Không còn cán bộ nồng nặc mùi rượu
Trong số các Bí thư Đảng ủy xã ở Ngọc Lặc tôi khá ấn tượng với Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn. Thời điểm điều động, chị là cán bộ trẻ tuổi nhất, đặc biệt, nơi đến nhận công tác là một điểm nóng về mất đoàn kết nội bộ.
Về Minh Sơn hôm đó cùng tôi có ông Chúc, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Ngọc Lặc. Trong lúc ngồi chờ Bí thư xã đang phải chủ trì cuộc họp, ông Chúc tranh thủ kể về thực trạng của Minh Sơn cách đây mấy năm. Ông bảo, trước đây năm nào Huyện ủy cũng về xã này kiểm điểm BTV và người đứng đầu. Nói thế để thấy tình hình ở đây rất nóng. Nguyên nhân chính do mất đoàn kết nội bộ và tư duy của người cũ là sống lâu lên lão làng.
Do công tác cán bộ chúng ta để một thời gian dài như vậy nên sinh ra bè cánh, trì trệ, cục bộ địa phương dẫn đến phong trào đi xuống. Từ ngày thực hiện chủ trương luân chuyển, nhất là trường hợp của Bí thư Minh Sơn, Huyện ủy thấy rất yên tâm. Qua theo dõi nửa nhiệm kỳ thấy hầu hết các hạn chế trước đây đã được khắc phục triệt để. Điều dễ nhận thấy nhất là không còn tình trạng mất đoàn kết, kéo bè cánh...
“Và chắc chắn không còn thấy cán bộ nồng nặc mùi rượu trong phòng làm việc nữa, đúng không các anh”, tiếng của người phụ nữ nói vọng từ ngoài cửa vào phòng khi ông Chúc chưa dứt câu chuyện với tôi.
Chúng tôi cùng đứng dậy. Ông Chúc giới thiệu đây là đồng chí Phạm Thị Thu quê ở xã Thúy Sơn, từng là Phó bí thư Huyện đoàn được Huyện ủy điều động về đây làm Bí thư Đảng ủy xã. Sau hơn 1 năm lãnh đạo với nhiều chuyển biến tích cực, đồng chí đã được cử tri xã Minh Sơn tín nhiệm bầu làm đại biểu hội đồng và được HĐND xã bầu làm Chủ tịch HĐND.
Bí thư Đảng ủy Phạm Thị Thu và ông Phạm Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn trong cuộc trò chuyện với PV |
“Báo cáo với các anh, có con nhỏ nên việc đi cơ sở thế này với em gặp không ít khó khăn. Cũng may là được chồng chia sẻ, gia đình hai bên giúp đỡ và được tổ chức động viên, tập thể cơ quan ủng hộ, nhân dân đồng lòng nên công việc dần đi vào thế ổn định”, chị Thu vào chuyện.
Thời gian đầu công việc của nữ Bí thư là tập trung nắm bắt đầu mối và tâm tư tình cảm của cán bộ trong xã, xuống các thôn. Khi về đây nhận công tác, điều khiến chị trăn trở nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ không nghiêm trong Đảng ủy, giao nhiệm vụ cho từng đảng ủy viên không rõ ràng.
Gần như không có giao ban giữa BCH Đảng ủy với các đoàn thể. Người dân hầu như không nắm được chủ trương. Các kiến nghị của nhân dân giải quyết chậm hoặc không được giải quyết. Đáng buồn hơn là xã rất có tiềm lực nhưng không khai thác được để phát triển. Minh Sơn có 2.000 hộ với 9.000 nhân khẩu. Địa bàn có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua.
“Thời điểm tôi xuống nhận công tác, xã có 10% hộ nghèo và 4/21 thôn thuộc diện 135. Tôi tự hỏi tại sao tập thể BCH Đảng ủy không phát huy được. Từ đó tôi gặp các trưởng thôn, bí thư chi bộ và nhân dân để hỏi cặn kẽ”, chị Thu nhớ lại.
Không ngần ngại để nắn mọi việc vào nề nếp
Làm việc đủ 21 thôn, Bí thư Phạm Thị Thu triệu tập họp BCH Đảng bộ để xây dựng lại quy chế làm việc trong Đảng ủy, Ủy ban, các đoàn thể, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đảng ủy viên. Tiếp đến là siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cán bộ, chấn chỉnh lại lề lối làm việc, giao nhiệm vụ cho từng vị trí để chủ động tham mưu công việc.
“Cũng từ đấy tôi bắt đầu gặp phải sự chống đối”, không ngần ngại chị Thu kể và xem đó là thử thách. Với quyết tâm không thể chùn bước, tôi phải kiên trì các giải pháp vừa mềm dẻo vừa cứng rắn để họ hiểu. Mềm là luôn kính trọng người lớn tuổi, lắng nghe mọi ý kiến góp ý, kể cả những ý kiến bất đồng. Còn giải pháp cứng là làm việc tuân thủ nguyên tắc quy định của Đảng, pháp luật nhà nước và quy chế làm việc của Đảng ủy đã đưa ra.
Kinh nghiệm của Ngọc Lặc, theo ông Bùi Huy Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đó là, hầu hết cán bộ được điều động từ huyện xuống xã trở về hoặc từ xã này sang xã khác đều được bố trí vào các vị trí cao hơn; còn các đồng chí ở xã cũng được sắp xếp vị trí thích hợp nên không thấy anh em phàn nàn. |
Để có được kết quả, Bí thư Thu thường xuyên gặp trao đổi với họ, gặp ở cơ quan, gặp tại nhà riêng vì có những việc không thể đưa ra cuộc họp. Mưa dầm thấm lâu, dần dần các đồng chí ấy cũng tâm huyết cho công việc được giao. Tôi nói là tất cả vì cái chung mà cùng nhau đoàn kết để sớm đưa Minh Sơn thoát nghèo, không để mang tiếng mất đoàn kết kéo dài.
Khi mọi việc ở xã đi vào nề nếp, Đảng ủy xã đề nghị Huyện ủy cử người xuống tập huấn cho đội ngũ cán bộ thôn từ bí thư đến trưởng thôn và trưởng các đoàn thể. Từ đó, thay đổi nếp sinh hoạt chi bộ. Trọng tâm trong các cuộc sinh hoạt chi bộ và họp thôn dấy lên tinh thần tăng gia sản xuất của người dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, áp dụng tiến bộ KHKT (mạ khay, máy cấy) liên tục được đưa ra thảo luận. Dần dần từng cán bộ, đảng viên đến người dân hiểu ra vùng đất này hợp với giống cây nào, mùa vụ này bón phân gì là đúng. Cũng từ đó, Minh Sơn không còn bị cấp trên phê bình cấy sớm.
Khi sản xuất đi vào quy củ, Đảng ủy ra chủ trương thành lập HTXDVNN để phục vụ bà con nông dân. Minh Sơn kết hợp các trung tâm đào tạo nghề, hướng dẫn cho thanh niên trong làng học tập và kiếm việc làm tại nhà máy may mặc trên địa bàn huyện.
Như một luồng sinh khí mới tràn về Minh Sơn, người dân hướng đến các mô hình trang trại, nguồn vốn các tổ chức tín dụng có niềm tin đến với người dân. Sản xuất có hướng đi rõ nét, đời sống nhân dân được nâng lên, phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Nếu như thời điểm chị Thu về làm Bí thư, chưa có thôn nào đạt chuẩn NTM, toàn xã mới đạt 9 tiêu chí. Đến nay đã có 4 thôn đạt chuẩn và số tiêu chí của toàn xã nâng lên 13, tỷ lệ hộ nghèo còn 8%.
Ông Hoàng Thế Hiển nói đập nước được xây dựng kiên cố, cả vùng sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu |
Tôi hỏi chị Thu, vấn đề gì ở Minh Sơn để lại bức xúc kéo dài? Chị bảo, có vụ việc ở thôn Minh Lai. Một con đập do nhân dân đắp để trữ nước phục vụ sản xuất đã lâu năm rồi, đến mùa mưa thì ngập úng, mùa nắng thì khô hạn. Nhân dân kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Xác định coi trọng sản xuất và đảm bảo đời sống cho nhân dân nên việc đó không thể kéo dài thêm nữa, Đảng ủy giao UBND xã báo cáo cấp trên cho chủ trương đầu tư xây dựng. “May mắn với chúng tôi là tờ trình trên đã được chấp thuận. Con đập được bê tông kiên cố, phục vụ việc trữ nước tưới sản xuất cho 30 ha cánh đồng Minh Lai”, Bí thư Thu cho biết.
Chúng tôi trực tiếp ra xem con đập. Tại đây, chúng tôi gặp ông Hoàng Thế Hiển, một nông dân của thôn Minh Lai đúng lúc ông đang dẫn nước từ con đập vào ruộng. Ông bảo, chẳng phải có mặt cô Thu ở đây mới nói, chứ thực tình, nếu không có sự quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền và đặc biệt là cô Thu thì không biết đến bao giờ con đập này mới được xây dựng.
“Từ ngày đập nước được xây dựng kiên cố, cả vùng sản xuất thuận lợi, mấy vụ lúa, vụ màu đều bội thu. Cán bộ hiểu dân, lo cho dân, dân sẽ tin yêu, không cớ gì là không ủng hộ và che chở cho cán bộ”, ông Hiển bày tỏ.
Chủ tịch UBND xã Minh Sơn, ông Phạm Văn Trọng được điều động từ xã Ngọc Sơn sang, trong câu chuyện với chúng tôi ông nói, tôi về sau cô Thu hơn 2 năm và nhận thấy tình trạng bỏ bê công việc, rượu chè sáng sớm đến đầu hôm đã không còn, thay vào đó là sự chỉn chu trong lề lối làm việc. Chúng tôi là người ở nơi khác và quả thực nhận thấy Minh Sơn nay đã khác trước rất nhiều. Đây là điều khiến chúng tôi thấy tự hào và không cớ gì lại không ra sức cống hiến cho một Minh Sơn phát triển khi mà cả Đảng bộ, chính quyền và người dân đang sát cánh bên mình. |