Chính vì vậy, TP.HCM đã chú trọng kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu vào.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) luôn giám sát bữa ăn của học sinh. |
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, thực phẩm sử dụng tại các đơn vị phục vụ cho căng tin, bếp ăn trong trường học được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau, chất lượng khác nhau và mức độ an toàn của thực phẩm đối với sức khỏe học sinh cũng khác nhau.
“Chính vì vậy, các bếp ăn tự tổ chức, suất ăn sẵn, căng tin trường học… là những điểm dễ bị ngộ độc do việc trà trộn thực phẩm kém chất lượng vào khâu chế biến vì mục tiêu lợi nhuận. Các loại hình cung cấp bữa ăn trong trường học cần được chú trọng bởi thế hệ tương lai của đất nước phải được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trong mọi vấn đề đời sống xã hội, đặc biệt là bữa ăn thường ngày. Bữa ăn của học sinh không chỉ đơn thuần là đảm bảo đủ lượng và chất mà còn phải sạch”, bà Diễm Thu chia sẻ.
Để đảm bảo ATTP trong trường học, thời gian qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã ký kết và triển khai Kế hoạch liên tịch với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (BQL ATTP) về bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố và từng bước nâng cao chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào.
Theo đó, kiểm soát chặt chẽ các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm…) và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm).
Các cơ sở cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học phải đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với từng loại thực phẩm cung cấp theo quy định.
Khuyến khích các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trong trường học sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của TP, cơ sở đạt các chứng nhận HACCP, ISO 22000:2005, VietGAP, GlobalGAP…
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với UBND các quận 3, 5, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh hỗ trợ chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm “Chuỗi thực phẩm an toàn” trong năm học 2018 - 2019 và đến năm học 2019 - 2020 đã thực hiện toàn bộ trên 24 quận/huyện tại các bếp ăn, cơ sở cung cấp thức ăn, căng tin tại các trường học trên địa bàn.
Là một trong những trường điểm của TP.HCM, nhiều năm qua, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) luôn chú trọng đến chất lượng bữa ăn cho các em học sinh.
Thứ 6 hàng tuần, Trường sẽ lên thực đơn cho bữa ăn bán trú của các em ở tuần kế tiếp dựa vào phần mềm bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng do Công ty Ajinomoto cung cấp với sự tư vấn về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia và được công khai viết trên bảng thông báo của trường cũng như trên trang web của trường.
Phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ăn trưa cùng con tại trường. |
“Để phục vụ bữa ăn bán trú cho hơn 1.600 học sinh, thực phẩm đầu vào dùng trong bữa ăn hàng ngày của các em đều thuộc những cơ sở trong danh sách chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Ban Quản Lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Thực phẩm khi tiếp nhận đều phải đảm bảo về trọng lượng, màu sắc, mùi vị cũng như phải có tem truy xuất nguồn gốc, dấu kiểm dịch…”, cô Nguyễn Thị Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn TP có 2.355 cơ sở giáo dục, trong đó có 1.381 trường Mầm non, 498 trường Tiểu học, 278 trường THCS và 198 trường THPT, cùng với 30 Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận, huyện. Trong đó có 1.396 trường có bếp ăn bán trú tự tổ chức; 334 trường sử dụng suất ăn sẵn do các cơ sở cung cấp thực phẩm; 1.081 đơn vị có căn tin trong trường học. |