Theo TS Fred Unger, Trưởng Đại diện Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) tại châu Á, Nhóm công tác An toàn thực phẩm trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe (OHP) được đồng chủ trì bởi Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ tài Nguyên và Môi trường và ILRI, ra đời vào tháng 9/2023.
Mục tiêu hoạt động của nhóm là góp phần cải thiện an toàn thực phẩm tại Việt Nam và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm Việt Nam cho tiêu dùng trong nước và thương mại quốc tế.
Hiện nay, thành viên của nhóm gồm hơn 60 tổ chức, mạng lưới, đang tích cực tham gia và đóng góp vào các nỗ lực ứng phó với an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Trong đó, nhóm mở rộng bao gồm các tổ chức phi chính phủ (NGO), tổ chức xã hội dân sự (CSO), khu vực tư nhân và các hiệp hội ngành.
Đại diện ILRI châu Á thông tin, tại Việt Nam, các can thiệp về an toàn thực phẩm được thực hiện ở các quầy thịt lợn tại một số chợ truyền thống và lò giết mổ. Cụ thể, về chợ, chương trình triển khai tại 5 địa phương từ tháng 9/2023 đến nay, bao gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và Cần Thơ. Trong đó, có 34 chợ can thiệp và 34 chợ đối chứng, can thiệp tập trung vào các quầy thịt lợn.
Việc can thiệp nhằm cải thiện các thực hành an toàn thực phẩm và kiến thức cho người bán thịt lợn và giảm mức độ ô nhiễm vi sinh (Salmonella, TBC) tại các quầy thịt lợn.
Đối với các lò mổ, chương trình được thực hiện tại các lò mổ quy mô nhỏ và vừa tại 4 địa phương từ tháng 7 - 11/2024 gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ với 8 lò mổ can thiệp và 8 lò mổ đối chứng. Mục tiêu cũng nhằm cải thiện các thực hành an toàn thực phẩm và kiến thức cho người làm việc tại các lò mổ và giảm mức độ ô nhiễm vi sinh (Salmonella, TBC).
Những kết quả tích cực
TS Fred Unger cho biết, sau khi thực hiện can thiệp an toàn thực phẩm, các chỉ số về hành động và nhận thức đối với việc chế biến, tiêu thụ thịt lợn tại các lò mổ và chợ truyền thống đều tăng.
Về hành động, điểm số liên quan đến người cung cấp đảm bảo rửa tay bằng xà phòng, dao sạch, thớt sạch, sử dụng các dụng cụ có bề mặt dễ vệ sinh và phân loại sản phẩm.
Điểm số về phần cứng là nơi rửa tay, xà phòng/chất tẩy rửa, chất khử trùng, dao riêng cho các sản phẩm khác nhau. Điểm số về nhận thức là nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sạch sẽ và an toàn.
Bên cạnh đó, tổng số lượng vi khuẩn trên mẫu thịt lợn và thớt cùng với tỷ lệ nhiễm Salmonella trên mẫu thịt lợn đều giảm sau khi có sự can thiệp của nhóm công tác.
Chưa kể, doanh thu của những người tham gia can thiệp an toàn thực phẩm tăng và giá trị của thịt dự trữ lưu kho cũng như giá bán của phần thịt phổ biến nhất (thịt ba chỉ) cũng tăng.
Các hoạt động của nhóm công tác tại Việt Nam đã tích hợp với các chương trình an toàn thực phẩm cộng đồng và có sự hợp tác Một sức khỏe giữa y tế và thú y, sử dụng phương pháp đào tạo an toàn thực phẩm tương tác.
Trong đó, những người bán hàng đã thể hiện sự nhiệt tình tham gia trong suốt quá trình đào tạo, tuy nhiên lại thiếu cơ sở hạ tầng để tuân thủ các thực hành được đề xuất. Kết quả kinh doanh tại các chợ can thiệp được cải thiện và chỉ tiêu vi sinh vật học cải thiện cũng được quan sát thấy.
"Sự liên kết mạnh mẽ với các bên liên quan tại địa phương là yếu tố quan trọng để tiếp nhận và tạo ra ảnh hưởng", lãnh đạo ILRI châu Á khẳng định.
Thông qua những kết quả trên, Trưởng Đại diện ILRI tại châu Á cho rằng, việc tích hợp các Nhóm công tác An toàn thực phẩm vào các quy trình quốc gia có thể được chuyển thành chính sách và thực hành để thúc đẩy an toàn thực phẩm.
"Những kinh nghiệm này từ Việt Nam có thể hữu ích cho các quốc gia khác trong việc thành lập các Nhóm công tác An toàn thực phẩm để cải thiện an toàn thực phẩm thông qua các nỗ lực phối hợp", ông Fred Unger nói.