| Hotline: 0983.970.780

Nước và nguồn nước luôn là vấn đề sống còn ở Trung Quốc

Thứ Hai 28/03/2016 , 13:21 (GMT+7)

Nước là nguồn tài nguyên mà ai cũng cần. Nước cần cho công nghiệp, cho nông nghiệp và cho cuộc sống của mọi người. Khi khủng hoảng nước xảy ra, không gì có thể thay thế nước. NNVN xin giới thiệu loạt bài 'Những cuộc khủng hoảng nước'.

Nước và nguồn nước luôn là vấn đề sống còn ở Trung Quốc. Quốc gia này luôn phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa mong muốn đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Liệu cải cách chính sách và công nghệ mới có giúp giải quyết vấn đề?

Trong một thế giới ngày càng khan hiếm nước, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển nhanh. Khi các nước châu Âu và châu Mỹ chững lại hoặc thậm chí giật lùi kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc vẫn tiến lên. Các dòng tít về nền kinh tế này luôn gây sốc: Kể từ đầu những năm 1990, GDP tính trên đầu người của nước này tăng trung bình 8,9%/năm và gần 600 triệu người thoát khỏi đói nghèo, theo tờ Guardian của Anh.

Nông nghiệp - động lực tăng trưởng

Nhưng có lẽ điều ít người biết là tăng trưởng của Trung Quốc lại được khởi động từ các khoản đầu tư vào nông nghiệp. Nhờ đó, nền kinh tế nông thôn rộng lớn được kích thích phát triển và khi người dân ở nông thôn Trung Quốc trở nên giàu có hơn, họ thường chuyển đến sống ở các thị tứ hay thành phố, tạo thành các siêu đô thị toàn nhà chọc trời như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thiên Tân, Trùng Khánh…

Trong khi đó, nền kinh tế nông nghiệp Trung Quốc cũng phát triển nhanh. Mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh và một nền kinh tế lấy động lực chính từ công nghiệp, đất nước này vẫn sản xuất nông nghiệp đủ để nuôi sống hơn 20% dân số thế giới. Theo phân tích của một chuyên gia độc lập, duy trì khả năng tự cung tự cấp đủ nhu cầu lúa mỳ và gạo vẫn được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho là đặc biệt quan trọng, ngay cả khi sản lượng ngũ cốc nhập khẩu để chăn nuôi tăng vọt trong những năm gần đây.

Nhưng tất nhiên là nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng nông nghiệp phía bắc khô hạn, rất cần nước. Nhà nghiên cứu Roger Calow, phụ trách chương trình Chính sách về nước thuộc Viện Phát triển hải ngoại-ODI (Anh) cho rằng, trong bối cảnh cách khu vực kinh tế khác cũng tăng trưởng mạnh, tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng. Những diễn tiến này đẩy Đảng Cộng sản Trung Quốc vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Làm thế nào đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập của nông dân trong khi vẫn phải lấy nước cấp cho các thành phố đang khát cả về nhu cầu công nghiệp, cả trong sinh hoạt của người dân và cơn khát ngày càng trầm trọng?

Tính theo bình diện toàn cầu, khoảng 70% lượng nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, 20% phục vụ công nghiệp và sinh hoạt và 10% phục vụ việc phát điện (tỷ lệ nước cho thủy điện đang tăng lên).

“Nông nghiệp cần nhiều nước và trong một nền kinh tế đang tăng trưởng, việc phân bổ nước, “ai được bao nhiêu”, là câu hỏi rất quan trọng cả về yếu tố kinh tế lẫn chính trị”, ông Calow viết.

Theo ông, nếu xét theo tư duy kinh tế, nước cần được phân bổ cho những ngành mang lại lợi nhuận cao nhất và tất nhiên không phải nông nghiệp. Nhưng các hiệp hội ngành nghề nông nghiệp thường có tiếng nói chính trị quan trọng ở nhiều quốc gia và trong trường hợp Trung Quốc, tính chính danh của Đảng Cộng sản đang bị áp lực bởi chăm lo đời sống của cộng đồng nông dân đông đảo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự ổn định của xã hội 1,3 tỷ dân.

Nước quý hơn vàng

Đối mặt với tình thế khó này và nhận thức rằng không thể đổ tiền đầu tư phát triển thủy lợi với nguồn nước không thay đổi, Trung Quốc chuyển qua tập trung quản lý nguồn nước hiện hữu, điều phối các loại nhu cầu về nước. Và nước này đã có những tiến bộ đáng kể, theo đánh giá của ODI, mặc dù có những vấn đề khác như suy thoái môi trường.

13-31-48_xingping-frmer-portrit
Ổn định đời sống nông dân là nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ Trung Quốc (Ảnh: Tân hoa xã)

Trước đây, chìa khóa của vấn đề nước trong nông nghiệp mà các nhà hoạch định Trung Quốc thi hành là “nâng cao sản lượng trên mỗi đơn vị nước”. Nghĩa là dùng cùng một lượng nước như trước nhưng sản lượng phải cao hơn trước. Sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc tăng hơn 200% kể từ năm 1990. Diện tích được tưới tiêu tăng hơn 30%, sản lượng nông nghiệp trên đầu người tăng trên 10%. Tuy nhiên trong cùng thời kỳ, lượng nước trên mỗi hecta đất tưới tiêu giảm hơn 20%.

Mặc dù có tiến bộ, tuy nhiên nông nghiệp vẫn tiêu thụ 60% tổng lượng nước ngọt và Chính phủ Trung Quốc đã và đang phải miễn cưỡng thi hành các quy định chặt chẽ hơn về sử dụng nguồn nước, điều này có thể gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đây là điều rất nhạy cảm ở một quốc gia từng bị nạn đói hoành hành, lần gần đây nhất là thập kỷ 1950.

Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc cũng phải vừa làm vừa dò, thử nghiệm với nhiều phương án. Ví dụ, ở khu tự trị Nội Mông phía bắc, chính quyền đưa ra một dự án chuyển nước với mục tiêu làm giảm cơn khát của các vùng công nghiệp ở vùng hạ lưu sông Hoàng.

Dự án này thực chất là các hoạt động tận dụng nước sử dụng trong nông nghiệp để chuyển về các vùng hạ du. Chí phí do các khu công nghiệp, các nhà máy sử dụng nước bù đắp. Tính đến cuối năm 2014, khoảng 170 triệu m3/năm đã được thu gom và chuyển tới các vùng có nhu cầu, giúp cả nông dân lẫn người làm công nghiệp vui vẻ.

Chính quyền cũng đang thiết lập một ngân hàng nước để mua lại “quyền sử dụng nước” của những nơi chưa dùng hết, chuyển giao chúng cho những nơi, những đối tượng có nhu cầu. Theo lời một quan chức Trung Quốc, “chúng ta không thể thay đổi giá nước áp dụng với nông dân. Giá này là cố định (khoảng 300 đồng/m3). Nhưng chúng ta có thể giúp nông dân sử dụng ít nước hơn và đảm bảo nước được chuyển đến những người thực sự cần”.

Nhiều giải pháp khác cũng đang phát huy tác dụng. Ở vùng đồng bằng Hoa Bắc, nơi có diện tích canh tác quan trọng, là khu vực dân cư đông đúc, người ta đang ứng dụng các kỹ thuật cảm biến từ xa đầy tinh vi giúp giảm thất thoát nước ngầm.

Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc là rất lớn và nước này không thể giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.