Tính đến tháng 12/2024, cả nước có 33.335 HTX (tăng 4,74% so với năm 2023), 152 liên hiệp HTX (tăng 11% so với năm 2023), 63.650 tổ hợp tác (giảm 11% so với năm 2023). Số HTX thành lập mới năm 2024 là 2.197 HTX, đạt 73,23% so với kế hoạch, bình quân 183 HTX thành lập mới mỗi tháng.
Tổng số thành viên HTX hơn 5,8 triệu thành viên (giảm 0,38% so với năm 2023); số HTX thành viên của liên hiệp HTX là 993 (tăng 0,02% so với năm 2023); tổng số thành viên tổ hợp tác là 944.587 thành viên (giảm 0,49% so với năm 2023). Tổng số lao động thường xuyên trong năm 2024 là 897.109 người (tăng 4,19% so với năm 2023).
Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3,55 tỷ đồng/năm (tăng 0,42% so với năm 2023); lãi bình quân một HTX năm 2024 đạt 352 triệu đồng/năm (tăng 8,64% so với năm 2023); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX đạt 59 triệu đồng/người, ngang bằng với năm 2023.
Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 127.400 người, tăng 1,13% so với năm 2023. Trong đó, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm hơn 46,6% trong tổng số với hơn 59.400 người, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học gần 31.500 người (tương đương 24,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX).
Đặc biệt, các HTX, tổ hợp tác đã tăng cường liên kết, sản xuất theo chuỗi và chuyển đổi số. Một số mô hình HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hoạt động hiệu quả rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố như: HTX Thủy sản Đồng Tiến, HTX Toàn Thắng (Bạc Liêu); HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Bắc Giang); HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai (Bắc Ninh); HTX Chè Thịnh An, Hảo Đạt (Thái Nguyên); HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Quý (Tiền Giang); HTX Nông nghiệp hữu cơ Long Hiệp (Trà Vinh)...
Tổng cộng, có khoảng 4.300 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.
Nhiều HTX đã chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ, thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường năng lực quản trị theo hướng công khai, minh bạch, chủ động. Cả nước có khoảng 2.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.
Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Một số luật chuyên ngành trong lĩnh vực thuế, đất đai, tài sản công... chưa có nội dung hỗ trợ đặc thù, cụ thể dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX và đảm bảo yêu cầu đồng bộ với Luật Hợp tác xã 2023.
Khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2023 còn chậm so với yêu cầu hiệu lực đồng bộ, tạo ra khoảng trống pháp lý trong một khoảng thời gian nhất định.
Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh rằng số lượng HTX tiếp tục tăng nhưng còn chưa cao, nhiều khả năng không đạt kế hoạch 5 năm 2021-2025; số lượng tổ hợp tác tiếp tục xu hướng giảm; quy mô thành viên HTX giảm nhẹ so với năm 2023. Doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của lao động khu vực kinh tế tập thể, HTX tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, có nguy cơ tụt hậu, giảm khả năng cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn yếu; vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Đặc biệt, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã được nâng lên nhưng còn thấp so với các khu vực khác (số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 24,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX). Một số HTX chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật; thành viên HTX vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm hoặc trông chờ hỗ trợ của Nhà nước.
Trước thực tế này, Ban chỉ đạo tiếp tục đặt mục tiêu trong năm 2025 là phát triển kinh tế tập thể, HTX năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế quốc dân.
Đồng thời, thu hút đại bộ phận nông dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX.
Năm 2025, cả nước phấn đấu có khoảng 134.000 tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35.000 HTX với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp HTX với 1.100 HTX thành viên, trên 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; khoảng 35% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.