| Hotline: 0983.970.780

Khởi động Chương trình Vùng nguyên liệu quy mô lớn

Thứ Ba 05/04/2022 , 22:03 (GMT+7)

Ngày 5/4, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) phối hợp một số đơn vị tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng nông nghiệp.

Chương trình SourceUp được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018.

Chương trình SourceUp được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018.

Sự kiện có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước tại 3 quốc gia trọng tâm là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia, cùng hơn 30 doanh nghiệp. 

Ông Matthew Spencer, Giám đốc toàn cầu Chương trình Cảnh quan bền vững IDH, cho biết, SourceUp là một giải pháp cải tiến giúp tăng cường kết nối đa chiều các vùng nguyên liệu với thị trường.

Thông qua việc chia sẻ các thông tin về thực trạng và tiến độ cải thiện bền vững, SourceUp giúp cải thiện tính minh bạch, giúp các công ty tiếp cận, ra quyết định và thực thi các cam kết về việc mua hàng có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, SourceUp thúc đẩy các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu cải tiến, hướng tới phát triển bền vững thông qua việc liên kết các đối tác công - tư, kết hợp với cơ chế xác nhận thông minh để giám sát, đánh giá tác động thực tế của cả vùng sản xuất.

"Liên minh hợp tác và cơ chế xác nhận trên giúp đảm bảo việc phối hợp nguồn lực, tránh chồng chéo các hoạt động và tận dụng tốt các ưu thế của từng đối tác tham gia, từ đó giúp canh tác nông nghiệp hài hoà với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cũng như thu nhập cho nông hộ theo các mục tiêu phát triển bền vững", ông Spencer chia sẻ.

Chương trình SourceUp được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 và đạt được nhiều tác động tích cực tại 3 vùng nguyên liệu thí điểm gồm: huyện Krong Năng (tỉnh Đăk Lăk), và huyện Di Linh, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), trên tổng diện tích hơn 15.000 ha.

Trong gần 4 năm thực hiện chương tình tại Việt Nam, SourceUp thu được nhiều kết quả khả quan như: tăng 20% thu nhập của các nông hộ trong vùng thí điểm từ việc đa dạng hoá cây trồng và tối ưu hoá đầu vào; giảm 15% lượng nước sử dụng và lượng phân bón hoá học; giảm 25% lượng phát thải các bon trong các vườn cà phê.

Riêng tại huyện Krong Năng, SourceUp góp phần đảm bảo 100% sản lượng được sản xuất bền vững và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, trên diện tích khoảng 5.200 ha.

"Đây là cơ sở vững chắc để tỉnh Đăk Lăk tiếp tục phối hợp với IDH, JDE và các đơn vị liên quan nhân rộng chương trình cho ngành hàng cà phê và cây trồng xen trên quy mô hơn 90,000 ha tại 9 huyện, thị  xã của tỉnh", ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk nhấn mạnh.

Ông Y Giang Gry cũng cam kết, tăng cường phối hợp cùng Tổ chức IDH và các đối tác trong việc xây dựng khung pháp lý thuận lợi để thúc đẩy việc áp dụng tiếp cận cảnh quan và SourceUp vì mục tiêu phát triển các ngành hàng bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại Hội thảo.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) đánh giá, SourceUp là một cách tiếp cận tốt, giúp từ người mua, đến người tiêu dùng tiếp cận với vùng trồng, vùng nguyên liệu. 

Thời gian qua, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã phối hợp Cục Trồng trọt tổ chức đánh giá tình hình tổ chức sản xuất, sử dụng vật tư, nguyên liệu ở Tây Nguyên. Qua quá trình triển khai, Viện nhận xét SourceUp là một giải pháp hữu hiệu cho cho cây tiêu và cà phê. Dù vậy, chương trình hiện mới thành công trên quy mô nhỏ, và có thể gặp thách thức khi mở rộng, theo ông Thắng.

Ghi nhận các ý kiến, ông Willem Klaassens Giám đốc thị trường và SourceUp IDH đánh giá, chương trình đã đạt được sự đồng thuận cao của các bên liên quan, đồng thời chương trình cần tăng cường ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và mua hàng có trách nhiệm, mang lại các giá trị thiết thực về bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Ông Klaassens cũng giới thiệu một phương thức liên kết sản xuất, thông qua mô hình Cung ứng dịch vụ (SDM). Đây là cách giúp người nông dân không những tiếp cận được nguồn vật tư nông nghiệp chất lượng, mà còn là các tư vấn quản lý dịch bệnh và dinh dưỡng cây trồng, kĩ thuật sơ chế, bảo quản cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản và tiếp cận tài chính xanh.

"Biến đổi khí hậu, sự nóng lên của toàn cầu, siêu thâm canh và sử dụng thiếu trách nhiệm các nguồn tài nguyên tự nhiên đang là những thách thức lớn đối với các nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp", ông Klaassens bày tỏ.

Chiếm hơn 60% tổng dân số toàn thế giới và 74% tổng số nông hộ toàn cầu, châu Á được xem là vùng cung ứng nông sản và thực phẩm quan trọng hàng đầu. Đó cũng là lý do Tổ chức IDH quan tâm, hỗ trợ các quốc gia châu Á đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thoát khỏi "lời nguyền" manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến hệ luỵ về kinh tế, môi trường và xã hội.

Sau thành công bước đầu, chương trình SourceUp sẽ được triển khai ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk, nâng quy mô diện tích nông nghiệp được trực tiếp đầu tư lên hơn 100.000 ha.

Một tín hiệu vui nữa cho những nông hộ tham gia SourceUp là từ đầu năm 2021, Công ty JDE đã công bố việc chính thức thu mua sản phẩm cà phê SourceUp từ vùng Krong Năng theo chương trình mua hàng có trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh định hướng đẩy mạnh đầu tư và thu mua sản phẩm SourceUp trong thời gian tới.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.