Bão số 8 di chuyển rất nhanh
Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 8 (tên quốc tế là Kompasu).
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, vào hồi 15 giờ ngày 12/10, bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km, cách Nghệ An - Hà Tĩnh 1.180km.
Cơn bão số 8 được dự báo sẽ di chuyển nhanh với tốc độ 25-30km/h, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Khi đi vào vịnh Bắc bộ, bão số 8 có sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10 và dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa ngày 14/10.
Do ảnh hưởng của bão số 8, từ chiều ngày 13-14/10, Bắc bộ và Quảng Trị có mưa từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt; Thanh Hóa - Quảng Bình có mưa 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Từ ngày 13-15/10, Bắc bộ và từ Thanh Hóa - Quảng Trị xảy ra một đợt lũ với đỉnh lũ ở thượng lưu lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2, riêng sông Thao (tỉnh Yên Bái) và sông Bôi (tỉnh Hòa Bình) đạt mức BĐ2; hạ lưu các sông chính còn dưới mức BĐ1.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, gần 54.000 tàu, với khoảng 234.000 người đã được thông báo và hướng dẫn cho biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó, có 3 tàu, với 29 lao động còn hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển phòng tránh. Hiện các tỉnh gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tiếp tục duy trì việc cấm biển.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch sơ tán gần 65.500 hộ với 247.997 người dân nếu bão đổ bộ với cấp 9-10.
Không để xảy ra sự cố đáng tiếc như bão số 7
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tuy cơn bão số 7 vừa qua không quá lớn nhưng vẫn xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người. Từ đó, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan với cơn bão số 8.
“Công tác ứng phó thiên tai càng căn cơ, càng tập trung thì thiệt thại càng giảm, chúng ta càng chủ quan thì thiệt hại càng lớn. Chúng ta cần đặt mục tiêu từ nay đến cuối mùa mưa bão phải hạn chế một cách thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Để thực hiện được mục tiêu đó, cũng như ứng phó kịp thời với cơn bão số 8 trước mắt, đầu tiên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình và kêu gọi tàu thuyền và người dân không chỉ trên biển mà còn trên đất liền về khu vực an toàn. Tuyệt đối không để người dân còn ở trên biển khi bão đến gần.
Thứ hai, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương sơ tán người dân trong khu vực đô thị, nhà xuống cấp, khu vực có khả năng sạt lở, đặc biệt là người dân ở khu vực có mưa nhiều trong những ngày qua.
“Đồng thời phải tránh tình trạng dồn người dân vào khu cách ly Covid-19. Đối với khu cách ly tập trung người dân từ những vùng có dịch về, các địa phương cần rà soát và có biện pháp đảm bảo an toàn”, Phó Thủ tướng nói.
Thứ ba, đối với 26.000 người dân từ phía Nam đang di chuyển ra phía Bắc, các địa phương cần bố trí lực lượng thông tin và sớm đưa về khu tập trung, hỗ trợ chỗ ăn chỗ ở, sau bão có thể di chuyển tiếp.
Thứ tư, Phó Thủ tướng cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, phân công lực lượng trực tại những điểm xung yếu.
Thứ năm, theo Phó Thủ tướng, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 7, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm từ trung ương đến địa phương, đến từng tổ dân phố, khu dân cư để không xảy ra sự cố đáng tiếc đối với cơn bão số 8.
Bão số 7 và mưa lũ sau bão làm 2 người chết tại Yên Bái; 5 nhà bị sập, hư hỏng; 375 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 19 điểm đường giao thông bị sạt lở đã được khắc phục để thông tuyến; một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác.