa lượng nước của miền Bắc Trung Quốc là nước ngầm. 60% diện tích đất được tưới tiêu sử dụng nước ngầm.

Cơn khát của 1,3 tỷ dân 

Trung Quốc với 1,3 tỷ người là nước đông dân nhất thế giới và dân số nước này đến năm 2030 sẽ tăng lên 1,5 tỷ dân, theo các nhà dân số học của Liên hợp quốc.

10-46-19_glcier
Một sông băng trên cao nguyên Thanh-Tạng (Ảnh: sbs.com.au)

Cùng với quy mô và sự tăng dân số là nhu cầu về nước sinh hoạt. Mức nước sử dụng tính theo đầu người có liên hệ chặt chẽ với mức thu nhập và tỷ lệ đô thị hóa: Thu nhập cao, sống tại khu vực đô thị, người ta có xu hướng dùng nước nhiều hơn. Thêm vào đó, khi càng sung túc, người ta càng có xu hướng ăn nhiều thịt, trái cây và các loại rau. Điều đó có nghĩa là sẽ cần thêm nhiều nước để sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp đắt tiền đó, thay vì sản xuất ngũ cốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nước ngọt trong tương lai gần.

Sự dịch chuyển dân số từ các vùng nông thôn về thành thị cũng góp phần tăng nhu cầu sử dụng nước. Người ta dự báo, tới năm 2030, 50% dân số Trung Quốc, tức là hơn 700 triệu người, sẽ sống ở các đô thị. Khi người dân dần chuyển thành cư dân đô thị, hàng trăm triệu người sẽ chuyển từ nguồn nước nguyên thủy của họ là các giếng làng qua dùng nước máy trong các cao ốc với hệ thống bơm nước, vòi hoa sen và xí bệt. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu sử dụng nước của các đô thị ở Trung Quốc tăng 60%, khiến tình trạng khan hiếm nước trở thành mối đe dọa nghiêm trọng.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Bình luận mới nhất