| Hotline: 0983.970.780

Không cần lệnh hành chính

Thứ Ba 04/12/2012 , 10:18 (GMT+7)

Ta đều biết, theo quy chế quản lý, rừng được chia làm 3 loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Tôi đồng cảm với ý kiến của ông Nguyễn Đức Sơn, giám đốc Cty TNHH 1TV Lâm nghiệp Con Cuông - Nghệ An và các bạn đồng nghiệp ở Hà Tĩnh mà tác giả Lê Na đã phản ánh trong 2 số báo Nông nghiệp Việt Nam (số 226 và 228).

Ta đều biết, theo quy chế quản lý, rừng được chia làm 3 loại: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đối với rừng tự nhiên trong rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đã coi như đóng vĩnh viễn, không bao giờ có vấn đề khai thác chính trong đó, chỉ có thể chặt tận dụng những cây đã chết hoặc già cỗi, không còn tác dụng nữa nhưng không được làm xâm hại đến rừng.

Vấn đề còn lại là, thái độ đối với rừng tự nhiên trong rừng sản xuất?

Tại Nghệ An, theo báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2008 - 2020 hiện trạng rừng tự nhiên toàn tỉnh có 661.390 ha, trong đó rừng đặc dụng là 156.030 ha; rừng phòng hộ 245.470 ha; rừng sản xuất 259.890 ha. Trong rừng sản xuất đã giao cho các chủ như sau:

- Doanh nghiệp nhà nước: 32.680 ha.

- Doanh nghiệp tư nhân: 270 ha.

- Các tổng đội thanh niên xung phong: 14.950 ha.

- Các Ban quản lý rừng phòng hộ: 25.440 ha.

- Lực lượng vũ trang: 940 ha.

- Các hộ gia đình: 127.380 ha.

- Rừng cộng đồng làng bản: 58.230 ha.

Trong các chủ rừng thì chỉ có rừng của các doanh nghiệp nhà nước đã được mở khai thác, còn rừng của các chủ khác đang trong thời kỳ khoanh nuôi, bảo vệ, làm giàu rừng, chưa cho phép mở khai thác, đồng nghĩa với việc cửa rừng còn đóng.

Trong các doanh nghiệp nhà nước thì rừng sản xuất của Cty TNHH 1TV Lâm nghiệp (gọi tắt là Cty lâm nghiệp) Con Cuông 5.083 ha; Cty lâm nghiệp Tương Dương 3.998 ha, Cty lâm nghiệp Sông Hiếu 23.599 ha.

Đúng như ý kiến của ông Sơn - Giám đốc Cty lâm nghiệp Con Cuông, các công ty này đều đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đã được cấp trên phê duyệt. Trong đó, có phương án điều chế rừng, khai thác theo luân kỳ đã được xác định thời gian (năm hồi quy) diện tích, trữ lượng, cường độ khai thác và được thiết kế kỹ thuật hàng năm cẩn trọng, được các cơ quan có trách nhiệm phê duyệt và cấp giấy phép hẳn hoi. Sau khi khai thác phải làm nhiệm vụ tu bổ, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng và cũng được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trước lúc quyết định đóng cửa rừng.

Như vậy, việc mở đóng cửa rừng ở đây là tiến hành theo lộ trình hàng năm của luân kỳ. Cụ thể, theo dự án điều chế rừng, hiện nay hàng năm Nghệ An khai thác khoảng 5.000 - 7.000 m3, đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Kế hoạch năm 2012 là 5.800 m3 tương ứng 148 ha, sẽ mở và đóng cửa rừng trong năm nay.

Như vậy rừng tự nhiên của Nghệ An cơ bản đang được đóng, chỉ có một tỷ lệ nhỏ diện tích được mở khai thác và đóng lại hàng năm. Rõ ràng không cần tới một lệnh hành chính đóng cửa rừng tự nhiên toàn quốc.

Các doanh nghiệp Nghệ An cũng đang phấn đấu, sản xuất kinh doanh rừng bền vững để tiến tới được cấp chứng chỉ quốc tế FSC, để bảo vệ phát triển rừng hiệu quả và nâng cao giá trị sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế.

Vậy thì tại sao rừng còn bị tàn phá?

Về chủ quan, công tác quản lý bảo vệ rừng của một số đơn vị trong ngành lâm nghiệp còn yếu kém, lực lượng chuyên trách mỏng, không loại trừ hành vi tiêu cực của một bộ phận không nhỏ, móc nối với bọn lâm tặc bên ngoài. Tuy nhiên nguyên nhân khách quan cũng nặng nề lắm! Gần đây hàng loạt các dự án làm đường, thủy điện, khai thác khoáng sản mở ra, mất nhiều rừng đã đành nhưng nguy hại hơn là các bộ phận không nhỏ trong các dự án, đơn vị thi công, cơ quan nhà nước, có thể gọi chung là lâm tặc, theo gió bẻ măng đua nhau lợi dụng phá rừng.

Thí dụ ở Thanh Thủy (Thanh Chương) có khu rừng nguyên sinh rất tốt, ngành đã có dự kiến thành lập thành khu rừng đặc dụng (có tên trong quyết định 194 HBBT-1986) nhưng từ khi mở đường xuyên rừng, mở cửa khẩu Thanh Thủy, mở đường quốc phòng bảo vệ dọc biên giới đã mất nhiều rừng. Đây trở thành tụ điểm phá rừng của bọn lâm tặc, có thời gian báo chí đã mô tả là “trẩy hội phá rừng”. Các cơ quan chức năng tỉnh, huyện đã dày công truy quét, lập lại trật tự nhưng nay vẫn còn là điểm nóng.

Rừng Quế Phong được coi là đầu nguồn của Nghệ An, trước đây được bảo vệ khá tốt, độ che phủ trên 70%, hầu hết là rừng nguyên sinh, chưa hề mở khai thác chính.

Từ ngày có các dự án mở đường (đường kinh tế nội huyện, đường xuyên quốc gia sang Lào, đường quốc phòng bảo vệ biên giới), khai thác khoáng sản và thủy điện triển khai thì đảo lộn hẳn. Đặc biệt, khi dự án thủy điện Hủa Na thi công, một vùng làng bản ở 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ đang yên lành sống chủ yếu bằng làm ruộng, bỗng trở nên xáo động. Nhiều khu dân cư, ruộng đất, vườn tược phải bỏ lại dưới lòng hồ để di dời tới nơi tái định cư mà hầu hết không đủ điều kiện sinh sống, họ phải dựa vào rừng. Rồi, bị bọn lâm tặc các nơi cùng bộ phận không nhỏ các đơn vị cơ quan trong vùng móc nối, chèo kéo, bỗng dưng họ lại trở thành lâm tặc. Sẵn tài nguyên rừng, sẵn đường sá, phương tiện của công trình, nơi đây mặc nhiên trở thành tụ điểm phá rừng. Tỉnh, huyện đã ra tay nhiều nhưng nay vẫn còn là điểm nóng.

Do vậy để quản lý bảo vệ rừng tốt, đâu chỉ việc đóng cửa rừng mà phải có biện pháp toàn diện, đồng bộ.

1. Bác Hồ đã chỉ cho rằng “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thực tế bảo vệ xây dựng rừng là dân, mà phá rừng cũng là dân, tùy sự ứng xử của cơ quan nhà nước. Bởi vậy nhà nước phải có chính sách “nương dân”. Nương như thế nào cần phải nghiên cứu đề xuất nhưng chung quy lại phải làm sao dân sống được, làm giàu được trong rừng, coi rừng như ruộng lúa, nương ngô của họ. Trong chương trình trọng điểm quốc gia, xây dựng nông thôn mới ở miền núi cần lưu ý vấn đề này.

2. Cần có chế độ cho chính quyền cấp xã, bản, ít nhất là chủ tịch, trưởng bản, tương đương với cán bộ và nhân viên kiểm lâm. Bởi họ là những người am hiểu dân tình, có thể bám dân, bám rừng và có quyền lực trong dân chúng. Được như vậy không nhất thiết phải đưa kiểm lâm về xã, trừ trường hợp biệt phái nhân viên kiểm lâm về làm chủ tịch xã thì rất hay. Kinh nghiệm ở huyện Quỳ Hợp đã có một trường hợp rất hiệu quả. Như vậy, lực lượng kiểm lâm không cần thật đông mà cần tinh, để kiểm tra giúp đỡ các địa phương thực hiện luật Bảo vệ và phát triển rừng.

3. Đối với mọi dự án phát triển kinh tế xã hội có sử dụng đến rừng, đặc biệt là thủy điện, làm đường phải có phương án quản lý bảo vệ rừng xem như một hợp phần của dự án mà chủ dự án phải chịu trách nhiệm thi hành, lâm sản phải được thu hồi cho ngân quỹ quốc gia, sung vào quỹ bảo vệ phát triển rừng, rừng bị mất hoặc bị tàn phá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(*): Tác giả hiện là KS. Nguyễn Đình Võ - PCT Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất