Sáng 26/10, sau cuộc họp trực tuyến ứng phó với cơn bão số 9 (bão Molave) của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017 gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn, vì vậy việc ứng bão số 9 tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo Công ty thủy nông bám sát lượng mưa, báo cáo UBND tỉnh để xem xét việc xả lũ như thế nào cho phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.
Đối với UBND các huyện, TX, TP, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản phải kiên quyết di dời dân đến nơi an toàn trước khi bão độ bổ.
“Hiện nay chúng ta có hơn 53 ngàn lồng bè. Do đó chúng ta phải vận động, di dời dân về nơi tránh trú an toàn, cần thiết phải sử dụng chế tài để di dời. Phải kiên quyết di dời dân, nếu để dân chết chúng ta là người có tội”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
Ngoài việc di dơi dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, theo ông Nguyễn Tấn Tuân, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 174 điểm có khả năng sạt lở cao, tập trung khắp các địa phương. Trong đó, tại TP Nha Trang có các điểm nguy cơ cao gồm xã Phước Đồng, Vĩnh Lương, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phương... huyện Vạn Ninh là khu vực dưới chân đèo Cả; TX Ninh Hòa là các vùng ven biển… Vì vậy, các địa phương cũng phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, di dời dân đến nơi an toàn.
Đối với huyện đảo Trường sa, các lực lượng quân đội, Biên phòng liên lạc với các đơn vị đóng quân nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền và chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ để phòng chống bão số 9.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai phân công ngay các đoàn đi kiểm tra các địa phương với phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lưu ý, sau bão hoàn lưu chắc chắn ảnh hưởng mưa lớn trên địa bàn. Mà mưa lớn Khánh Hòa dễ xảy ra sạt lở. Do đó, trong ngày hôm nay TP Nha Trang chỉ đạo cắt tỉa cành, khẩn trương khơi thông cống dọc các tuyến đường 23/10, đường 2/4, đại lộ Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng…Tương tự các địa phương trong tỉnh cũng phải triển khai như vậy.
Đối với ngành giáo dục theo dõi sát diễn biến cơn bão để có biện pháp kịp thời, tham mưu UBND tỉnh cho học sinh nghỉ học.
Đặc biệt, các lãnh đạo địa phương, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai phải giữ liên lạc 24/24 giờ để chỉ đạo ứng phó và khắc phục. Các cơ quan thông tấn báo chí thông tin liên tục diễn biến bão để giúp người dân chủ động, ứng phó…