Mặc dù địa phương này đang lập dự án khôi phục và xây dựng cánh đồng lớn ca cao, nhưng số phận cây trồng này vẫn mong manh...
Cây ca cao chủ yếu trồng xen canh với loại cây trồng khác ở một số huyện như Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc. Đây cũng là vùng đất được các chuyên gia nước ngoài đánh giá có chất lượng hạt ca cao tốt nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ ca cao vì năng suất giảm, không cạnh tranh được với một số cây trồng khác.
Gia đình ông Tăng Văn Sơn ở ấp Liên Đức, xã Xà Bang trồng ca cao đã được gần 7 năm nay, với diện tích 1ha xen canh cà phê. Những năm đầu cây ca cao cho thu hoạch khá, đạt khoảng 4 - 5 tạ hạt ca cao khô/năm, nhưng từ năm ngoái đến nay, trái bị sâu đục không cho thu hoạch. Ông đã chặt bỏ hơn 100 cây và đang có ý định đốn bỏ cả vườn để chuyển sang trồng cà phê.
Theo ông Sơn, cây ca cao cho trái rải đều quanh năm, mỗi đợt thu hoạch chỉ được 20kg hạt khô khiến ông nản và không mặn mà với cây trồng này nữa.
Còn ông Hồ Sỹ Luyện ở ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang vốn là tập huấn viên khóa đầu tiên về ca cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những năm đầu ông đã đầu tư trồng được 2ha ca cao xen tiêu và cà phê. Tuy nhiên, sau mấy năm cây trồng đổ bệnh, lại không có người chăm sóc nên thất thu.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến vườn ca cao của gia đình ông Võ Đình Một ở ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, một trong số hộ trồng ca cao điển hình để tìm hiểu thêm.
Ông Một tâm sự: “Trước đây gia đình tôi trồng cà phê, tiêu, điều nhưng không hiệu quả. Năm 2003, tôi bắt đầu trồng xen ca cao khoảng 200 cây. Được dự án hỗ trợ tôi mở rộng diện tích lên 1,7ha ca cao (khoảng 1.200 gốc). Đồng thời, chọn lọc ghép cải tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng ca cao...”.
Nhà vườn chăm sóc hạt ca cao lên men trước khi xuất bán
Theo kinh nghiệm của ông Một, muốn vườn ca cao cho năng suất, chất lượng cao, trước hết phải có bộ giống chuẩn. Hơn nữa, quan trọng là nhà vườn phải đầu tư đúng mức, chịu khó và tâm huyết thì mới hiểu được đặc tính cây ca cao để chăm sóc tốt. Nếu không chỉ sau vài năm cây bị bệnh, giảm năng suất, nhà vườn sẽ nản…
Các hộ trồng ca cao ở đây cho hay, trong mấy năm đầu, cây ca cao thường cho sản lượng khá, năng suất bình quân đạt 1,6 tấn hạt/ha. Tuy nhiên, sau vài năm thu hoạch, cây ca cao chậm phát triển, năng suất thấp. Thậm chí, nhiều vườn bị bệnh nấm thối trái không cho thu hoạch.
Hơn nữa, từ năm 2014, giá ca cao bấp bênh, có thời điểm xuống rất thấp nên nhiều hộ đã chặt bỏ, chuyển sang trồng tiêu, cà phê. Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, số nông dân trồng và chăm sóc cây ca cao đúng kỹ thuật không nhiều. Một số hộ xem ca cao chỉ là cây trồng phụ, xen canh, ít đầu tư công chăm sóc nên năng suất thấp.
Trao đổi với PV NNVN, ông Trịnh Văn Thành, GĐ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) khẳng định, cây ca cao phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở các vùng Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành. Nếu được trồng đúng kỹ thuật, bón phân, tưới nước hợp lý thì năng suất ca cao sẽ rất ổn định.
Theo ông Thành, hiện công ty đã ký hợp đồng bao tiêu ca cao cho nông dân với giá 5.000 đồng/kg trái tươi và 60.000 đồng/kg hạt khô lên men. Tuy nhiên, đến nay diện tích ca cao trong tỉnh đã giảm mạnh do không cạnh tranh được một số cây trồng có giá trị cao như tiêu, bưởi... Tư tưởng người dân còn dao động khiến diện tích trồng mới ca cao rất hạn chế.
Theo bà Phạm Thị Thúy Yến, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất ca cao. Để tăng năng suất ca cao lên và nâng hiệu quả kinh tế, người trồng cần chú ý vấn đề giống, kỹ thuật canh tác. Hiện tại, giải pháp xen canh cà phê - ca cao, điều - ca cao... đang mang lại hiệu quả, nhưng cần sớm có quy hoạch, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung mới khai thác hết lợi thế của cây ca cao. |