| Hotline: 0983.970.780

Khó thu hồi tài sản từ các vụ vỡ hụi

Thứ Sáu 05/01/2018 , 13:30 (GMT+7)

Nhiều vụ vỡ hụi đang đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh “tán gia bại sản”, nhiều làng quê trở nên tiêu điều vì bị vỡ dây chuyền và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cuối năm, những người nông dân chân chất ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đành phải “ngậm đắng nuốt cay” khi dốc hết vốn liếng cóp nhặt cả đời giao cho bà Quách Thị Phượng để chơi hụi. Khi bị vỡ, bà Phượng trốn bặt tăm vào bệnh viện tâm thần thì mọi chuyện đều trở nên quá muộn.

12-19-56_nn_nhn_vu_vo_no_cu_b_phuong_o_thnh_oi_h_noi
Nạn nhân vụ vỡ hụi ở huyện Thanh Oai (Hà Nội)

Bài học từ những cơn bão vỡ nợ đã càn quét khốc liệt khắp các vùng nông thôn vẫn không làm cho người nông dân thức tỉnh. Điển hình như vụ “đại gia” Nguyễn Thị C ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), khi còn ở đỉnh cao, nắm trong tay cả trăm tỷ đồng, dù nhiều người “ôm” tiền đến nhà để năn nỉ cho bà vay. Bà C chỉ cười khẩy rồi đuổi về, cách làm ăn của bà là huy động từ những “đầu nậu” lớn.

Lúc đó, hàng chục “đầu nậu” thi nhau gom tiền cho bà C. Hệ quả khi bà C vỡ nợ thì người gom tiền cũng vỡ theo, kế đến là hàng trăm người ăn theo bị vỡ dây chuyền. Chị H ở thị trấn Phú Minh cho biết, vợ chồng chị làm nghề vận tải nên ki cóp được ít vốn, khi anh B ở cùng thị trấn rỉ tai: “Sẽ trả lãi suất cao”. Lóa mắt vì lãi lớn, vợ chồng chị H đã huy động họ hàng cho B vay hơn 3 tỷ đồng.

Vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên chưa kịp lắng xuống thì lại thêm vụ vỡ hụi ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh (Hà Nội). Vợ chồng chủ hụi Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị H đã cao chạy xa bay cùng số nợ hàng chục tỷ. Ông Nguyễn Văn Như, Phó Chủ tịch xã Văn Khê cho biết, không chỉ có vợ chồng ông T mà còn 7 chủ hụi khác cũng mất khả năng thanh toán.

Xót của và để đòi được tiền, hàng trăm người dân chỉ còn biết trút cơn mưa “gạch đá” vào nhà các chủ nợ. Khi các chủ hụi trốn chạy thì nhiều chủ nợ đành chấp nhận chia nhau các đồ đạc, tài sản như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện… nhằm vớt vát lại chút vốn liếng bỏ ra.

Nói về khả năng thu hồi lại tài sản từ những vụ vỡ hụi, LS Nguyễn Văn Luân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu đã có các điều khoản quy định rõ ràng.

Theo đó, người tham gia, dù ở hình thức nào nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp có tranh chấp phát sinh thì được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia; khi đó các tranh chấp (nếu có) được giải quyết tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Với những quy định như trên, các hình thức “chơi” hụi, “chơi” phường đã được đảm bảo bằng hành lang pháp lý để điều chỉnh và ràng buộc. Nếu có hành vi lừa đảo xảy ra, thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Mặc dù vậy, những người nông dân chân chất khi “chơi” hụi, “chơi” phường thường tin nhau, giao dịch chủ yếu bằng miệng. Khi xảy ra biến cố, rất khó có cơ sở để đòi lại tài sản. Hơn nữa, các chủ hụi thường lấy gốc của người sau để trả lãi cho người trước, khi việc huy động vốn gặp trục trặc, chủ hụi sẽ sớm vỡ nợ. Các tài sản còn lại trước đó phần lớn cũng được chủ hụi tiêu tán vào các mục đích khác nên việc thu hồi lại tài sản chẳng khác nào bắc thang lên hỏi ông trời.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.