| Hotline: 0983.970.780

Không có truyền thông trách nhiệm thì giống lúa BC15 đã bị xóa sổ

Thứ Ba 21/06/2022 , 06:17 (GMT+7)

Truyền thông không chính xác thì có thể giết chết một doanh nghiệp, giết chết một sản phẩm. Đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất sản diễn ra ngoài tự nhiên.

Viết bài không chính xác có thể giết chết một doanh nghiệp

Có thể khẳng định rằng, truyền thông và doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh. Truyền thông giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Từ đó, công chúng hiểu được doanh nghiệp, hiểu được sản phẩm của một tổ chức, cá nhân, địa phương, một quốc gia. Đồng thời, thông qua hợp tác truyền thông với doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm, các cơ quan báo chí có kinh phí để tiếp tục phát triển.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed.

Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed.

Không riêng ThaiBinh Seed, khi doanh nghiệp muốn đưa được sản phẩm đến người tiêu dùng thì phải thông qua nền tảng của các cơ quan truyền thông. Đặc biệt, Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị phát triển và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của Thaibinh Seed, của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất tốt.

Tôi lấy ví dụ, năm 2013, khi giống lúa BC15 bị lép hạt tại 11 tỉnh miền Bắc do gặp nhiệt độ xuống thấp lịch sử ngày 22/4. Hàng chục tờ báo đưa tin “Mất mùa vì giống lúa BC15”. Trong khi đó, đây là một dạng rủi ro thiên tai hiếm gặp, 38 năm mới xuất hiện 1 lần. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khi ấy đã thành lập một Hội đồng khoa học để đánh giá nguyên nhân.

Và, nếu Báo Nông nghiệp Việt Nam không tìm hiểu cặn kẽ sự việc, phỏng vấn các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học để lý giải về hiện tượng trên thì có lẽ, giống lúa BC15 sẽ bị xóa sổ và không còn là giống chủ lực như bây giờ.

Thêm một câu chuyện khác, năm 2008, một tờ báo phản ánh về hiện tượng lúa trổ bông sau 20 ngày gieo cấy ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Đây là chuyện vô cùng ngược đời và phi khoa học. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết là trong đợt rét lịch sử khiến nhiều diện tích lúa bị chết, bà con nông dân phải cấy lại dẫn đến thời gian lúa chín kéo dài.

Tuy nhiên, bà con vẫn gieo mạ vụ hè thu theo lịch cũ, cho nên khi gieo mạ rồi lúa mới trỗ. Người ta phải chờ đến khi lúa chín để gặt thì mới đem mạ ra ruộng cấy, dẫn đến hiện tượng lúa trỗ sau 20 ngày.

Cộng tác viên của tờ báo ấy chỉ phỏng vấn nông dân và những người không có chuyên môn rồi viết tin. Chính vì vậy, hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp bị méo mó đi, và phải đến khi các cơ quan báo chí khác giải thích vì sao có hiện tượng trên thì công chúng mới hiểu bản chất sự việc. Qua hai ví dụ trên, tôi muốn nói rằng, nếu truyền thông đưa tin không được kiểm chứng thì rất nguy hiểm.

Tôi đã từng nói tại hội thảo “Doanh nghiệp và truyền thông” tại Huế, rằng: “Truyền thông không tốt, không chính xác thì có thể giết chết một doanh nghiệp, giết chết một sản phẩm. Đặc biệt là trong ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất sản diễn ra ngoài tự nhiên. 1 hạt giống cây trồng có 90% thời gian sinh trưởng ở ngoài đồng, bị tác động của rất nhiều yếu tố khí tượng thủy văn, thiên tai. Đó là những trường hợp bất khả kháng. Nếu cơ quan truyền thông không kiểm chứng trước khi đưa tin, thì sẽ khiến một doanh nghiệp phá sản.

Tôi coi mình là một sản phẩm

Có lần tôi đi vào Bạc Liêu thăm điểm khảo nghiệm giống lúa BC15. Từ nhà công tử Bạc Liêu đến đó khoảng 40km nhưng phải đi bằng 4 loại phương tiện: Đi xe ô tô, rồi xe ôm qua cầu khỉ, xuống xuồng 3 lá dọc kênh nhỏ rồi đi bộ đến thửa ruộng, vậy mà một bà lão ở đó vừa nhìn thấy tôi đã nhận ra ngay.

Ông Trần Mạnh Báo: Truyền thông cũng hỗ trợ đắc lực để nông dân kết nối với doanh nghiệp.

Ông Trần Mạnh Báo: Truyền thông cũng hỗ trợ đắc lực để nông dân kết nối với doanh nghiệp.

Hay một lần tôi về xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, chúng tôi ra ngoài đồng lội ruộng cả buổi sáng. Lúc 11h trưa, khi về trụ sở hợp tác xã, thấy bà con ngồi đó rất đông. Giữa trưa nắng như đổ lửa. Tôi hỏi ông Nhạc - Giám đốc hợp tác xã “sao trời nóng như vậy mà bắt bà con ngồi đây?”. Ông bảo: “Hôm nay không có họp hành gì đâu anh ạ. Em nói hôm nay anh Báo vào nên bà con đợi ở đây để nhìn mặt anh chút thôi. Vì người ta nhìn thấy anh trên truyền thông nhiều rồi, bây giờ người ta muốn nhìn thực sự anh là con người thế nào”.

Đôi khi, tôi cứ coi mình là một sản phẩm, thông qua truyền thông thì hình ảnh cá nhân của tôi mới đến được với bà con. Với ThaiBinh Seed cũng vậy. Nếu không có truyền thông thì chắc chắn hạt giống của công ty không bao giờ có giá trị cao như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, truyền thông có hai mặt. Khi truyền thông tốt, truyền thông đúng, người ta sẽ yêu quý sản phẩm đó và tôn trọng cơ quan báo chí. Ngược lại, nếu truyền thông không đúng, người ta sử dụng sản phẩm không tốt thì sẽ tẩy chay sản phẩm đó, cơ quan báo chí đó sẽ bị gắn mác là “truyền thông lá cải”.

Vai trò phản biện xã hội và thúc đẩy chính sách

Thực tiễn đời sống xã hội luôn thay đổi không ngừng, và chính sách thường được xây dựng sau để giải quyết các tồn tại, bất cập. Trong khi đó, nhiều người dân, doanh nghiệp khó có thể gặp Thủ tướng, các Bộ trưởng… để phản ánh các vướng mắc do cơ chế, chính sách lỗi thời. Chỉ có thông qua sản phẩm báo chí truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước mới nắm được.

Như vậy, truyền thông giúp phản biện xã hội, phản biện chính sách, giúp cho việc xây dựng chính sách phù hợp với đời sống hơn, làm cho xã hội tốt lên.

Ví dụ, trước đây có tình trạng lúa gạo ế hàng, tiêu thụ trong nước khó khăn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại bị kìm hãm bởi hạn ngạch. Đó là sự vô lý. Khi Báo Nông nghiệp Việt Nam vào cuộc, phản ánh, nhà nước đã tháo bỏ nút thắt này và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, trên thị trường, có rất nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo bán sản phẩm giả, kém chất lượng. Và từ điều tra, phản ánh của truyền thông, những hiện tượng này mới dần dần giảm đi, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mạnh mẽ hơn để kiểm soát.

Ông Trần Mạnh Báo: Truyền thông giúp phản biện xã hội, phản biện chính sách, giúp cho việc xây dựng chính sách phù hợp với đời sống hơn

Ông Trần Mạnh Báo: Truyền thông giúp phản biện xã hội, phản biện chính sách, giúp cho việc xây dựng chính sách phù hợp với đời sống hơn

Truyền thông cũng hỗ trợ đắc lực để nông dân kết nối với doanh nghiệp; giúp nông sản đến được tay người tiêu dùng. Truyền thông cũng góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và cung cấp cho họ tri thức mới, kỹ thuật mới, thông tin mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro về thị trường, thiên tai…

Cũng thông qua truyền thông, doanh nghiệp hiểu hơn về thị trường, công nghệ, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, dự báo cung - cầu hàng hóa, từ đó doanh nghiệp hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Có lần tôi dự cuộc họp ở Ấn Độ. Khi vào phòng đăng ký đại biểu, có một người vận trang phục truyền thống của người Bangladesh chạy đến ôm tôi và nói “Chào ông Báo”, trong khi tôi không biết họ là ai.

Ông ấy nói đã xem phóng sự về ThaiBinh Seed trên kênh truyền hình VTV4 và thấy rằng ThaiBinh Seed là công ty sản xuất giống cây trồng lớn của Việt Nam, tham gia Hiệp hội Giống cây trồng Châu Á - Thái Bình Dương.

Do đó, truyền thông mang đến cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi khi chúng ta làm bất cứ cái gì thì dứt khoát phải tìm hiểu thông tin.

Trong thời gian tới, có một số vấn đề báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ, thứ nhất là phản biện chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế hợp tác công tư giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng triển khai thực hiện còn rời rạc, lỏng lẻo.

Thứ ba là cần tăng cường truyền thông để hình thành đội ngũ người nông dân có tri thức, có trình độ khoa học công nghệ và am hiểu kinh tế thị trường, tôn trọng luật pháp và tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Minh Phúc (ghi)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.