| Hotline: 0983.970.780

Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo, tạo sinh kế dài lâu

Thứ Hai 15/08/2022 , 11:10 (GMT+7)

Sau nhiều thất bại, cuối cùng anh Nguyễn Công Hiệu cùng nhóm bạn đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo, thu hàng triệu đồng mỗi kg nấm.

Anh Hiệu thành công với mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Hiệu thành công với mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Trồng thành công dưới tán rừng keo lai

Năm 2017, anh Nguyễn Công Hiệu (43 tuổi, trú tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng một nhóm bạn đã chọn cây nấm linh chi đỏ để trồng thực nghiệm dưới một số tán rừng tự nhiên, rừng trồng và cả dưới tán các cây nông nghiệp. Khi nấm mọc lên ở nhiều môi trường khác nhau, anh Hiệu đã mang sản phẩm đi kiểm tra về hàm lượng dưỡng chất cũng như hàm lượng dược tính để chọn ra môi trường thích hợp nhất cho việc canh tác lâu dài. Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng, anh cùng nhóm bạn đã chọn trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai.

Anh Hiệu cho biết, năm 2017, anh chung vốn với nhóm bạn mua hơn 40ha đất và trồng keo lai tại huyện Chư Păh. Tận dụng rừng keo này, anh đã thử nghiệm trồng nấm linh chi dựa theo mô hình của một vị giáo sư chuyên ngành.

Để thực hiện được mô hình này, nhóm của anh Hiệu đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chuyển giao, tích lũy nhiều kiến thức canh tác nấm. Ban đầu, anh trồng nấm dưới tán cây bơ nhưng không hiệu quả vì lá, tán cây bơ rậm, che mất nhiều ánh sáng khiến nấm trồng kém phát triển. Ngoài ra, chi phí nhân công chăm sóc, làm cỏ lớn. Trong khi đó, nấm trồng dưới tán cây keo đạt tỷ lệ sống tới 98%, cao hơn rất nhiều so với trồng trong nhà kính và ở các môi trường khác.

Nấm linh chi đỏ rất phù hợp trồng dưới tán rừng keo lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Nấm linh chi đỏ rất phù hợp trồng dưới tán rừng keo lai. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau nhiều thất bại, năm 2022, nhóm anh Hiệu đã quyết định chọn tán cây keo để trồng gần 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha. Theo anh, dưới tán keo ít cỏ mọc, dễ vệ sinh. Ngoài ra, nhựa của lá keo rụng xuống cũng rất tốt cho đất nuôi phôi nấm. Đặc biệt, chất lượng nấm linh chi đỏ trồng dưới tán keo lai vượt trội vì được chăm sóc bài bản, thu hoạch đúng thời gian, dinh dưỡng cung cấp cho cây đầy đủ.

Nếu cây dược liệu quý này phát triển được dưới tán rừng thì đối với người dân địa phương, khi tham gia mô hình có thể vừa bảo vệ môi trường rừng, vừa phát triển kinh tế. Theo đó, mô hình đã mở ra những hướng đi mới cho việc phát triển dược liệu dưới tán rừng, mang lại kinh tế cho nhiều hộ dân nghèo quanh vùng.

500 nghìn đồng/kg nấm tưới

Sau khi thử nghiệm thành công và quyết định theo đuổi mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo, nhóm của anh Hiệu đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ, có trụ sở tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh.

“Để trồng 1ha nấm linh chi đỏ, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đây là quyết định khá mạo hiểm khi bỏ ra số tiền lớn để thử nghiệm. Nhiều người tỏ ra lo lắng, tuy nhiên nhóm chúng tôi vẫn quyết tâm, bởi chúng tôi có niềm tin”, anh Hiệu bộc bạch.

Sau hơn 4 tháng “thao thức cùng vườn nấm", nhóm anh Hiệu thu hoạch 1.000 phôi nấm đầu tiên với trọng lượng 50kg. Mỗi ký nấm tươi khi đó anh bán với giá 500 nghìn đồng, còn nấm phơi khô, hút chân không có giá 1,5 triệu đồng/kg. Cứ 4 tháng trồng nấm cho một đợt thu hoạch. Phải theo dõi, thu hoạch đúng thời điểm, tránh để nấm chuyển thành gỗ, mất đi hàm lượng dinh dưỡng quý.

Anh Hiệu cho biết: “Trung bình, tôi đầu tư 1.000 phôi với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Với 1.000 phôi, tôi sẽ thu hoạch khoảng 3 - 4 lần, tổng lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Thời điểm thu hoạch cần căn cho đúng để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng quý”.

Anh Hiệu hướng dẫn cho bà con trồng nấm linh chi đỏ, phát triển kinh tế. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Hiệu hướng dẫn cho bà con trồng nấm linh chi đỏ, phát triển kinh tế. Ảnh: Đăng Lâm.

Sau khi thu hoạch xong, nấm được làm sạch và sấy khô để có thể bảo quản trong một thời gian dài. Cứ một cân nấm tươi sẽ thu được hơn 400g nấm khô thành phẩm.

Hiện nay, nhóm anh Hiệu vừa trồng hơn 20.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1ha rừng. Dự kiến, đến cuối năm 2022, anh sẽ trồng thêm 20.000 phôi để mở rộng diện tích.

Hiện nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ đang hướng dẫn kỹ thuật cho bà con đồng bào trên địa bàn để mở rộng diện tích trồng nấm, phát triển kinh tế.

Anh Hiệu cho biết thêm, thời gian tới, sẽ chuyển phôi nấm để người dân trong vùng trồng thử nghiệm, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Đây là mô hình canh tác tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Mục tiêu của Hợp tác xã là liên kết, tạo điều kiện cho người dân 2 làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) có thêm việc làm và có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình này.

“Chúng tôi đồng thời liên kết với những hộ có rừng trồng hoặc có nhu cầu trồng nấm dược liệu để mở rộng sản xuất. Hợp tác xã sẽ cung ứng phôi giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Kinh phí đầu tư hỗ trợ ban đầu sẽ được khấu trừ khi người dân có sản phẩm bán cho Hợp tác xã”, anh Hiệu cho biết.

“Với 40ha keo đã đến tuổi khai thác, nếu chúng tôi khai thác và bán thì sẽ được một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định không khai thác vườn keo, mà để lại để trồng nấm linh chi dưới tán rừng, vừa mang lại nguồn thu nhập cao hơn, vừa giữa được rừng. Chúng tôi sẽ cùng với người dân có rừng trong khu vực nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng để bà con có sinh kế lâu dài, bền vững và ý thức tốt hơn với rừng”, anh Hiệu bộc bạch.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.