Trước những lo ngại ngày càng tăng về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Theo ông Nguyễn Bá Trình, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Anh (Hà Nội), với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng mua bán online, công việc kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ truyền thống gặp không ít khó khăn.
“Tôi thường xuyên phải động viên các tiểu thương để giúp họ có thêm động lực tiếp tục công việc kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích các tiểu thương sản xuất và chế biến thực phẩm sạch, đảm bảo yêu cầu theo quy định về ATTP để giữ chân khách hàng”, ông Trình chia sẻ.
Để đảm bảo ATTP với các sản phẩm tại chợ truyền thống, ngoài tuyên truyền các chính sách và quy định pháp luật, Ban Quản lý chợ đã phối hợp với chính quyền địa phương lấy mẫu hàng hóa để kiểm tra và phân tích chất lượng thực phẩm định kì. Các kết quả này được công khai và thông báo rộng rãi, giúp người tiêu dùng có thông tin chính xác, minh bạch về sản phẩm mà mình mua.
Các chủ sạp đã đăng ký kinh doanh tại chợ được yêu cầu cung cấp đầy đủ các văn bản xác nhận nguồn gốc và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với các chủ sạp chưa đăng ký, Ban Quản lý yêu cầu ký cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP.
Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện mạnh mẽ qua hệ thống loa đài, tờ rơi, khuyến khích các tiểu thương nhập sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đạt chuẩn ATTP, như thịt, rau được cung cấp từ các lò mổ, trang trại có chứng nhận ATTP.
“Về vấn đề vệ sinh trong buôn bán và giết mổ, Ban Quản lý chợ thường xuyên giám sát để đảm bảo các quy trình này được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế còn gặp phải nhiều khó khăn như giờ làm việc, giết mổ của tiểu thương bắt đầu từ sáng sớm (3-4 giờ sáng) và chế biến tại chỗ, rất khó để tuân thủ tuyệt đối các quy định. Do đó, cần nâng cao nhận thức để các tiểu thương chủ động chế biến và sản xuất thực phẩm an toàn”, ông Trình cho biết.
Nâng cao truyền thông để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp, an toàn thực phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng và giá trị thực phẩm, các doanh nghiệp luôn nỗ lực để đạt được các chứng nhận ATTP từ khâu sản xuất, chế biến cho đến thành phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tái chứng nhận sản phẩm khi hết hạn, đảm bảo các sản phẩm luôn tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường.
Về mặt chiến lược, cần minh bạch với người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời liên kết để giảm chi phí logistics, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị và giảm giá thành. Trong tương lai, sản xuất phải gắn với các tiêu chí bền vững như giảm phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Không đảm bảo ATTP tốt thì không thể bán ra sản phẩm. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức và có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thông tin rõ ràng. Đảm bảo ATTP đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông mang tính lan tỏa cao về ATTP. Bên cạnh đó, tạo ra những điểm nhấn riêng biệt để người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bền vững, gắn với lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường”, bà Hạnh nói.
TS Hạ Thúy Hạnh cũng nhấn mạnh vai trò truyền thông trong nâng cao nhận thức vấn đề làm sạch khi sản xuất thực phẩm. Cụ thể, người dân cần hiểu rằng, sản xuất thực phẩm đảm bảo vệ sinh không nhất thiết phải áp dụng những biện pháp quá tốn kém hay phức tạp. Thực tế, có thể thay đổi những thói quen đơn giản, ít tốn chi phí nhưng lại đem lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Một trong những biện pháp dễ thực hiện là việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại, nơi chăn nuôi, để ngăn ngừa sự phát sinh của vi khuẩn và mầm bệnh. Bên cạnh đó, rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm, hạn chế sự lây lan của vi khuẩn từ người chế biến sang thực phẩm. Việc cải tiến trang thiết bị chế biến: sử dụng bàn inox thay vì các bàn gỗ truyền thống sẽ giúp người dân dễ dàng vệ sinh và an toàn hơn trong quá trình chế biến thịt.