| Hotline: 0983.970.780

'Khi nào ngừng thở, tôi mới ngừng hát Xoan'

Thứ Ba 30/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Gắn bó với hát Xoan từ 6 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch có công lớn đưa loại hình nghệ thuật này trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Số kiếp tôi như được định đoạt sẽ gắn bó với hát Xoan

- Thưa bà, nhiều người gọi bà với cái tên “bà trùm Xoan đất tổ”, cảm xúc của bà khi nghe danh xưng ấy là gì?

Hát Xoan đã có từ thời vua Hùng dựng nước, đến năm 2011 được liệt vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể khẩn cấp nhân loại. Tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì hát Xoan Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, lo vì nó là di sản văn hoá phi vật thể khẩn cấp. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả, đến năm 2017, hát Xoan được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi khi đó cũng được cộng đồng yêu quý, đặt cho cái tên “bà trùm Xoan đất tổ”.

Bà Lịch là một nữ kép trống đặc biệt của phường xoan An Thái. Ảnh: Gia Linh.

Bà Lịch là một nữ kép trống đặc biệt của phường xoan An Thái. Ảnh: Gia Linh.

Tôi cảm ơn tất cả cơ quan báo chí, cộng đồng xã hội đã công nhận những việc tôi làm, những điều tôi tâm huyết. Từ tình yêu giá trị di sản này, tôi có động lực truyền dạy hát Xoan, lan tỏa nó nhiều hơn tới cộng đồng. Số kiếp tôi như được định đoạt sẽ gắn bó với hát Xoan, gánh trên vai trách nhiệm với nó. 60 năm là quãng thời gian tôi cống hiến cho nghệ thuật, và nếu trời thương để sống khỏe, con số này chưa dừng lại ở đây. 

Khi được ghi nhận công sức mình bỏ ra, được mọi người yêu quý, tôi cảm nhận được sức sống bất biến của làn điệu hát Xoan từ thuở cha ông sẽ còn mãi, để đến khi về với đất mẹ, tôi không còn điều gì hối tiếc những thứ đã cống hiến cho nghệ thuật dân gian. 

Được biết, "kép trống" là những người trong trang phục áo the khăn xếp và là người đánh trống giữ nhịp cho các đào và kép (trong hát Xoan, nghệ nhân nữ được gọi là đào, nghệ nhân nam được gọi là kép). Bà là một kép trống đặc biệt – một nữ kép trống, bà đã bén duyên với vị trí này ra sao?

Tôi rất may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Xoan. Ông nội tôi là trùm hát, bố ruột tôi là trùm hát, đến đời tôi cũng là trùm hát. 

Mọi người thắc mắc vì sao bố tôi lại giao trùm hát cho tôi, dẫu theo thông lệ con trai là người nối dõi. Bởi tôi gần gũi ông và bố tôi nhiều hơn. Năm lên 6, tôi đã theo ông đi diễn ở các đình. Đến năm 14 tuổi thì được ông nội và bố truyền dạy làn điệu và cho theo các cuộc trình diễn hát Xoan trong các lễ hội ở đình làng.

Năm 13 tuổi tôi đã thuộc hết 14 quả cách (làn điệu) và trở thành đào nương trẻ tuổi nhất của làng được trình diễn trong lễ hội tại đình làng An Thái. Vì vậy nên tôi thẩm thấu rất sâu từng câu, từng chữ từng giai điệu của Xoan. Khi ông tôi mất, tâm nguyện của ông là giao lại toàn bộ làn điệu này cho tôi để tôi gìn giữ. 

Bà Lịch đã trở thành 1 đào nương từ khi còn nhỏ. Ảnh: Gia Linh.

Bà Lịch đã trở thành 1 đào nương từ khi còn nhỏ. Ảnh: Gia Linh.

Trước khi nhắm mắt, ông tôi nói sẽ gửi lại cho tôi toàn bộ các bản của các chặng, để tiếp nối truyền thông của cha ông và truyền lại cho những người quan tâm. Lúc đó, tôi nghĩ rất đơn giản, có nói lại với ông: “Cả đời ông, cả đời bố chẳng ai hỏi, đến đời con chắc cũng không ai hỏi thì đưa làm gì?”. Lúc đó, đúng là tôi có cãi lời ông và bố. Nhưng các cụ một mực muốn tôi giữ điệu hát Xoan, giữ thật cẩn thận. Chính điều đó giúp tôi thêm mạnh mẽ, dũng cảm, kiên cường giữ lại các giá trị đến cùng. 

Tôi là trùm phường, thừa kế tinh hoa từ cha ông để lại. Tuy mang phận nữ nhưng trách nhiệm cũng y như phận nam. Tôi thuộc và thẩm thấu âm nhạc, trống phách. Tôi cảm thấy mình có “mối duyên đặc biệt” với phách trống nên tôi có thể cảm nhận từng nhịp trống dễ dàng. Kép trống giống như một người nhạc trưởng, phải am hiểu, giúp các nghệ nhân khác ca hát thoải mái. Tất cả trí tuệ, tình yêu của tôi dành cho hát Xoan. 

Đưa hát Xoan vượt qua binh lửa, tiến tới thời vàng son

- Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian đã xuất hiện thời vua Hùng dựng nước. Trải qua hơn 60 năm gắn bó với nghề, chứng kiến những thăng trầm của phường Xoan, với bà đâu là những giai đoạn quan trọng, mang tính bước ngoặt trong chặng đường nghệ thuật của bản thân?

Trước khi nhắm mắt, ông tôi nói thế này: “Ông và bố gửi lại cho con tất cả những bài bản này, sau này ai hỏi đến, hãy đưa cho họ, nếu không sẽ rất phí”. Chính câu nói đó giúp tôi thêm mạnh mẽ, dũng cảm, kiên cường giữ lại các giá trị đến cùng. Đó là giây phút tôi không bao giờ quên.

Sau này, tôi thay bố thành lập phường Xoan, hợp nhất 3 phường. Hiện nay phường xoan của tôi có 117 thành viên, em nhỏ tuổi nhất 4 tuổi, cao tuổi nhất đã 94, có 5 thế hệ tiếp nối. Tôi xin khẳng định hát Xoan luôn được tiếp nối và không thể mất được. 

Hát Xoan được các nghệ nhân trình diễn tại đình An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ. Video: Minh Toàn - Ngọc Mai.

Hiện nay, mỗi năm, tỉnh Phú Thọ quan tâm mở 4 lớp cho kế cận nghệ nhân, ngoài ra còn có lớp cộng đồng cho các em học sinh, người trẻ, những người yêu thích hát Xoan. 

Thế hệ trẻ ở Phú Thọ không còn tình trạng không biết hát Xoan nữa. Hầu như đơn vị nào cũng biết hát Xoan. Hát Xoan được đưa vào trong nhà trường, từ tiểu học đến đại học. Các giáo viên dạy nhạc hàng năm được chúng tôi truyền dạy tại tỉnh, mỗi năm 2 lớp. 

Hiện tại hát Xoan có 34 CLB cấp tỉnh, 66 nghệ nhân, hàng trăm CLB cấp huyện và cấp xã. Nói chung, hát Xoan Phú Thọ hiện nay được phát triển rộng rãi. Hiện nay chúng tôi đang phục vụ du khách, đây được coi là điểm du lịch lớn nhất ở tỉnh Phú Thọ. Khách quốc tế nhiều châu lục đến Phú Thọ đều nghe hát Xoan, số lượt trình diễn của chúng tôi nhiều không đếm xuể. Các CLB trình diễn tốt sẽ được đi lưu diễn thường xuyên. Đây là cách chúng tôi quảng bá du lịch, chúng tôi dành nhiều tâm huyết và mong muốn truyền tải giá trị truyền thống tốt đẹp tới tất cả mọi người. 

Mốc thời gian 8:05 ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ được tổ chức UNESCO vinh danh, khẳng định hát xoan cần được bảo vệ khẩn cấp và năm 2017 khi hát Xoan thoát khỏi danh sách khẩn cấp là những giây phút mà tôi không bao giờ quên được.

Bà Lịch tự hào khi nhắc về hát Xoan nói chung và phường Xoan An Thái nói riêng. Ảnh: Minh Hiếu.

Bà Lịch tự hào khi nhắc về hát Xoan nói chung và phường Xoan An Thái nói riêng. Ảnh: Minh Hiếu.

- Bản thân là 1 người sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài của nhân dân ta, bà và phường Xoan đã vượt qua thời kỳ binh lửa này như thế nào ạ?

Trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, giặc Pháp giặc Mỹ tàn phá nhưng đình làng vẫn còn đó. Tất cả dân làng luôn ra đây để tri ân công đức tổ tiên, tiếng hát Xoan âm thầm lặng lẽ sau lũy tre làng, tuy không rầm rộ. Kỉ niệm thời chiến thì nhiều lắm. Thời chống Mỹ, dưới sân thì tiếng hát, trên đầu là tiếng máy bay bay vèo vèo, mọi người đều im lặng, nằm xuống tại chỗ đợi máy bay đi xa. Mỗi lần nhắc lại về điều này, tôi đều cảm thấy xúc động. Do chiến tranh mà những buổi trình diễn “mất mát” đi phần nào. 

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật gắn liền với lễ hội bị mai một. Để tiếp nối và gìn giữ những làn điệu Xoan, tôi vẫn tự tập luyện và truyền dạy hát Xoan tại nhà, phường hoặc trong khi lao động, nhờ vậy mà mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn được duy trì. Đã vậy, hồi đó để truyền dạy cũng vất vả không kém. Tôi nhớ mình phải mang cả bánh kẹo của nhà đi để dỗ dành các em nhỏ theo học hát, khổ lắm nhưng không từ bỏ. 

Nghe tiếng máy bay rất sợ, nhưng vì lòng yêu tiếng hát Xoan, và nó gắn liền tín ngưỡng thờ cúng nên người dân chúng tôi quyết giữ gìn để ngày nay được thế giới biết đến. Đó là điều cốt lõi, tình yêu, sự quyết tâm của chúng tôi. 

- Được biết, vào năm 2011, khi hát Xoan được đưa vào danh sách di sản đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, bà là 1 trong 7 nghệ nhân ít ỏi còn lại có khả năng thực hành nguyên bản tất cả những điệu Xoan cổ. Đứng trước trọng trách đó, bà đã làm cách nào để “bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống”?

Sau nhiều năm chờ đợi, tôi vô cùng phấn khởi và không bao giờ quên được mốc son đó. Vào 8:05 ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ được tổ chức UNESCO vinh danh, khẳng định hát xoan cần được bảo vệ khẩn cấp. Bằng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, hát Xoan vẫn luôn được bảo tồn. Tôi vừa mừng vừa lo và thấy trách nhiệm của mình ngày một lớn hơn. Bởi vì khi đã được công nhận là nghệ nhân nhân dân, chức danh đó đâu phải chỉ để đó. 

Hiện nay, có những người như tôi chưa nhận được bằng đã ra đi, hoặc như chúng tôi cũng chưa nhận được trợ cấp từ tỉnh. Tiếng nói của báo chí rất quan trọng, tôi hi vọng người dân Việt Nam có thể cùng lên tiếng để giúp đỡ chúng tôi, tiếp thêm động lực cho chúng tôi gìn giữ di sản này. 

Bản thân tôi và các nghệ nhân luôn ý thức được việc gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Đã thoát khẩn cấp rồi, chúng tôi kiên định giữ gìn đến cùng, để nó phát triển, chạm tay tới quốc tế. Ví dụ như các lớp kế cận nghệ nhân, truyền dạy cho người dân như tôi đã nhắc tới. Cứ đến mùa hè, khi các em các cháu có thời gian rảnh, tôi mở lớp dạy hát Xoan tầm 10 ngày/khóa. Hiện tại, con em quê chúng tôi hát Xoan và trình diễn rất tốt. 

Vào đúng 8h ngày 17/12/2017, hát Xoan Phú Thọ thoát khẩn cấp, chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện cho nhân loại, xướng danh tại đảo Seoul Hàn Quốc. Đó là mốc son lịch sử mà chúng tôi, những người con Phú Thọ luôn ghi nhớ, gìn giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển.

Từng giờ, từng phút, tôi yêu tôi mong hát Xoan được hội nhập, chạm đến khán giả quốc tế. Tôi vẫn nhớ ngày chúng tôi đợi chờ, dõi qua màn hình tại nhà tôi vào năm 2017, tôi và mọi người đã òa lên vì quá mừng. Hát Xoan Việt Nam được thế giới vinh danh, mà trong 36 bộ hồ sơ, hồ sơ hát Xoan không cần thẩm định. Khách quốc tế rất thích thú khi xem chúng tôi trình diễn tại đình, dù trang phục mộc mạc, đi chân trần nhảy múa. Không đàn sáo, chỉ có trống và phách thôi. Nhịp trống chỉ cần sai 1 chút thôi là sai ngay cả bài, bởi vậy cần có sự ăn nhập của tất cả nghệ nhân.  

Ước vọng hát Xoan sống mãi với thời gian

- Được biết, phần lớn các nghệ nhân tại phường Xoan An Thái đều xuất thân từ nông dân và nông nghiệp vẫn là hoạt động sản xuất kinh tế chính của vùng. Vậy làm thế nào để bà nói riêng và các nghệ nhân trong phường nói chung cân bằng được thời gian giữa hoạt động nghệ thuật và hoạt động sản xuất kinh tế?

Người ta có câu: “Sáng làm nông dân, chiều về làm nghệ nhân”. Có nhiều lúc đang làm ruộng, mà du khách tới, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ hát Xoan. Tính tôi rất kỷ luật, một là một hai là hai, yêu cầu tất cả các nghệ nhân có mặt đúng giờ quy định để chuẩn bị chu đáo nhất. 

Bà Lịch cảm thấy không còn điều gì hối tiếc trong chặng đường bảo tồn và phát triển hát Xoan. Ảnh: Gia Linh.

Bà Lịch cảm thấy không còn điều gì hối tiếc trong chặng đường bảo tồn và phát triển hát Xoan. Ảnh: Gia Linh.

Làm ruộng là chính, khi nào có đoàn về, cần biểu diễn thì chúng tôi diễn, không thì cứ loanh quanh việc đồng áng thôi. Cứ ngày đang đi cấy này, hay đang làm bất cứ cái gì mà có điện có khách về là cũng rửa tay, rửa chân lên bờ để đi diễn. Nông dân và nghệ nhân chỉ cách nhau khoảnh khắc thế thôi… (bà Lịch cười). 

- Giới trẻ đã và đang đón nhận di sản văn hoá phi vật thể hát Xoan, tiếp cận giai điệu truyền thống bằng cách làm mới chúng. Theo bà, điều này có ảnh hưởng đến những giá trị nguyên bản của hát Xoan hay không? 

Chính bản thân tôi cũng đề nghị các nhà nghiên cứu có thể đặt lời mới để phù hợp với đời sống mới, nhưng vẫn trong khuôn khổ giai điệu truyền thống. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta cứ giữ khư khư những điều đã cũ thì có lẽ chưa phù hợp với đời sống hiện nay. Câu trả lời tôi nhận lại là sự bình tĩnh, bởi hơn ai hết, chúng tôi cũng lo sợ rằng thế hệ trẻ có thể chưa đủ thẩm thấu để làm mới chúng, ảnh hưởng đến giá trị di sản. 

Nhưng chúng ta hãy cứ bình tĩnh, để thời gian trả lời. Như ca sĩ Hà Myo từng lên An Thái gặp chúng tôi, đưa lời hát Xoan vào ca khúc của cô ấy, tôi thấy không có vấn đề gì. Quan điểm của tôi là những gì xa xưa đã nằm trong tủ kính, mãi mãi không phai mờ. Nhưng nếu có thể, các nhà nghiên cứu hãy xem xét để hát Xoan hòa nhập với hiện nay hơn, sống muôn đời với sự phát triển của nhân loại. 

- Cho tới thời điểm hiện tại, liệu còn điều gì khiến bà hối tiếc với "sứ mệnh" gìn giữ, bảo tồn và phát huy những câu hát, làn điệu Xoan mà cha ông để lại hay không?

Tôi khẳng định bản thân không còn điều gì để hối tiếc. Khi đời ông đời cha tôi chưa làm nổi bật được, tôi đã làm được. 3 phường thành 1 phường, tôi là trùm phường, đó là điều tôi có thể ngẩng mặt tự hào. Được dân tin tưởng, Đảng và nhà nước tin tưởng, tôi làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Khi nào ngừng thở, tôi mới ngừng truyền dạy hát Xoan. Con trai tôi sẽ kế thừa, trở thành trùm phường hát Xoan. Tôi sẽ bàn giao lại cho con trai tôi.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.