Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre về mục tiêu cho hành trình chinh phục khát vọng phát triển mạnh mẽ xây dựng nền văn hoá và con người Bến Tre vươn lên làm cuộc “Đồng Khởi mới” trong phát triển kinh tế, xã hội.
Phương châm "hai chân, ba mũi"
Thưa ông, mục tiêu đặt ra cho hành trình chinh phục khát vọng phát triển mạnh mẽ, xây dựng nền văn hóa và con người Bến Tre vươn lên làm cuộc “Đồng Khởi mới” trong phát triển kinh tế, xã hội?
Mục tiêu cho hành trình chinh phục khát vọng phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bến Tre, đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng Khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo và nông nghiệp giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số.
Thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Phát triển Bến Tre về hướng Đông. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng; xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bến Tre đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu trên tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ trong tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó hết sức chú trọng xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, thân thiện, năng động, gia đình hạnh phúc - tiến bộ. Khơi dậy mạnh mẽ truyền thống Đồng Khởi, khát vọng vươn lên làm cuộc "Đồng Khởi mới" trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy quyết tâm, tinh thần tự giác, tự nguyện, ý thức trách nhiệm cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Đồng thời, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, tích cực trong việc đề xuất giải pháp và tham gia thực hiện có hiệu quả các tiêu chí thi đua trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực, theo phương châm hai chân, ba mũi. Hai chân, đó là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ba mũi, đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Tư duy "phải thay đổi"
Nhiều năm gần đây, Bến Tre đã kiên trì thúc đẩy tính chủ động, thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất. Cụ thể từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ông dự định sẽ tiếp sức cho chương trình này như thế nào?
Bến Tre luôn xác định nông nghiệp là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của tỉnh.
Đến nay, sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dần hoàn thiện và được nhân rộng.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được cải thiện và nâng cao, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Đạt được kết quả như trên, một phần là do toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn; một phần là do sự chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân trong việc triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Trung ương và của tỉnh.
Vấn đề đặc biệt cần kể đến là tư duy "phải thay đổi" của người nông dân trước xu thế phát triển của thị trường từng bước được nâng lên, nhận thức của người nông dân phải chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp ngày càng rõ ràng hơn.
Cụ thể, nông hộ đã cân nhắc, thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, tham gia hợp tác xã để được tư vấn, thông tin thị trường và hướng dẫn sản xuất, cũng như vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, để nắm bắt và đáp ứng yêu cầu của thị trường, nông dân đã chủ động, sáng tạo sản xuất ra nhiều loại nông sản có kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, có giá thành cao như bưởi hồ lô, dừa hình thỏi vàng, dừa bon sai... Có thể thấy, lối mòn trong tư duy "sản xuất cái mình có" của nông dân tỉnh Bến Tre đã ngày càng mờ đi, thay vào đó là lối đi mới "chủ động sản xuất sản phẩm mà thị trường cần".
Thời gian tới, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Bến Tre sẽ được gói gọn trong 32 chữ là “Nông thôn khang trang, xóm ấp văn minh; Nông nghiệp bền vững, sản xuất tập trung; Nông dân tri thức, đời sống sung túc; Quản lý thông minh, dân chủ tiến bộ”.
Trong đó, người nông dân có vai trò trung tâm, và nhận thức của người nông dân là yếu tố quyết định cho sự thay đổi này. Vì vậy, để tiếp tục thay đổi tư duy của nông dân, nông hộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, huy động sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của các đoàn thể và cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi sản xuất theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường; mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp và xuất khẩu.
Hai là, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, xã; tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tổ chức đưa nông dân đi nước ngoài để học tập và ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến.
Ba là, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân, đào tạo chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã, để quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ nông dân tỷ phú; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
Bốn là, tăng cường thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động tại nông thôn.
Năm là, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích con em nông dân về canh tác nông nghiệp thông qua ứng dụng kiến thức được đào tạo và các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Giai đoạn tới, Bến Tre phấn đấu vào nhóm phát triển khá của ĐBSCL cũng như cả nước (Top 30) với tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 là 8,5% - 9%, đến năm 2030 khoảng 12 - 13%. Vậy với vai trò người lãnh đạo cao nhất của tỉnh ông sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương thực hiện cuộc “Đồng Khởi mới” này như thế nào?
Để thực hiện đạt được chỉ tiêu trên, cá nhân tôi sẽ sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương thực hiện cuộc “Đồng Khởi mới” về phát triển kinh tế, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Thứ hai, hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, gắn với định hướng phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông, làm cơ sở thu hút đầu tư và tạo không gian phát triển mới.
Thứ ba, triển khai Đề án huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi và cấp nước ngọt; tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư cầu Rạch Miễu 2; tập trung đầu tư giai đoạn 1 tuyến động lực ven biển, chuẩn bị các điều kiện đầu tư cảng biển nước sâu.
Thứ tư, phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, công nghệ cao theo hướng liên kết, hợp tác, tiêu thụ gắn với du lịch; triển khai xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến và năng lượng; hoàn thành lấp đầy KCN Phú Thuận và đầu tư hạ tầng một số CCN để tạo ra năng lực sản xuất mới; đôn đốc và hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện gió, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1.500 MW điện gió được đấu nối vào lưới điện, chuẩn bị các điều kiện triển khai đầu tư dự án Điện khí hóa lỏng (LNG), đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 110 KV, 220 KV kết nối địa bàn 3 huyện biển.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tiếp cận và khai thác tối đa các cơ hội trong quá trình hội nhập, nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tổ chức triển khai Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, ưu tiên phát triển mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái, biển, giải trí - nghỉ dưỡng, nông nghiệp (sông nước miệt vườn); xây dựng sản phẩm đặc thù, thương hiệu du lịch tạo “sức hấp dẫn, độc đáo, đặc sắc riêng có” của Bến Tre. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và triển khai Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mới 5.000 doanh nghiệp và 100 doanh nghiệp dẫn đầu nhằm tạo ra nhiều giá trị mới.
Thứ bảy, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị đa chức năng ven sông, điểm dân cư nông thôn tập trung và các đô thị lấn biển; hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư triển khai ít nhất 500 ha các dự án phát triển đô thị; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội đã đặt nền móng và xây dựng Tầm nhìn chiến lược phát triển đến năm 2045 và kế hoạch hành động nhằm sớm đưa Bến Tre thoát khỏi tụt hậu, bứt phá vươn lên thành địa phương có mức phát triển khá trong khu vực và cả nước đến năm 2025. Thời gian này, theo ông phải làm gì để Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống?
Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh là kết tinh trí tuệ, thể hiện khát vọng, tính định hướng tổng quát cho chặng đường phát triển tỉnh nhà giai đoạn 2020 - 2025 đặt nền móng cho tầm chiến lược năm 2045. Thời gian qua, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, tổ chức nghiêm túc, chu đáo việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đây là bước đầu tiên có ý nghĩa quyết định tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Sau quán triệt, việc triển khai đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong thời điểm này, đòi hỏi sự phấn đấu và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận cả về ý chí và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống.
Trong thời gian tới, từng tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ chủ động, gấp rút hoàn thành xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, gắn với thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương, đơn vị; phân công, phân kỳ thời gian thực hiện cho từng mục tiêu, từng công trình, dự án để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, đoàn viên và Nhân dân nắm chắc, hiểu đúng, hiểu sâu Nghị quyết và các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội tạo sự đồng thuận thống nhất, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện; qua đó, nắm bắt được những nội dung mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn băn khoăn vướng mắc để kịp thời khắc phục giải thích, đả thông tư tưởng, tạo sự nhận thức thông suốt và sự đồng thuận cao.
Có thể nói, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ này sẽ đưa Nghị quyết Đại hội XI của tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) đi nhanh vào cuộc sống, đưa Bến Tre ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện thành công Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Xin cám ơn ông!