Trần Mạnh Báo từ đầu chí cuối, từ trong ra ngoài đều nông dân toàn tòng. Giờ đây ngay cả khi ông đã là chủ một doanh nghiệp giống cây trồng lớn, có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ đến nền nông nghiệp nước nhà, ông vẫn giữ nguyên tác phong, sở thích, nếp sinh hoạt bỗ bã, tối giản của một người cả đời gắn với đồng đất, vườn tược, ao hồ. Có cảm giác tách ông ra khỏi cánh đồng, chả khác nào tách cá ra khỏi nước.
Những bức hình chụp ông đẹp nhất, là khi ông ở ngoài đồng, bên ruộng lúa, ruộng ngô hay khi đối thoại với bà con nông dân, cũng là những khách hàng chung thủy của ông.
Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá Trần Mạnh Báo, là một sai lầm lớn mà chính tôi cũng suýt mắc phải. Hóa ra ông không đơn giản như những gì ông thể hiện. Chẳng hạn ông hiểu ý người khác rất nhanh và đưa ra quyết định cũng rất nhanh.
Sau vài lần tiếp xúc, tôi nhận ra rằng, ẩn sâu dưới những nếp nhăn khắc khổ, là một tâm hồn không chỉ tinh tế mà còn khá phức tạp. Không dễ để hiểu được ông đang nghĩ gì nếu chỉ dựa vào những biểu hiện trên nét mặt hay ở tiếng cười luôn sảng khoái, ở những câu chuyện hài hước kiểu nông dân.
Vì thế, tôi quyết định đọc cẩn thận cuốn tự truyện của ông, có tên “Đối thoại với cánh đồng”. Những cuốn sách loại này, của một tác giả làm doanh nghiệp, thường khiến ta dễ tặc lưỡi bỏ qua. Giỏi lắm thì chỉ đến mức họ kể lể, khoe khoang về công việc, về công cuộc vượt muôn trùng gian khó (phần nhiều là bịa hoặc tô vẽ) trước khi đến được thành công, khiến những người khác nể phục, thèm khát và có phần ghen tức. Mặc, họ sẽ lấy cuộc đời mình ra làm tấm gương, dạy bảo (và trêu ngươi) những kẻ đang thất bại.
Nếu bạn cũng nghĩ thế về “Đối thoại với cánh đồng”, thì trước hết là một thiệt thòi cho bạn. Bởi khác với nhiều cuốn tự truyện thể nào cũng dùng xảo ngôn để đánh lừa người đọc, Trần Mạnh Báo cứ giữ y nguyên lối kể, lối nói của một nông dân.
Và cuốn sách giá trị chính ở chỗ đó, ở sự chân thực có phần trần trụi, thô mộc. Chẳng hạn đọc những trang ông kể về thời đánh nhau ở chiến trường miền Nam, nhiều chỗ cứ khiến tôi cảm thấy tức ngực, rất khó thở. Làm sao trong những hoàn cảnh kinh hoàng như vậy, khi giá mà chết được là sướng nhất, người ta vẫn có thể vượt qua, vẫn có thể bám víu vào từng sợi dây sự sống mỏng manh để không rơi xuống đáy hố chiến tranh, vẫn bền bỉ nuôi và nhen ngọn lửa hy vọng được sống trở về.
Nhiều tình huống nếu không phải là sự thật được kể lại, hẳn tác giả không biết xoay sở tiếp thế nào. Nếu là tôi, ở những chỗ như vậy chắc cũng đành “bó bút”. Ý tôi muốn nói, nhiều lúc hiện thực vượt xa trí tưởng tượng và chỉ người trong cuộc chứng kiến mới có thể viết lại.
Tôi dám khẳng định, đó là những trang viết về chiến tranh, dù không nhiều, vào loại hay nhất của nền văn học.
Suốt đời gắn với cái gốc nông dân của mình, nhưng Trần Mạnh Báo cũng lại là người cả nghĩ, giàu mơ mộng, nhiều khát vọng. Có điều kiện đến nhiều nơi trên thế giới, có những nơi chả khác mấy hình dung của ông về Thiên đường, nhưng thay vì tìm cách hưởng thụ, ông luôn tranh thủ mày mò, khám phá, để tìm hiểu xem vì sao họ được như vậy.
Đó là những đêm nằm vắt trán trong khách sạn năm sao trăn trở suy nghĩ về quê hương mình, so sánh với những gì mình chứng kiến, mơ ước ngày nào đó đất nước mình cũng mở mày mở mặt như họ.
Đó là những hôm kiến tập tại những trung tâm công nghệ, tạo giống cây hàng đầu thế giới. Có lần ông bỏ cả ăn chỉ để nấn ná thêm thời gian quan sát cách thức họ tổ chức nghiên cứu, ghi nhớ mô hình, may ra mình học được gì mang về.
Chúc mừng ông sang tuổi bảy hai cùng với nửa thế kỷ âm thầm, da diết “Đối thoại với cánh đồng”.
Ông xứng đáng là người hùng của những người nông dân.