Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 5 - 6 ở khu vực Bắc Bộ, từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Hiện dung tích các hồ toàn vùng Bắc Trung Bộ chỉ đạt từ 54 – 73% dung tích thiết kế (DTTK), đồng nghĩa khoảng 9.000 – 14.000 ha canh tác không đủ lượng nước tưới cần thiết. Trên tình thần đó đòi hỏi phải điều chỉnh thời vụ, giãn tiến độ gieo cấy hoặc chuyển đổi sang các cây trồng cạn.
Chi tiết hơn, lưu vực sông Mã và vùng phụ cận (Thanh Hóa), dung tích các hồ chỉ đạt trung bình 38% DTTK, chừng đó mới đủ đáp ứng cho khoảng 159.000 ha cây trồng, dự kiến khoảng 5.000 – 7.000 ha thuộc khu tưới các hồ lớn như Cửa Đạt, Bái Thượng, Sông Mực, Yên Mỹ… sẽ lâm vào cảnh “khô khát”.
Tại khu vực sông Cả và vùng phụ cận, thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trường hợp nắng nóng kéo dài trong tháng 6 – 7 kéo theo 3.000 – 5.000 ha diện tích thuộc vùng “Nam Hưng Nghi” và “Diễn Yên Quỳnh” sẽ đối diện tình cảnh tương tự.
Dựa trên tình hình thực tế, vụ Hè Thu, Mùa 2020 toàn vùng dự kiến gieo cấy khoảng 1.228.000 ha, giảm 13.000 ha do chuyển đổi sang các loại rau màu khác. Năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6,14 triệu tấn, giảm 2.000 tấn so với cùng kỳ.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) định hướng các địa phương phải bố trí chân đất và cơ cấu hợp lý giữa giống lúa chất lượng, giống lúa kháng sâu bệnh, cần hạn chế tối đa giống nhiễm bạc lá, đồng thời ưu tiên sử dụng các bộ giống ngắn ngày, chủ động gieo cấy sớm, thu hoạch sớm, tránh mưa lụt cực đoan cuối vụ.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nhận định: “Muốn chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trong vụ Hè Thu, Mùa và Đông 2020 các địa phương phải bố trí kế hoạch phân phối hợp lý, đồng thời khuyến khích chuyển đổi mạnh những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nếu cần thiết nên chủ động áp dụng né vụ, giãn vụ, thậm chí là dừng vụ”.