Sau nhiều năm lập nghiệp ở Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), ông Phạm Quang Nhuệ, Giám đốc Công ty TNHH Long Hải đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn cao cấp.
Trước đây, ông Nhuệ được đi tham quan một số vùng nông thôn các tỉnh phía nam Trung Quốc và xem quy trình sản xuất cũng như tình hình tiêu thụ một số loại nấm ăn như kim châm, đông cô... Từ đó, ông nảy ra ý tưởng sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Bởi ông thấy nguyên liệu làm cơ chất tạo quả thể nuôi trồng nấm đều là phụ phẩm sau thu hoạch và chế biến của sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, lõi ngô, bã mía, cám gạo, bột ngô... luôn sẵn có ở vùng nông thôn Đông Triều.
Đầu năm 2003, ông Nhuệ đã đầu tư 1.500m2 hệ thống nhà, xưởng sản xuất nấm ăn cao cấp tại Cụm công nghiệp Kim Sơn (Thị xã Đông Triều). Sản phẩm nấm ăn được sản xuất theo phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học, yêu cầu môi trường sản xuất như phòng thí nghiệm, phòng khử trùng bằng tia cực tím, phòng máy tạo ozôn (O3), hệ thống phòng nuôi sợi nấm, phòng thúc mầm, phòng hãm và phòng phát triển nuôi cấy nấm (phòng quả thể)... phải đảm bảo chống được tạp khuẩn và các bệnh hại do sinh lý của thân, mầm nấm gây ra.
Ông Nhuệ chia sẻ, việc nuôi trồng nấm theo công nghệ sinh học có thành công hay không là nhờ khoa học và công nghệ. Xác định rõ điều đó, Công ty luôn đổi mới, vận dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.
Năm 2020, Công ty đã đưa vào vận hành dây chuyền tự động sản xuất nấm theo công nghệ sinh học trong nhà lạnh của Nhật Bản. Ưu điểm của dây chuyền này là mọi yếu tố từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng đều được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc cấy giống chuyển từ cấy thể rắn thủ công trước đây sang cấy tự động bằng dịch thể, vừa đảm bảo tính vô trùng, vừa thẩm thấu sâu giúp cây nấm phát triển tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ lại được hàm lượng vi chất cao hơn nhiều lần so với nấm trồng theo các phương pháp thông thường. Ngoài ra, dây chuyền tự động hoá đã giảm bớt nhân công và thời gian để phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhà lạnh vào trồng nấm đã khắc phục tình trạng sản xuất theo mùa vụ, sản phẩm nấm được cung cấp quanh năm. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất được nhập trực tiếp từ Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN-PTNT).
Hiện nay, Công ty đang tập trung sản xuất 4 sản phẩm chính là nấm kim châm, đùi gà, trà tân và sò tím mùa hè, sản lượng trung bình 600 tấn/năm. Đợt thi nâng hạng sao cuối tháng 10/2020, sản phẩm nấm kim châm của Công ty đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Nhuệ cho biết, định hướng trong năm tới và các năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, nghiên cứu lựa chọn các giống nấm tốt nhất để phù hợp với các giá thể của nguyên liệu phụ phẩm sau thu hoạch, phát triển tốt dưới điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Công ty thu mua, tận dụng các phụ phẩm sau thu hoạch của nông dân đã đem lại lợi ích khácm đó là sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ngô thì trên đồng ruộng không còn tình trạng bà con nông dân đốt rơm rạ, thân cây ngô... gây khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường. Các gói phụ phẩm cơ chất làm quả thể nuôi nấm, sau khi thu hoạch nấm, đưa ra phơi khô và được chuyển lại đồng ruộng tạo mùn, tăng độ phì cho đất.
Hiện tại, sau một thời gian sản xuất thành công các loại nấm ăn cao cấp, Công ty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký mã số, mã vạch và đăng ký bản quyền tại Bộ KH-CN để khẳng định chất lượng sản phẩm cũng như xuất xứ hàng hoá.
Sản phẩm của Công ty đến nay không chỉ đáp ứng thị trường trong tỉnh mà đã hình thành hệ thống nhà phân phối lớn ở TP Hà Nội, Hải Phòng và phía nam là TP.HCM...