| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 02/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 02/06/2015

Không được bỏ tử hình quan tham!

Đó là vấn đề đặt ra của thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Thiếu tướng Tỷ nêu vấn đề trên tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự mới đây của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, khi ban soạn thảo đưa ra việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh tham nhũng.

Nguyên văn lời phát biểu của thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ như sau: “Làm cán bộ có mấy năm mà trong nhà có tới vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng, thì lấy ở đâu ra, nếu không tham nhũng.

Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa. Nếu bỏ mức án này (tử hình) thì biết ăn nói với cử tri thế nào”.

Lời phát biểu thẳng thắn của vị thiếu tướng đã phơi bày một thực trạng xã hội có thực, đang tồn tại rất lâu, trở thành “quốc nạn”, khiến kinh tế đất nước kiệt quệ, niềm tin của nhân dân vào chế độ bị bào mòn.

Đó là có một đội ngũ giàu lên rất nhanh, đục khoét của dân, chỉ sau mấy năm làm cán bộ, nguồn gốc của việc “giàu rất nhanh” ấy là do tham nhũng.

Mà đội ngũ đó chắc chắn phải là những người có chức có quyền. Không có học, không có chức, có quyền, đừng hòng tham nhũng.

Nhưng trên thực tế, chúng ta chưa lôi ra ánh sáng được bao nhiêu, nói như nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ, “chúng ta mới chỉ xử lý những vụ tham ô vặt, vài ba chục triệu, vài ba trăm triệu. Quy định thật nặng, thật to nhưng không thực hiện được thì chỉ càng làm mất lòng tin của dân”. 

Ý kiến trên của thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu khác.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã bày tỏ ý kiến: “Người nghèo đi buôn ma túy bị án tử hình. Không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền còn không đồng ý với cả việc không áp dụng hình phạt tử hình với người già từ 70 tuổi trở lên mà phạm tội tham nhũng.

Còn Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: "Tội tham nhũng nếu bảo bỏ (hình phạt tử hình) thì người ta lại bảo bỏ không chống tham nhũng nữa. Điều này không thuyết phục”…

Khoản 4 điều 278 (tội tham ô tài sản) của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người nào chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tham ô có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên đã bị tử hình.

Mà trên thực tế, số người có tới “vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng” do tham nhũng, đang rất nhiều. Nếu bỏ hình phạt tử hình mà thay bằng hình phạt nộp tiền, chắc chắn bọn tham nhũng sẽ tổ chức ăn mừng. Và sau đó tham nhũng đương nhiên sẽ càng lộng hành hơn.

Bởi nếu có bị phát hiện (mà số bị phát hiện, thực tế, chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số kẻ tham nhũng), thì chỉ việc nộp lại số tiền tham nhũng là cầm chắc mạng sống. Tính răn đe của pháp luật sẽ bị giảm hẳn.

Còn đại đa số người dân sẽ lắc đầu ngao ngán. Lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ bị xói mòn.

Rất mong các đại biểu cân nhắc thực trạng này, trước khi bấm nút.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm