Sáng 4/3, tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bến Tre, Đại sứ Canada tại Việt Nam, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre khởi công Khu phức hợp đa năng phục vụ việc thu mua, chế biến bưởi da xanh.
Khu phức hợp đa chức năng được xây dựng trên diện tích 4.000m2. Trong đó, diện tích xây dựng hơn 1.000m2 với nhiều hạng mục như: nhà trưng bày và văn phòng, nhà chế biến nước ép trái cây, nhà sơ chế đóng gói, cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Dự kiến, đến tháng 7 năm nay sau khi hoàn thành, Khu phức hợp đa chức năng đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao việc chế biến, tiêu thụ tráibưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của Hợp tác xã Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chúc mừng và đánh giá cao việc triển chủ động nguồn vốn, quỹ đất để khai dự án Khu phức hợp đa chức năng của HTX Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre.
Thứ trưởng Nam cho biết, HTX Bưởi da xanh Bến Tre là một trong những HTX điển hình có thể nhân rộng ra các địa phương khác. HTX vừa chủ động trong sản xuất vừa chủ động đa dạng hoá các sản phẩm thích ứng với thị trường.
Thứ trưởng Nam cũng cho rằng, đây là một trong những khâu đột phá của HTX. Bởi chủ trương của Chính phủ đang khuyến khích các HTX chủ động trong sản xuất, nhất là HTX Bưởi da xanh Bến Tre đang hướng đến mở rộng diện tích bưởi đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Bên cạnh đó là đa dạng hoá các sản phẩm để sơ chế, chế biến nâng cao giá trị như là mứt, nước trái cây, tinh dầu bưởi…
Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án theo sự chỉ đạo của Chính phủ hỗ trợ các HTX chủ động mở rộng sản xuất, thu hút các thành viên đem lại lợi ích nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Đối với HTX Bưởi da xanh Bến Tre, xây dựng khu phức hợp đa chức năng là sự nỗ lực lớn để “giải cứu” trái bưởi đang trong tình trạng bấp bênh về đầu ra.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bưởi da xanh cho biết thêm: “Khu phức hợp hoàn thành sẽ giúp cho việc thu mua bưởi của các thành viên với sản lượng lớn hơn. HTX có điều kiện làm vệ sinh, phân loại và lưu kho. Do đó, HTX sẽ chủ động cung cấp hàng cho khách hàng khi có nhu cầu. Không phải mặt hàng nào cũng bán tươi được. Có những trái xấu, tì vết bên ngoài không bán tươi được sẽ chuyển sang chế biến. Khu phức hợp hoàn thành giúp việc kinh doanh, tiêu thụ, chế biến trái bưởi của HTX được tốt hơn và có đủ điều kiện đa dạng hóa sản phẩm của ngành bưởi”.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết: HTX Bưởi da xanh Bến Tre là một trong những điển hình của 122 HTX nông nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bến Tre hiện có 9.262ha bưởi da xanh, trong đó hơn 330ha được chứng nhận đang hoạt động trong mô hình liên kết, 279ha đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, những mô hình đang có phần lớn chỉ tập trung sản xuất chứ chưa có HTX tổ chức, quản lý chế biến bưởi da xanh như HTX bưởi da xanh Bến Tre.
“HTX Bưởi da xanh Bến Tre như là một mô hình mẫu trong vận hành của các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Mô hình này đang được chính quyền các cấp quan tâm, chúng tôi đã lồng ghép vào trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Châu Thành ưu tiên quỹ đất để xây dựng Khu phức hợp này, xem đây như là mô hình kiểu mẫu để các HTX khác học hỏi kinh nghiệm”, ông Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Cần xây dựng chặt chẽ quy trình sản xuất bưởi da xanh
Chúng tôi luôn luôn định hướng xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là sự chủ động trong sản xuất và chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh việc triển khai thực hiện sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Bộ NN-PTNT còn có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo mô hình gắn sao. Các sản phẩm đạt 3,4 sao địa phương chủ động đánh giá, phân hạng. Sản phẩm 5 sao Bộ NN-PTNT và các Bộ cùng đánh giá. Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn nâng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn lên tầm quốc gia và tiến ra thị trường thế giới. Ví dụ như sản phẩm bưởi da xanh của HTX Bưởi da xanh Bến Tre, đạt 4 sao cũng đã xuất sang Singapore và Canada rồi. Nhưng để đảm bảo sự bền vững hơn nữa, đòi hỏi quy trình từ xây dựng mã số vùng trồng, bao bì, nhãn mác đến truy xuất nguồn gốc đạt các tiêu chuẩn quốc gia, từ đó làm cơ sở mới đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.