| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/08/2013 , 09:48 (GMT+7)

09:48 - 13/08/2013

Không phải là "đặc quyền"

Cung cấp thông tin cho báo chí không phải là "đặc quyền" của các cơ quan Nhà nước mà chính là cơ hội đưa thông tin nhanh, chính xác tới bạn đọc.

Cung cấp thông tin cho báo chí không phải là "đặc quyền" của các cơ quan Nhà nước (CQNN) mà chính là cơ hội để CQNN đưa những thông tin chính xác, chính thống đến với bạn đọc cả nước một cách nhanh chóng và đơn giản nhất.

Quan điểm trên được đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh nhiều lần trong Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tổ chức mới đây tại Hà Nội.


Ảnh minh họa

Thực vậy, việc đại diện các CQNN cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác cho báo chí không chỉ là “nghĩa vụ” giải đáp thắc mắc của báo giới và công chúng cả nước mà còn là “quyền lợi” của chính các cơ quan này: Đó là quyền được lên tiếng trước những sự việc liên quan đến lĩnh vực mà mình đang quản lý, quyền được phản hồi trước những thông tin chưa chính xác, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Trên hết, đấy còn là quyền được bày tỏ quan điểm để tạo niềm tin và sự đồng thuận của người dân trước những chính sách, quy định do CQNN ban hành để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao nhất.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, kể từ khi Quy chế phát ngôn lần đầu tiên có hiệu lực cách đây 6 năm, không ít cán bộ cơ quan Nhà nước vẫn coi việc cung cấp thông tin cho báo chí là đặc quyền của mình và chỉ chủ động tiếp xúc báo chí khi họ muốn. Tình trạng "không cung cấp thông tin", "né tránh cung cấp thông tin cho báo chí" vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức Nhà nước. Quy chế phát ngôn, vốn được coi là công cụ hỗ trợ báo chí tiếp cận cán bộ, lãnh đạo các CQNN khi mới được ban hành năm 2007 lại trở thành tấm lá chắn hữu hiệu cho các quan chức "ngại" trả lời báo chí khi không ít vị lãnh đạo “vin” vào cái cớ “tôi không phải người phát ngôn” để đóng cửa phòng làm việc khi phóng viên đến tìm.

Để chấm dứt tình trạng này, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mới được Chính phủ ban hành thay thế Quy chế phát ngôn trước đó đã quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu các CQNN, người phát ngôn và các cán bộ CQNN trước yêu cầu cung cấp thông tin của báo chí. Quy chế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 này cũng quy định rõ chế tài xử lý vi phạm công tác phát ngôn để nâng cao trách nhiệm phản hồi của các lãnh đạo, người phát ngôn CQNN trước các yêu cầu cung cấp thông tin một cách hợp pháp và hợp lý của nhà báo, phóng viên trong các trường hợp cụ thể.

Việc Chính phủ “mạnh tay” hơn đối với hành vi không cung cấp thông tin cho báo chí được coi là một hành động cần thiết để tạo môi trường tác nghiệp minh bạch hơn cho giới báo chí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mấu chốt của vấn đề có lẽ không nằm ở khuôn khổ pháp luật mà nằm ở chính sự nhận thức của các lãnh đạo, người phát ngôn CQNN. Bởi lẽ, nếu không muốn trả lời báo chí hoặc trả lời một cách miễn cưỡng, lãnh đạo và người phát ngôn các CQNN sẽ tìm được hàng trăm lý do để giải thích cho hành động của mình.

Vì vậy, chỉ khi nào những người đứng đầu, người phát ngôn của các CQNN không còn coi việc trả lời báo chí là đặc quyền hay một sự ban phát ân huệ mà nhận thức được rằng việc tiếp xúc với báo chí là cơ hội để họ lên tiếng một cách công khai thì tình trạng né tránh báo chí mới có thể chấm dứt hoàn toàn.

Bình luận mới nhất