| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế vùng bãi ngang Quảng Bình: (Bài 3) Nấm, khoai deo lên đời

Thứ Năm 13/08/2020 , 07:40 (GMT+7)

Xã biển bãi ngang Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) không chỉ có sản phẩm khoai deo được nhiều người biết đến mà người dân còn phát triển trồng nấm chất lượng cao….

Nấm linh chi về vùng biển

Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho hay, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, các cấp chính quyền đã cố gắng đưa các mô hình để tạo sinh kế cho người dân. “Hội Phụ nữ xã chúng tôi cũng đã thực hiện một số mô hình trồng nấm. Từ vài hộ ban đầu nay đã thành lan rộng và được đánh giá có hiệu quả cao”, chị Nhâm chia sẻ.

Được chọn đi học lớp tập huấn về trồng nấm cách đây ba năm, chị Nguyễn Thị Hiền (ở thôn Cừa Thôn) quyết định đầu tư vào nấm linh chi. Sau khi nắm được kỹ thuật trồng nấm, gia đình chị mạnh dạn vay vốn gần 100 triệu đồng để đầu tư vào cơ sở vật chất ban đầu.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, dần dần chị Hiền nắm vững hơn về kỹ thuật thực tế trồng nấm và phát triển lên 6.500 bịch nấm linh chi. Hiện nay, cơ sở của chị thu hoạch 2 vụ nấm/năm. Theo quy trình, trong điều kiện thuận lợi thì sau 3 tháng có thể thu hoạch một lứa nấm. Sau khi thu hoạch, giá nấm linh chi bán dao động từ 550.000 - 700.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi thu hoạch chị thu về khoảng 200 triệu đồng.

Mô hình nấm tăng thu nhập cao cho người dân vùng biển Hải Ninh. Ảnh: N.Tâm

Mô hình nấm tăng thu nhập cao cho người dân vùng biển Hải Ninh. Ảnh: N.Tâm

Điều đáng nói là khi vào thời gian chính vụ, cơ sở sản xuất nấm linh chi của chị Hiền đã tạo được việc làm với mức tiền công 250 ngàn đồng/ngày cho khoảng 15 lao động. Chị Hiền bảo, thời gian tới, sẽ thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nấm linh chi để mang sản phẩm nấm an toàn chất lượng đến với người tiêu dùng và tạo công việc cho nhiều người hơn.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm linh chi, chị Hiền cho biết, đây là loại nấm tương đối khó trồng nên đòi hỏi kỹ thuật cao. “Tất cả các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm phải được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận. Nhiệt độ thích hợp nhất từ 25 - 32 độ C, độ ẩm từ 90 - 95%, vì vậy, cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt. Vì vậy, những tháng hè có nền nhiệt cao do nắng nóng kéo dài phải tạm dừng sản xuất”, chị Hiền cho hay.

Ở thôn Xuân Hải, cơ sở sản xuất nấm sò của chị Trương Thị Toan cũng rất có hiệu quả. Ban đầu, mô hình gặp thất bại, nhưng vợ chồng chị Toan không nản lòng. Sau hàng chục lần thất bại mới đến thành công.

Từ thực tế sản xuất tại trang trại trồng nấm của chị Toan cho thấy, chi phí để tạo ra 1kg nấm thành phẩm sẽ khoảng từ 15 - 16 ngàn đồng. Trong khi đó, giá thị trường của nấm này đạt từ 30 - 40 ngàn đồng/kg. Với quy mô hơn 7.000 bịch nấm sò, trừ chi phí, cơ sở sản xuất nấm của vợ chồng chị Toan thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Nói về kỹ thuật trồng nấm sò, chị Toan cho biết đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, nấm dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng làm hại nên cần sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. “Để tạo môi trường tốt, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm và thu hái, bảo quản đúng kỹ thuật. Mọi người nên chú ý đến việc trồng nấm theo hướng an toàn”, chị Toan nói.

Cũng theo chị Toan, hiện nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm nấm sạch còn rất lớn.  “Sau đợt hè này, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng quy mô nhà xưởng và tăng diện tích nuôi trồng nấm”, chị Toan cho biết.

Đến nay, trên địa bàn xã Hải Ninh có gần 30 hộ phát triển mô hình trồng nấm cho thu nhập cao. Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho rằng, việc chị em đã biết chuyển đổi ngành nghề, áp dụng khoa học vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình là điều đang được nhân rộng. “Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ chị em thành lập Hợp tác xã sản xuất nấm tổng hợp, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm trên quê biển Hải Ninh", chị Nhâm nhấn mạnh.

Khoai deo đánh đường… xuất ngoại

Về vùng biển Hải Ninh nghe chuyện khoai deo xuất ngoại là rôm rả nhất. Hàng chục năm về trước, làng biển nghèo này sống nhờ… khoai. Khoai lang trồng trên cát vậy mà hợp với các loại phân xanh bón theo lượng như lá phi lao, cây rười . Đến mùa thu hoạch, bà con cứ thái lát, phô khô để dành cho những tháng cuối năm gió mưa còn có cái ăn. Người dân vùng ruộng cũng đến mùa này gồng gánh ra vùng biển mượn khoai khô về ăn. Sau đó đến mùa trả lại cứ thúng khoai khô thành thúng thóc.

Khoai làng được chế biến thành sản phẩm khoai deo. Ảnh: N.Tâm

Khoai làng được chế biến thành sản phẩm khoai deo. Ảnh: N.Tâm

Bây giờ cô gái làng biển Nguyễn Thị Như Mận (sinh năm 1985, ở thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh) dù có một công việc ổn định với mức thu nhập khá, nhưng vẫn sẵn sàng từ bỏ để khởi nghiệp từ củ khoai.

Củ khoai lang sau khi được thu hoạch về, bà con ủ cho khoai lên đường rồi luộc chín. Sau đó thái lát mỏng và đưa phơi nắng cho khô gọi là khoai deo. Khi đó, khoai deo là món ăn dân dã nhưng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người. Khoai deo sử dụng đơn giản, thuận tiện. Có thể dùng để ăn ngay, nấu chín hoặc hấp cơm đều được. Khoai dẻo, ngọt lừ, thơm hương vụ quê khó quên. Trên vùng biển Hải Ninh đã có Hợp tác xã khoai deo hoạt động hơn chục năm nay. Tuy nhiên, chị Mận nhận thấy cần đưa thương hiệu khoai deo Hải Ninh đi xa hơn nên quyết định thành lập Công ty TNHH Như Mận để sản xuất kinh doanh mặt hàng này.

Từ củ khoai lang trở thành hàng hóa sản phẩm khoai deo Hải Ninh có giá trị cao. Ảnh: N.Tâm

Từ củ khoai lang trở thành hàng hóa sản phẩm khoai deo Hải Ninh có giá trị cao. Ảnh: N.Tâm

Sau gần ba năm đi vào hoạt động, sản phẩm khoai deo Hải Ninh của công ty đã có mặt trên thị trường tiêu thụ và đã có chỗ đứng nhất định.

Được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè, chị Mận đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và trang bị máy móc, thiết bị khá hiện đại phục vụ sản xuất. Hàng năm, Công ty TNHH Như Mận xuất bán ra thị trường 60 - 80 tấn khoai gieo thương phẩm, đưa lại lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng/năm. Từ sản phẩm khoai deo đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại sản phẩm khoai deo Như Mận đã có mặt tại một số cửa hàng nông sản sạch và các siêu thị ở các tỉnh, thành trong cả nước. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì để đưa đến thị trường các nước như Lào, Thái Lan…”.

Sản phẩm khoai deo Hải Ninh của Công ty TNHH Như Mận có mặt ở siêu thị trong nước. Ảnh: N.Tâm

Sản phẩm khoai deo Hải Ninh của Công ty TNHH Như Mận có mặt ở siêu thị trong nước. Ảnh: N.Tâm

Ông Mai Văn Trung, một nông dân làm khoai deo ở thôn Tân Định cho hay, gia đình trồng 5 sào khoai (mỗi sào 500 m2). Năng suất bình quân khoảng 1 tấn/sào (20 tấn/ha). Một cân khoai lang củ trước đây bán ở chợ 5- 6 ngàn đồng. “Cứ 3 – 4 kg khoai củ chế biến được 1 kg khoai deo, giá khoai deo bán tại lò đã là 50 - 60 ngàn đồng. Như vậy, giá khoai đã được nâng lên thành 20 ngàn đồng/kg. Giá trị củ khoai được nâng lên 4-5 lần sau khi thành khoai deo”, ông Trung cho hay.

Cũng theo tính toán của ông Trung, mỗi ha đất cát trồng khoai lang cho năng suất khoảng 20 tấn củ, sau khi chế biến thành khoai deo được khoảng 6 tấn, bán giá thấp nhất 50 triệu đồng/tấn thì đạt giá trị khoảng 300 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, trung bình mỗi năm, các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân chế biến được gần 300 tấn khoai deo, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng. “Nhờ vậy, đời sống của bà con ngư dân cũng được nâng cao. Nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn ở vùng biển bãi ngang ngày càng thay đổi đi lên”, ông Hải chia sẻ thêm.

Đổi thay trên vùng biển Hải Ninh hôm nay. Ảnh: N.Tâm

Đổi thay trên vùng biển Hải Ninh hôm nay. Ảnh: N.Tâm

Trước đây, trên địa bàn xã Hải Ninh cơ bản hộ dân nào cũng trồng khoai lang. Diện tích đã có lúc phát triên lên năm, bảy chục ha. Đến nay, diện tích trồng khoai chỉ còn lại gần 15 ha. Nguyên nhân do đất được cấp cho doanh nghiệp, một phần người dân xây dựng nhà cửa cho con cái. Nhiều hộ dân phải đến những vùng đất khác để thuê đất trồng khoai. Ông Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh trao đổi, đã làm thủ tục xin tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai khoảng 200 ha cho bà con. “Có được như vậy, vùng biển có thêm được thế mạnh mới trong phát triển kinh tế, xã hội”- ông Liệu nhìn nhận.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất