Ngày 21/4, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo về “An ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu và bộ chỉ số giám sát, đánh giá chương trình Không còn nạn đói”.
Hội thảo là dịp các chuyên gia chia sẻ nghiên cứu về an ninh lương thực trong tình hình mới gắn với các các kịch bản sử dụng đất lúa, thúc đẩy nông nghiệp dinh dưỡng và giám sát thực hiện Chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói.
Việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực với tình hình năng suất và sản lượng có thể bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu dân. Tuy nhiên với sự tác động của biến đổi khí hậu và tình hình thế giới biến động khó lường, việc phát triển hệ thống LTTP trong bối cảnh mới vẫn là một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tháng 7/2021, Việt Nam đã công bố và cam kết xây dựng một hệ thống LTTP minh bạch, bền vững, có trách nhiệm đối với không chỉ 100 triệu dân trong nước mà còn đối với những sản phẩm xuất khẩu.
Chương trình “Không còn nạn đói” ra đời theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dựa trên cam kết này và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Trong thời gian triển khai từ năm 2018 đến năm 2025, chương trình đặt ra 5 mục tiêu chính đó là đảm bảo tất cả các hộ nông dân, người dân được tiếp cận lương thực an toàn và dễ dàng nhất; hệ thống LTTP đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm; phát triển sản phẩm nông nghiệp giàu giá trị dinh dưỡng để không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập; chống thất thoát, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí LTTP.
Theo TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, đây thực chất là chương trình phát triển hệ thống LTTP hướng đến bảo đảm giảm đói, nghèo nhưng rộng hơn là giảm "đói", "nghèo" dinh dưỡng.
“Tại Việt Nam, tình hình thiếu dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Hệ thống LTTP mà Việt Nam xây dựng không hẳn là câu chuyện thất thoát, lãng phí sau thu hoạch mà còn tính đến hiệu quả của việc sử dụng, tránh thất thoát LTTP ngay trên bàn ăn”, TS. Thịnh cho biết.
Theo TS. Thịnh, giai đoạn đầu của chương trình (2018-2020) nhằm thí điểm các mô hình nông nghiệp Không còn nạn đói, hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh truyền thông và chuẩn bị xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn. Từ năm 2021-2025, chương trình sẽ được mở rộng đến 1,700 xã nghèo, đói nhất Việt Nam.
Để giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình “Không còn nạn đói”, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn và các tổ chức tư vấn xây dựng Bộ chỉ số giám sát, đánh giá chương trình trong thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022.
Theo đó, Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau: các chỉ số đảm bảo tiêu chuẩn SMART (cụ thể, đo lường được, tính khả thi, tính thực tế, có thời hạn); khai thác nguồn số liệu sẵn có, có thể thu thập được qua hệ thống chỉ tiêu thống kê hoặc qua báo cáo hành chính các cấp, số lượng các chỉ số ở mức độ hợp lý, có thể quản lý và giám sát được; căn cứ vào Kế hoạch chương trình hành động Quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018. Bộ chỉ số phải phản ánh đầy đủ 5 mục tiêu hay trục nội dung kể trên.
Tại hội thảo, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã tiếp thu nhiều ý kiến từ các chuyên gia của Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Dinh dưỡng… để chỉnh sửa dự thảo và xây dựng Bộ chỉ số hoàn thiện hơn.