| Hotline: 0983.970.780

Quy trình phục hồi bưởi da xanh bị nhiễm mặn

Thứ Năm 16/07/2020 , 14:14 (GMT+7)

ĐBSCL, mùa mưa đến, lượng nước dồi dào, là thời điểm thích hợp nhất để nhà vườn phục hồi vườn bưởi da xanh đã bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Tập huấn phục hồi và cải tạo vườn bưởi da xanh cho nhà vườn Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Tập huấn phục hồi và cải tạo vườn bưởi da xanh cho nhà vườn Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Bưởi da xanh đang được nhiều nhà nông ở các tỉnh ĐBSCL chọn trồng phát triển kinh tế. Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, nhóm cây có múi cùng với cây sơ ri, ổi, vú sữa… là nhóm cây chịu mặn trung bình, ở mức 1-2‰.

Năm nay bên cạnh hạn, mặn cây bưởi da xanh còn gặp phải khó khăn trong xuất khẩu do đại dịch Covid-19. Nông dân vừa mất thu nhập do phải hái bỏ trái non để cứu cây, vừa gặp phải giá giảm do thị trường tiêu thụ bó hẹp.

Tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích trồng bưởi da xanh lớn, vào khoảng 8.000 ha. Tuy dòng cây có múi này chịu được độ mặn khá nhưng đợt hạn, mặn vừa qua vẫn gây không ít thiệt hại đối với người trồng bưởi. Bởi vì khi bị nước mặn tấn công với nồng độ cao và kéo dài gần 6 tháng như năm nay không ít nhà vườn chỉ dám tưới cầm cự nên cây chậm phát triển.

Tại huyện Châu Thành, địa phương có diện tích bưởi da xanh lớn nhất tỉnh Bến Tre với hơn 3.400 ha, chiếm khoảng 43% diện tích cây ăn trái toàn huyện.

Mùa mặn năm nay kéo dài, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây bưởi da xanh của huyện. Những xã cuối nguồn nước như: An Hòa, Hữu Định... bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những lúc cao điểm mặn nông dân phải hái bỏ trái để cứu cây, do đó giảm sản lượng thu hoạch.

KIểm tra bộ lá đánh giá sức khỏe cây. Ảnh: Minh Đảm.

KIểm tra bộ lá đánh giá sức khỏe cây. Ảnh: Minh Đảm.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, sau khi trải qua đợt hạn mặn đất đã thay đổi cấu trúc dẫn đến cây bị thiếu dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, hạn mặn cũng làm kích hoạt phèn tiềm tàng trở thành phèn hoạt động gây ngộ độc cho cây. Mật độ vi sinh vật có lợi trong đất giảm, cây trồng dễ bị nấm bệnh tấn công.

Khi khô hạn kéo dài cây sẽ kém phát triển do bộ rễ không hấp thu được nước và dinh dưỡng. Còn khi mặn tấn công, cây héo, cháy lá, rụng lá do thiếu hụt nước trong đất và do áp suất thẩm thấu của đất tăng lên nên cây không hút đủ nước và ngộ độc muối làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng hoặc suy kiệt dẫn đến chết.

Hiện nay, bước vào mùa mưa, lượng nước đã đủ lớn. Một số nơi bà con nông dân đã bắt đầu cải tạo phục hồi vườn cây.

Ông Nguyễn Anh Quốc, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Phòng NN-PTNT Châu Thành phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở 20 lớp tập huấn, hội thảo về phục hồi bưởi da xanh sau hạn, mặn. Đối với các vườn không thể phục hồi, các xã đang thống kê mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 51 của UBND tỉnh Bến Tre và Nghị định 02 của Chính phủ”.

Kiểm tra độ mặn trong đất bằng máy đo EC. Ảnh: Minh Đảm.

Kiểm tra độ mặn trong đất bằng máy đo EC. Ảnh: Minh Đảm.

Để phục hồi tốt vườn bưởi da xanh, cũng như một số loại cây có múi nói chung, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã ban hành quy trình phục hồi bưởi da xanh bị nhiễm mặn khuyến cáo người dân thực hiện.

Theo đó, khi có nước ngọt trở lại thì nhà vườn nên tiến hành đánh giá thiệt hại của vườn, đốn bỏ những cây không có khả năng phục hồi. Khai thông nước trong mương vườn, tưới đẫm nước trên mặt liếp nhằm rửa phèn mặn tích lũy trong đất. Xới xáo mặt đất để tạo sự thông thoáng cho rễ, thúc đẩy nhanh việc rửa phèn mặn.

Kiểm tra pH đất trước và sau khi xử lý vôi (vôi xám, vôi nông nghiệp). Lượng vôi bón nên tùy thuộc vào độ chua của đất: Nếu pH bé hơn 3,5 thì từ 2-5 tấn/ha, pH 3,5-4,5 bón 1-2 tấn/ha, pH từ 4,5-5,5 bón 0,5-1 tấn/ha. Tưới nước liên tục 7-10 ngày để rửa phèn và mặn nhanh. Kiểm tra độ mặn trong đất bằng máy đo EC. Nếu EC cao hơn 1,2mS/cm cần tiếp tục tưới nước để rửa mặn.

Nếu EC cao hơn 1,2 mS/cm thì cần tiếp tục rửa mặn. Ảnh: Minh Đảm

Nếu EC cao hơn 1,2 mS/cm thì cần tiếp tục rửa mặn. Ảnh: Minh Đảm

Kể từ 7-10 ngày sau khi bón vôi thì bón DAP với lượng 0,1-0,15 kg/cây ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Còn đối với cây ở thời kì kinh doanh nên bón với liều lượng từ 0,3-0,5 kg/cây và 5-10 kg super humic/ha. Bón xong tưới đủ nước cho vườn để phân tan và thấm vào đất.

Sau đó, tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai có bổ sung nấm Trichoderma sp. và các vi sinh hữu ích nhằm bổ sung hệ vi sinh vật có ích cho đất giúp cải thiện cấu trúc đất, tăn khả năng hấp thụ, điều tiết dinh dưỡng, giúp đất tơi xốp, thông thoáng thuận lợi cho sự phát triển của rễ. Lúc này, nhà vườn nên kết hợp phun một số hoạt chất Metalaxyl, ví dụ như: Rodomil Gold, Maxtaxim 500WB…

Sau khi lá tược non chuyển sang màu xanh ngà thì bón NPK với tỉ lệ phù hợp theo nhu cầu của cây. Trung bình nên bón từ 0,1-0,3 kg/cây, đối với cây chưa cho trái.

Còn đối với những cây đã cho trái nên bón từ 0,5-0,8 kg/cây. Tỉa bớt hoa, trái giúp cây phục hồi sinh trưởng tốt. Việc tỉa cành tạo tán cần tiến hành sau khi cây đã phục hồi và khi thời tiết mát dịu trong mùa mưa.

Nhà nông cũng nên lưu ý một số sâu bệnh như: nấm Phytophthra sp. gây ra bệnh thối gốc, chảy nhựa, thối trái hay các loại sâu ăn lá, sâu đục trái, nhện, rệp sáp… Tùy theo từng loại sâu bệnh mà áp dụng biện pháp phù hợp để đạt hiệu quả phòng trị cao và an toàn.

Sau khi cây hoàn toàn khỏe mạnh nhà nông có thể xử lý ra hoa, để trái nhưng khuyến cáo giảm 30% sản lượng so với thông thường. Ảnh: Minh Đảm.

Sau khi cây hoàn toàn khỏe mạnh nhà nông có thể xử lý ra hoa, để trái nhưng khuyến cáo giảm 30% sản lượng so với thông thường. Ảnh: Minh Đảm.

Theo thạc sỹ Lê Trí Nhân, cây phục hồi khỏe là cây cho 2 cơi đọt, lá khỏe, xanh, rễ ra nhiều. Quan sát thấy lá non ra nhiều tức là rễ đã ra nhiều. Sau khi cây đã phục hồi tốt thì nhà vườn có thể xử lý ra hoa, để trái. Tuy nhiên, về sản lượng trái nhà vườn nên giảm khoảng 30% so với vụ trước.

Trước đó, khi mặn kéo dài người dân không có tiền mua nước ngọt buộc phải tưới nước giếng hoặc nước mặn thì đến nay có khoảng 50-60% diện tích đã thiệt hại. Còn những vườn người dân không tưới thì khi mưa xuống cây đã bắt đầu hồi tỉnh, ra đọt.

“Khi mưa đầu mùa, ẩm độ tăng thì sẽ kích thích cây ra rễ non. Khi mặn trong đất còn sẽ làm rễ non bị ảnh hưởng. Lúc này, lá non đang phát triển nhưng không có rễ sẽ làm rụng trái, rụng lá. Hiện tượng này còn được gọi là hiện tượng cây bị chết nguội. Do đó, điều đầu tiên là phải rửa mặn, phèn”,  thạc sỹ Lê Trí Nhân nói về tầm quan trọng của việc rửa mặn.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của vườn cây mà nhà nông có thể uyển chuyển công thức cải tạo cho phù hợp. Ảnh: Minh Đảm.

Tùy vào tình trạng sức khỏe của vườn cây mà nhà nông có thể uyển chuyển công thức cải tạo cho phù hợp. Ảnh: Minh Đảm.

Tùy vào tình trạng của khu vườn mà nhà nông nên uyển chuyển công thức phục hồi cho phù hợp. Vừa qua, vườn bưởi da xanh 6.000 m2 của nhà nông Ngô Ngọc Thanh ở ấp Đông Trị, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc cũng có một số cây bị ảnh hưởng.

Hiện ông Thanh đã tiến hành rửa mặn, cắt tỉa cành già, cành khô, phục hồi cây. Vườn bưởi của ông đã phục hồi khá tốt. Cây đã ra được một cơi đọt. 

Ông Ngô Ngọc Thanh chia sẻ: “Cách đây 1,5 tháng tuy nước sông còn mặn khoảng 1‰ nhưng nhờ tích trữ được nước mưa nên tôi đã tiến hành phục hồi vườn cây sớm. Tôi cũng có tham khảo qua quy trình phục hồi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhưng đất của tôi phèn nặng nên lượng vôi tôi phải tăng liều lượng gấp đôi. Bên cạnh đó, quy trình áp dụng cũng nghiêm ngặt hơn”.

Xem thêm
Yên Bái giảm 5 sở, 11 ban chỉ đạo

Yên Bái chỉ duy trì 3 Ban chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, Ban Chỉ đạo 35 và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.