Hợp tác nông nghiệp có vai trò quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Trong nông nghiệp, hai bên có nhiều điểm tương đồng như đất chật người đông; nông hộ chủ yếu có quy mô nhỏ; phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn; và cả hai nước đều là cường quốc sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) đối với nhiều mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, tiêu và gia vị, điều…
Do đó, hai bên có thể học hỏi lẫn nhau, đặc biệt về khoa học công nghệ, phát triển kinh tế hợp tác… vốn là thế mạnh của Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về phát triển các chuỗi giá trị NLTS kết nối với thị trường toàn cầu.
Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác nông nghiệp ngay từ đầu những năm 1990 khi Việt Nam thực hiện đường lối Đổi mới. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về Hợp tác nông nghiệp lần đầu vào năm 1992 với các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm: khoa học cây trồng; khoa học chăn nuôi, đào tạo sau đại học, trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học.
Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học và đào tạo, Ấn Độ đã đào tạo nhiều nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, trong đó nổi bật là PGS. TS. Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và PGS. TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước trong vòng 10 năm trở lại đây có dấu hiệu trầm lắng; chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước.
Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ đều là cường quốc trong sản xuất và xuất khẩu NLTS, đặc biệt là Ấn Độ là một trong những thị trường tiêu thụ NLTS lớn nhất thế giới, thương mại NLTS song phương chỉ đạt mức khiêm tốn 1,9 tỷ USD vào năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Ấn Độ còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 465 triệu USD, chiếm chưa đến 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS của Ấn Độ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm: cao su (200,2 triệu USD); cà phê (57,3 triệu USD); hạt tiêu (53,4 triệu USD); mây, tre, cói, thảm (39,9 triệu USD); gỗ và sản phẩm gỗ (31,2 triệu USD)...
Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 1,42 tỷ USD (nhập siêu NLTS từ Ấn Độ với kim ngạch lên tới 953 triệu USD). Các mặt hàng NLTS nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ gồm: thủy sản (378,5 triệu USD); thức ăn gia súc và nguyên liệu (339,9 triệu USD); ngô (287,3 triệu USD); thuốc trừ sâu và nguyên liệu (89,9 triệu USD), rau quả (53,4 triệu USD).
Để tạo sự khởi đầu mới tươi sáng hơn trong quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, nhân sự kiện tham dự Hội nghị Bộ trưởng nông nghiệp G20 từ 15-17/6/2023 tại Ấn Độ, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã thăm và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân và các Viện nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp Ấn Độ.
Trong phiên làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ, Bộ trưởng Narendra Singh Tomar đánh giá cao sự thành công nhanh chóng của ngành nông nghiệp trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ sự coi trọng quan hệ hợp tác nông nghiệp với Việt Nam.
Việc Ấn Độ mời Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 2023 do Ấn Độ chủ trì với tư cách nước mời đặc biệt thể hiện sự trọng thị đối với Việt Nam. Ấn Độ mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và thương mại NLTS.
Phát biểu trong phiên làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực cho Bộ Nông nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác còn chưa tương xứng với tiềm năng và còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất Bộ Nông nghiệp hai nước cùng hợp tác để tạo ra một sự khởi đầu mới tươi sáng cho quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ rà soát và xây dựng Khung hợp tác nông nghiệp mới, bao trùm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo trong nông nghiệp trên tinh thần các bên cùng có lợi, phát huy lợi thế tốt nhất của mỗi bên, đặc biệt về quy mô dân số, nền tảng khoa học công nghệ nông nghiệp của Ấn Độ, khả năng kết nối thị trường toàn cầu của Việt Nam, và cùng phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần vào an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng toàn cầu.
Bên cạnh làm việc cấp cao với Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ, nhằm cụ thể hóa quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ, Đoàn công tác làm việc với Cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Ấn Độ là Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR), Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (IARI), Viện Nghiên cứu Lúa gạo Ấn Độ (IIRR).
ICAR là cơ quan cao nhất để điều phối, hướng dẫn và quản lý nghiên cứu và giáo dục trong nông nghiệp bao gồm trồng trọt, thủy sản và khoa học động vật trên toàn quốc.
Với 113 Viện nghiên cứu, 74 trường đại học nông nghiệp và 731 Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trải khắp đất nước, đây là một trong những hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia lớn nhất thế giới. ICAR đã đóng vai trò tiên phong trong việc mở ra cuộc Cách mạng Xanh và những phát triển của nông nghiệp Ấn Độ thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ giúp nước này tăng sản lượng ngũ cốc lên 5,6 lần, cây trồng làm vườn lên 10,5 lần, thủy sản lên 16,8 lần, sữa gấp 10,4 lần và trứng gấp 52,9 lần kể từ giai đoạn 1950-51 đến 2017-18.
Những đóng góp của ICAR cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia. ICAR góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự xuất sắc trong giáo dục đại học trong nông nghiệp. ICAR tham gia vào các lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến và các nhà khoa học của ICAR được công nhận ở đẳng cấp quốc tế.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên sẽ thúc đẩy các hợp tác cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong đó, ưu tiên hợp tác trong công nghệ giống, đặc biệt là giống chống chịu khô hạn; các mô hình canh tác bền vững, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng công nghệ số, công nghệ xanh cho phát triển nông nghiệp; hợp tác trong nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống tằm sắn, công nghệ nuôi tằm sắn và ươm tơ tằm sắn.
Các Viện nghiên cứu đều đánh giá cao quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ với Việt Nam trước đây và mong muốn nâng tầm quan hệ hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong việc áp dụng các công nghệ mới cho nông dân quy mô nhỏ và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp. Hai bên nhất trí sẽ chuẩn bị và ký kết Bản ghi nhớ để cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới.