Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết, nhiều tháng qua, tình hình khô hạn trên địa bàn huyện diễn ra gay gắt, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất đang xuống mức rất thấp, nhất là ở khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng. Nguồn nước ngọt sụt giảm khiến cho tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục ở mức độ sâu hơn.
Hạn, mặn đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và lưu thông của người dân. Hiện tại, mực nước trong các tuyến kênh đê bao vùng đệm thuộc 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận đã xuống rất thấp, làm sạt lở, sụt lún các tuyến đê bao và lộ nông thôn. Tuyến tỉnh lộ 965 (đê bao ngoài) đã xuất hiện 7 vị trí sụt lún, với tổng chiều dài 168m. Trong đó, có 40m bị sụt lún hoàn toàn, còn lại 128m bị sụt lún đê bao từ 2-3m. Lộ nông thôn trên địa bàn 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, qua khảo sát đã có 10 vị trí sụt lún, với tổng chiều dài 468m, gây khó khăn cho người dân lưu thông và vận chuyển hàng hóa.
Tại những vị trí sụt lún, đã gây ảnh hưởng đến 4 căn nhà của các hộ dân thuộc xã Minh Thuận. Điều đáng nói là các nhà này đều xây dựng lấn chiếm hành lang lộ giới và kết cấu nhà không đảm bảo nên bị sạt lở.
Ngoài ra, hiện nông dân trong huyện đã thả nuôi được 8.908 ha tôm nước lợ, hạn mặn gay gắt đã làm gần 400 ha bị thiệt hại, phần lớn là do các yếu tố môi trường bất lợi. Diện tích hoa màu nông dân đã xuống giống khoảng 250 ha, chủ yếu là cây lấy củ ở vùng đệm. Do các tuyến kênh quanh vùng đã khô cạn, lượng nước người dân chủ động lấy tích trữ trong các mương vuông, nhiều nhất cũng chỉ đủ khả năng duy trì tưới cho khoảng trong 30 ngày tới là cạn kiệt nếu trời không có mưa.