Thay đổi từ nhận thức
Có thể nói rằng, mặc dù mức hỗ trợ chưa nhiều, tuy nhiên những gì mà chương trình “Không còn nạn đói” thực hiện ở tỉnh Quảng Nam tương đối thành công. Đặc biệt là vấn đề về thay đổi nhận thức, cách tạo sinh kế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, gia tăng thu nhập của người dân miền núi vốn còn gặp vô vàn khó khăn.
Tại tỉnh Quảng Nam, chương trình Hành động quốc gioa “không còn nạn đói” được triển khai duy nhất tại xã Sông Kôn (huyện Đông Giang). Theo đó, Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng đã đề xuất và trình Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án: Xây dựng mô hình muôi vịt đẻ trứng và vịt thịt.
Có 30 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia dự án. Kinh phí cho toàn bộ dự án là 490 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng còn lại là kinh phí đối ứng của người dân. Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hộ dân được cấp giống vịt xiêm nuôi hướng thịt; giống vịt Khaki Campel nuôi hướng trứng cùng thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc thú y.
Mục tiêu của chương trình nhằm tạo sinh kế ổn định, phù hợp, giảm nghèo bền vững cho người dân tham gia thông qua việc tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của các hộ tham gia mô hình cao hơn hiện tại.
Thêm nữa là giải quyết thời gian nông nhàn cải thiện đời sống người dân, góp phần giúp dân thoát nghèo; Tận dụng được nguồn phế phẩm tại địa phương để bổ sung thêm thức ăn cho chăn nuôi, giảm chi phí; Giúp nâng cao ý thức làm ăn hiệu quả của người dân, tăng tình đoàn kết của người dân càng gắn bó mật thiết hơn.
Với sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ làm chương trình, đến nay, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ vẫn đang duy trì được đàn vịt với số lượng lên đến vài chục con. Vịt giống ấp nở, sinh trưởng tốt. Các hộ nuôi đã có nguồn thu, có vốn đầu tư thêm các loại cây, con khác để phát triển kinh tế.
Dẫn chúng tôi đến thôn K8m, địa phương được lựa chọn để triển khai chương trình cách trung tâm xã Sông Kôn gần 10km, anh Bríu Tư (cán bộ lâm nghiệp xã Sông Kôn) cho biết, đây là thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ tu, cuộc sống trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.
Ngoài ra, đồng bào ở thôn K8 cũng sản xuất nông nghiệp theo tập quán cũ, thiếu vốn đầu tư cũng như chưa có mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi hiệu quả.
“Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà nơi đây đã được đầu tư nâng cấp hệ thống đường sá. Giao thông đi lại thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, địa phương cũng được hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế nên đời sống của người dân cũng được nâng lên đáng kể. Một trong số đó có thể kể đến là chương trình Không còn nạn đói”, anh Tư chia sẻ.
Cũng theo anh Tư, nếu như trước đây bà con ở trong thôn này chỉ có thu nhập từ trồng, làm rẫy keo thuê và trồng lúa trên nương thì bây giờ nhiều hộ đã phát triển được những mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong vườn nhà. Người dân không những có của ăn, của để mà còn tự làm ra sản phẩm để bán, có nguồn thu, nhờ đó, họ chủ động hơn trong cuộc sống.
Cần tiếp tục duy trì sau thời gian dài gián đoạn
Gia đình anh Alăng Nhơng (trú thôn K8, xã Sông Kôn) là 1 trong những hộ dân được hỗ trợ vịt giống từ chương trình “Không còn nạn đói”. Anh Nhơng cho biết, trước đây gia đình anh rất vất vả, nhà chỉ có 1ha đất trồng keo và vài sào lúa rẫy. Nếu năm nào thời tiết thuận lợi, làm cũng chỉ đủ ăn. Khi gặp thiên tai, hạn hán, bão lũ, lúa mất mùa thì khó khăn chồng chất. Cái nghèo cứ mãi đeo bám.
Năm 2020, được dự án hỗ trợ cho 15 con vịt giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, anh Nhơng đã nhanh chóng tiếp thu và thực hiện theo. Sau 1 thời gian, đàn vịt của gia đình anh phát triển tốt, đạt tỷ lệ sống 100%. Anh Nhơng để lại 4 con làm giống để phát triển đàn, số còn lại sử dụng làm thực phẩm trong gia đình và bán cho các hộ dân trong vùng.
Từ 4 con giống nói trên, anh Nhơng cho ấp đẻ và đến nay đàn vịt của gia đình đã lên đến gần 40 con. Nhờ nắm rõ quy trình chăm sóc, kỹ thuật phòng bệnh mà lứa vịt nào cũng thành công như mong đợi.
“Giống vịt này thịt ngon hơn các giống phổ biến ở địa phương, sức đề kháng tốt nên ít khi bị dịch bệnh. Mỗi con vịt trưởng thành thường có trọng lượng trung bình khoảng 3kg, giá bán hiện nay ở đây là 100.000 đồng/kg nên hiệu quả kinh tế rất cao. Cũng nhờ bán vịt mà tôi có được nguồn vốn để mua giống heo rừng lai về nuôi, đầu tư trồng thêm một số cây ăn quả trong vườn. Hiện tất cả đều sinh trưởng tốt, cho thu nhập tuy chưa nhiều nhưng đều đặn, cuộc sống gia đình dần ổn định hơn”, anh Nhơng tâm sự.
Cách nhà anh Nhơng không xa, gia đình anh Bling Tre cũng được hỗ trợ 15 con vịt giống nuôi theo hướng thịt. Do điều kiện thời tiết có nhiều lúc không thuận lợi, từ lúc đưa giống về đến thời điểm xuất bán, đàn vịt của anh Tre bị hao hụt, tuy nhiên không đáng kể. Sau gần 2 năm, anh Tre vẫn duy trì và phát triển đàn vịt được hỗ trợ lên đến 30 con. Hiện, mỗi con đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2kg, sau vài tháng nữa có thể xuất bán.
“Dự án đã giúp cho người dân chúng tôi biết cách chăn nuôi như thế nào cho hiệu quả. Chẳng hạn như việc làm chuồng trại kiên cố thay vì thả rông ngoài tự nhiên, được con nào hay con đó như trước cho đến cách theo dõi, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy mà vịt lớn nhanh, hạn chế được rất nhiều rủi ro.
Nhờ đàn vịt này mà gia đình tôi có thực phẩm để cải thiện bữa ăn và bán lấy tiền phục vụ sinh hoạt. Sắp tới, với đàn vịt sau khi bán thương phẩm, tôi sẽ tiếp tục giữ lại vài con làm giống nhằm phát triển đàn nhiều hơn nữa. Nếu sắp tới, có những mô hình như thế này thì gia đình tôi cũng rất muốn tham gia”, anh Tre chia sẻ.
Bà Đinh Thị Ngơi, chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho biết, chương trình “Không còn nạn đói" được triển khai trên địa bàn không những hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận phương thức sản xuất chăn nuôi mới; giúp nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây được xem là yếu tố quan trọng để người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi, hình thành thói quen chăn nuôi có chuồng trại giúp ngăn ngừa dịch bệnh trong từng hộ dân miền núi.
“Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật từ các lớp tập huấn mà nhận thức về chăn nuôi của người dân tăng lên rõ rệt. Tập quán chăn nuôi theo cách cũ, hiệu quả thấp dần bị xóa bỏ. Dự án ở địa phương có thời điểm gián đoạn, vì thế, chính quyền địa phương mong muốn Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp các hộ dân khó khăn khác sớm tiếp cận mô hình chăn nuôi theo phương thức mới, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững”, bà Đinh Thị Ngơi, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn nói.